UBTVQH thảo luận về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Ngày 16/9, tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB). Dù vẫn còn những ý kiến khác nhau về việc có nên tách riêng luật này khỏi Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) hay không, song, nhiều ý kiến tại phiên họp thống nhất với sự cần thiết phải củng cố, siết chặt các quy định về TTATGTĐB để kiềm chế và giảm tai nạn giao thông (TNGT).
Mỗi năm có gần 10.000 người chết vì TNGT
Tại phiên họp, lý giải về sự cần thiết ban hành luật riêng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, trong lĩnh vực bảo đảm TTATGTĐB đang tồn tại, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, nhất là việc quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB. Tình hình tai nạn và ùn tắc đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội... đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật. Thứ trưởng Bộ Công an dẫn số liệu cho thấy từ năm 2009 đến nay, TNGT ở Việt Nam trung bình hàng năm gần 10.000 người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động, làm bị thương trên 336.000 người.
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban QPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật. Trong đó, chú ý tập trung rà soát, đối chiếu với dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) để bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo, phân định, tách bạch rõ ràng phạm vi và nội dung được điều chỉnh, nhất là về quản lý nhà nước và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, lực lượng chức năng.
Vẫn còn ý kiến băn khoăn
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, việc đảm bảo TTATGT cho đường bộ, đường sắt, đường không và đường thủy nội địa phải là như nhau để thấy được sự kết cấu luật đồng bộ. Có ý kiến băn khoăn về việc “tách” luật và phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật bởi không thể nói nhóm vấn đề về hạ tầng giao thông không dính dáng đến TTATGT vì từ biển báo, hành lang, đường xấu... đều ảnh hưởng. “Cần nghiên cứu để có thể “tách” tương đối 2 luật. Bên cạnh đó, các vấn đề về thay đổi chủ thể quản lý từ bộ này sang bộ kia cần có tổng kết, rồi nội dung như trừ điểm bằng lái tác động đến hàng triệu người dân phải cân nhắc kỹ trước khi luật hóa”, bà Lê Thị Nga nêu ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, không ai không quan tâm và không thấy được mức độ nguy hại của TNGT cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành và ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc xây dựng các quy định phải bàn cho hợp lý, thống nhất. Ông Uông Chu Lưu đề nghị rà soát về phạm vi điều chỉnh của dự luật, vấn đề nào đã chứng minh qua thực tiễn rồi thì nên giữ ổn định, tránh xáo trộn.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, UBTVQH cơ bản tán thành sự cần thiết có quy định mang tính tổng thể, đầy đủ, chặt chẽ liên quan TTATGT, đảm bảo an toàn tính mạng của người tham gia giao thông. Các nội dung phần lớn tách ra từ Luật GTĐB năm 2008, cơ bản được thiết kế để phân định rõ lĩnh vực, tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát 2 dự thảo luật để tránh trùng lặp, có mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, nghiên cứu thống nhất thành một luật trật tự an toàn giao thông bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường không, đường thủy nội địa để đảm bảo tính lâu dài của dự án luật.
Về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, do còn ý kiến khác nhau về việc giao Bộ nào quản lý, UBTVQH cho rằng cần đánh giá tổng kết, như về bộ máy, chi phí, nghiên cứu thêm quy định của nước ngoài và xu hướng xã hội hóa. “Việc “tách” luật, qua thảo luận có thể thấy còn băn khoăn. Xuất phát từ yêu cầu thống nhất, hợp lý trong tổ chức điều hành, đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ để báo cáo Quốc hội”, ông Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.