Úc: Gia tăng số ca mắc COVID-19 khi mùa đông đang đến gần
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Perth, Úc. Ảnh: AFP/TTXVN
* EU và Pfizer/BioNTech điều chỉnh hợp đồng cung cấp vaccine COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, số ca mắc COVID-19 ở Úc bắt đầu tăng trở lại vào thời điểm quốc gia châu Đại Dương này sắp bước sang mùa đông.
Mặc dù Úc nỗ lực khuyến cáo những người bắt đầu có triệu chứng mắc COVID-19 không nên ra ngoài, đồng thời kêu gọi người dân tích cực tiêm chủng, nhưng số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc vẫn tiếp tục tăng.
Trong vòng 7 ngày qua, Úc ghi nhận 41.188 ca mắc COVID-19, tăng 7,7% so với một tuần trước đó, trong đó riêng bang New South Wales (NSW) ghi nhận 14.409 ca.
Trong vòng một tuần, tính đến ngày 26/5, bang NSW ghi nhận 69 ca tử vong vì COVID-19 và số ca mắc mới đã tăng thêm 864 ca so với một tuần trước đó.
Cũng trong giai đoạn này, bang Victoria ghi nhận số ca mắc COVID-19 đã tăng 15%, lên 10.642 ca và 9 ca tử vong; số ca nhập viện tại đây đã tăng 23% lên 415 bệnh nhân. Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 tại bang Nam Úc đã tăng thêm 28% lên 4.012 ca. Các bang khác như Queensland, Tây Úc ghi nhận số ca tăng nhẹ.
Các chuyên gia y tế Úc cảnh báo thời tiết lạnh hơn khi bước sang mùa đông là điều kiện khiến cho cả COVID-19 và dịch cúm lây lan mạnh, đồng thời khuyến cáo biện pháp phòng bệnh tốt nhất đối với các bệnh đường hô hấp chính là tiêm chủng.
Ngày 25/5, Bộ trưởng Y tế của bang NSW, ông Ryan Park, một lần nữa kêu gọi người dân tại đây tiêm phòng cả cúm và COVID-19 trước khi Úc bước sang mùa đông. Ông khẳng định: “Điều đặc biệt quan trọng là mọi người cần luôn ý thức rằng COVID-19 vẫn đang tồn tại trong cộng đồng”.
TS Kerry Chant, Giám đốc Y tế bang NSW cho biết dữ liệu thông báo về số ca mắc mới gia tăng gần đây, bao gồm cả COVID-19 và các loại bệnh đường hô hấp khác, cho thấy các ca này chủ yếu là trẻ em đang trong độ tuổi đến trường.
Các chuyên gia y tế Úc đang khuyến cáo người dân ghi nhớ 6 bước để tự phòng chống bệnh, bao gồm đeo khẩu trang, tiêm mũi vắc xin nhắc lại, giữ bầu không khí thông thoáng, xét nghiệm nếu xuất hiện triệu chứng, ở nhà nếu có kết quả dương tính với COVID-19 và thăm khám với bác sĩ.
* Liên minh châu Âu (EU) và các công ty dược phẩm gồm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo đã đạt được thỏa thuận về việc sửa đổi hợp đồng cung ứng vắc xin phòng bệnh COVID-19, theo đó giảm số lượng vắc xin và lùi thời điểm giao hàng đến năm 2026.
Thỏa thuận trên đạt được sau nhiều tháng đàm phán và trong bối cảnh EU đang phải chịu sức ép từ các quốc gia thành viên yêu cầu sửa đổi hợp đồng do tình trạng dư thừa vắc xin ngừa COVID-19 và nhu cầu tiêm mũi tăng cường còn thấp. Một số quốc gia EU đã buộc phải tiêu hủy những lô vắc xin hết hạn.
Trong một tuyên bố, Ủy viên châu Âu phụ trách y tế Stella Kyriakides cho biết việc sửa đổi hợp đồng vắc xin với Pfizer/BioNTech phù hợp với nhu cầu thực tế.
Theo hợp đồng ban đầu được ký vào tháng 5/2021, đến cuối năm nay, Pfizer/BioNTech sẽ cung cấp cho EU 900 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 và có thể cung cấp thêm 900 triệu liều sau đó.
Tuy nhiên, khoảng hơn 50% trong số 900 triệu liều vắc xin theo hợp đồng vẫn chưa được giao do nhu cầu giảm vào năm ngoái. EU cũng không đề nghị mua bổ sung vắc xin như dự định ban đầu.
Các thông báo của Ủy ban châu Âu (EC) và Pfizer/BioNTech không nêu cụ thể số lượng vắc xin cắt giảm trong hợp đồng.
Tuy nhiên, một nguồn thạo tin cho biết hai bên sẽ giảm khoảng 30% lượng vắc xin chưa giao trong số 900 triệu liều ban đầu. Theo nguồn tin này, các quốc gia thành viên EU sẽ phải trả một khoản phí cho mỗi liều vắc xin bị hủy.
Cũng theo hợp đồng sửa đổi, EU vẫn sẽ tiếp tục được tiếp cận với các loại vắc xin ngừa COVID-19 được điều chỉnh để chống lại các biến thể mới ngay khi vắc xin được cơ quan quản lý cấp phép.