UBTVQH cho ý kiến về ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul

Chiều ngày 11-2, tiếp tục Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ Trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa được ký kết ngày 26/6/1990, có hiệu lực từ ngày 27/11/1993 dưới sự quản lý của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO). Việt Nam chính thức là thành viên Công ước Istanbul từ ngày 03/7/2019.

Công ước gồm 05 Chương với 34 điều, hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thủ tục cấp và hoàn trả số tạm quản (sổ ATA), bảo đảm thuế nhập khẩu, các khoản thuế khác và phí, lệ phí (nếu có) đối với hàng hóa tạm quản theo Công ước Istanbul.

Bên cạnh đó, quy định về cơ chế bảo đảm hàng hóa tạm quản, thời hạn tạm quản, khoản thu phí cấp số ATA là những quy định mới so với pháp luật hiện hành, cần xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc ban hành Nghị định của Chính phủ nhằm thực hiện cam kết quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai cơ chế tạm quản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết thúc nội dung thảo luận (ảnh QH)

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết thúc nội dung thảo luận (ảnh QH)

Nội dung của cơ chế tạm quản hàng hóa là hàng hóa được phép tạm nhập vào hoặc tạm xuất ra khỏi một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định với điều kiện chủ hàng phải bảo đảm tái xuất hoặc tái nhập hàng hóa trong thời hạn nhất định.

Cơ chế tạm quản vận hành dựa trên hệ thống Sổ Tạm quản (ATA carnet) là một bộ chứng từ hải quan duy nhất được quốc tế công nhận, dùng để thay thế tờ khai hải quan áp dụng đối với hàng hóa đi lại theo chế độ tạm quản giữa các thành viên của Công ước Istanbul.

Thẩm tra dự thảo Nghị định, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, hồ sơ dự thảo Nghị định của Chính phủ đã đảm bảo theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí việc quy định hàng hóa tạm quản phải được đặt dưới chế độ bảo đảm. Tuy nhiên, đề nghị cần quy định đối với trường hợp hàng hóa tạm xuất từ Việt Nam thì đồng tiền bảo lãnh là đồng Việt Nam, các trường hợp khác thì đồng tiền bảo lãnh phải thực hiện theo quy định của nước đi và bổ sung quy định về đồng tiền nộp thuế.

Đồng thời, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ quy định rõ trong Nghị định về thời hạn tạm quản hàng hóa tối đa có thời gian là bao nhiêu ngày. Có ý kiến đề nghị trường hợp hết thời hạn tái xuất mà hàng hóa chưa thực tái xuất thì không nên gia hạn thêm, chỉ quy định 12 tháng vì so với quy định hiện hành của Việt Nam đã dài hơn 2 lần.

Về giao cơ quan thực hiện cấp sổ và thu phí cấp sổ ATA, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc giao cho VCCI thực hiện dịch vụ công mà nhiệm vụ này đang thuộc trách nhiệm của cơ quan hải quan, trong khi Công ước Istanbul cũng không quy định cụ thể vấn đề này; cơ cấu tổ chức bộ máy, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực tài chính để thực hiện nhiệm vụ này của VCCI có đảm bảo không?

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ để hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, UBTVQH thống nhất cần có một Nghị định của Chính phủ để nội luật hóa Công ước Istanbul mà Việt Nam đã tham gia. Những vấn đề Chính phủ nêu trong Tờ trình đều đã được quy định rất rõ trong Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký cũng như Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.

Riêng về việc cấp sổ tạm quản ATA, Ủy ban Thường vụ thống nhất coi đây là một loại phí hải quan nằm trong danh mục phí và lệ phí do Chính phủ chỉ đạo và hướng dẫn và không phải ban hành theo một danh mục phí mới.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ubtvqh-cho-y-kie-n-ve-ban-hanh-nghi-dinh-huong-dan-thuc-hien-co-che-tam-quan-theo-cong-uoc-istanbul-179626.html