UBTVQH xem xét, quyết định sắp xếp đơn vị hành chính 12 tỉnh thành; cho ý kiến bổ nhiệm nhân sự, sửa đổi Luật Sĩ quan...

Dự kiến tại phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 12 tỉnh, thành phố; cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;...

Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo dự kiến, Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 15/11 (dự phòng sáng 19/11/2024) tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung Phiên họp.

Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về công tác xây dựng pháp luật; công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 8 dự thảo Luật

Thứ nhất, về công tác xây dựng pháp luật, trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian để tiến hành cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Luật:

- Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi);

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam;

- Luật Điện lực (sửa đổi);

- Luật Đầu tư công (sửa đổi);

- Luật Bảo hiểm y tế;

- Luật Công chứng (sửa đổi);

- Luật Địa chất và khoáng sản;

- Luật Dữ liệu;

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

Cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về việc cử thành viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia.

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét một số nghị quyết để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.

Xem xét, quyết định sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố

Về quyết định các vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.

Trước đó, ngày 9/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 29 thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp, thành lập đối với 06 đơn vị hành chính cấp huyện và 361 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 05 đơn vị hành chính cấp huyện và 200 đơn vị hành chính cấp xã mới của 12 tỉnh, thành phố.

Như vậy, sau sắp xếp, giảm 01 đơn vị hành chính cấp huyện và 161 đơn vị hành chính cấp xã.

Về số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù và chưa thực hiện sắp xếp do có các lý do khác: có 05 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị) đề nghị không thực hiện sắp xếp 08 đơn vị hành chính cấp huyện và có 9 tỉnh, thành phố (Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ chí Minh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc) đề nghị không thực hiện sắp xếp 258 đơn vị hành chính cấp xã.

Về tiêu chuẩn loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển KTXH và cơ sở hạ tầng đô thị, các thành phố, thị xã, phường, thị trấn hình thành mới sau sắp xếp, thành lập đã đảm bảo hoặc có cam kết bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị theo quy định.

Việc tổ chức, kiện toàn các cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của 05 đơn vị hành chính cấp huyện và 200 đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp của 12 tỉnh, thành phố thực hiện theo quy định của Đảng, Điều lệ của tổ chức và của pháp luật hiện hành.

Đối với các đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục: 12 tỉnh, thành phố đều đề nghị: Giữ nguyên trạng các cơ sở giáo dục (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) để bảo đảm đủ cơ sở vật chất trường, lớp cho học tập của học sinh trên địa bàn.

Nhập các Trạm y tế của đơn vị hành chính cấp xã (cũ) để thành lập Trạm y tế của đơn vị hành chính cấp xã (mới).

Đồng thời các trạm y tế cũ được sử dụng làm cơ sở hoạt động các chương trình y tế cộng đồng thuộc Trạm y tế của đơn vị hành chính cấp xã (mới) để bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn hoặc được sắp xếp theo hướng dẫn của cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực...

Gần 3500 người dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính 12 tỉnh, thành phố

Liên quan tới số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, cấp huyện: 136 người dôi dư, cấp xã: 3.342 người dôi dư.

UBND 12 tỉnh, thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để bố trí, sắp xếp và giải quyết đối với số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư theo đúng quy định.

Đối với giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính, tại các Đề án đã rà soát, thống kê số lượng trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp.

Theo đó, cấp huyện có 09 trụ sở dôi dư; cấp xã có 329 trụ sở dôi dư. UBND 12 tỉnh, thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để xử lý số lượng trụ sở, tài sản công dôi dư theo đúng quy định.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/ubtvqh-xem-xet-quyet-dinh-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-12-tinh-thanh-cho-y-kien-bo-nhiem-nhan-su-sua-doi-luat-si-quan-119241113131427946.htm