Úc duyệt tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ nguy cơ cao dưới 5 tuổi
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Fukuoka, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
* Giới chuyên gia Nhật Bản đề nghị coi dịch COVID-19 như cúm mùa
Chính phủ Úc đã quyết định sẽ tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19 cho những trẻ nguy cơ cao trong độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi trong bối cảnh nước này đang nỗ lực cắt đứt chuỗi lây lan dòng phụ của biến thể Omicron.
Thông báo của Bộ trưởng Bộ Y tế Úc, ông Mark Butler ngày 2/8 nêu rõ chính phủ liên bang đã chấp nhận khuyến nghị của Nhóm cố vấn kỹ thuật Úc về tiêm chủng vắc xin của Moderna (Mỹ) cho những trẻ em có nguy cơ trở nặng nếu mắc COVID-19.
Theo kế hoạch, từ ngày 5/9, khoảng 70.000 trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, bị khuyết tật hoặc có tình trạng sức khỏe phức tạp sẽ bắt đầu được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Moderna.
Phác đồ cơ bản sẽ là 2 liều tiêm, được khuyến cáo cách nhau 8 tuần.Tuy nhiên, đối với những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, số liều tiêm sẽ là 3 mũi.
Bộ Y tế Úc ngày 3/8 cho biết nước này đã ghi nhận hơn 40.000 ca mắc mới COVID-19 và hơn 60 ca tử vong do căn bệnh này trong 24 giờ qua.
Tính đến ngày 2/8, tổng số ca tử vong do đại dịch COVID-19 ở Úc là 12.000 người, trong tổng số ca mắc bệnh là 9.476.160 người.
Tại Nhật bản, các chuyên gia y tế và kinh tế Nhật Bản vừa kêu gọi Chính phủ nước này đưa dịch COVID-19 vào nhóm 5 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm, tức là ngang với cúm mùa, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện và trung tâm y tế công cộng.
Trong bản đề xuất dài 19 trang, nhóm chuyên gia, trong đó có ông Shigeru Omi, Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản về ứng phó với dịch COVID-19, cũng thúc giục chính phủ áp dụng cách tiếp cận linh hoạt với dịch COVID-19 như dừng truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và cho phép các phòng khám chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Bên cạnh đó, các bệnh nhân COVID-19 sẽ không cần phải nhập viện ngay cả khi các bệnh viện vẫn còn giường trống và những người mắc COVID-19 không bắt buộc phải ở nhà.
Tại Nhật Bản, các bệnh truyền nhiễm được phân thành 5 nhóm, trong đó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất như dịch hạch và Ebola được xếp vào nhóm 1.
Các nhóm sau đó có mức độ nguy hiểm giảm dần, chẳng hạn nhóm 2 có bệnh lao, nhóm 3 có dịch tả, nhóm 4 có sốt vàng da và nhóm 5 có bệnh cúm mùa. Riêng dịch COVID-19 thuộc danh mục “cúm mới và các bệnh khác” nằm ngoài 5 nhóm trên.
Đây là danh mục các dịch bệnh có mức độ nguy hiểm tương đương với các bệnh truyền nhiễm ở nhóm 2, nhưng lại áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tương đương với các bệnh truyền nhiễm trong nhóm 1. Nếu dịch COVID-19 được đưa vào nhóm 5, tương đương với cúm mùa, nhà nước sẽ không phải chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho các bệnh nhân COVID-19.
Tuy nhiên, theo bản đề xuất trên, nhà nước sẽ vẫn chi trả các chi phí y tế cho các bệnh nhân COVID-19 nặng và các chi phí chữa trị đắt đỏ (nếu có) cho các bệnh nhân COVID-19.
Mặt khác, nếu dịch COVID-19 được xếp vào nhóm 5, tất cả các bệnh viện và phòng khám sẽ không bị bắt buộc phải báo cáo tất cả các ca mắc COVID-19 tới trung tâm y tế công cộng. Thay vào đó, chỉ có các bệnh viện được chỉ định là phải báo cáo các ca mắc mới.
Ngoài ra, trong bản đề xuất trên, các chính quyền cũng khuyến nghị Chính phủ Nhật Bản cần xây dựng một hệ thống giám sát mới đối với virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh đa số những người nhiễm biến thể Omicron đều có triệu chứng nhẹ.