Úc ứng phó chiến lược biển của Trung Quốc
Úc đang nỗ lực tìm cách đối phó trước những ảnh hưởng ngày một gia tăng của Bắc Kinh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Việc leo thang quân sự của Trung Quốc (TQ) tại biển Đông trong vài năm trở lại đây ngày càng trở nên báo động. Cụ thể là việc tăng cường hoạt động tuần tra, bồi đắp đảo nhân tạo để xây dựng căn cứ quân sự, tổ chức các cuộc tập trận và gần đây nhất là thử nghiệm tên lửa luôn đặt an ninh khu vực vào tình trạng căng thẳng. Ngay cả Úc, một quốc gia ở xa và không có yêu sách ở biển Đông, cũng bày tỏ sự lo ngại ngày càng gia tăng trước quy mô quân sự hóa biển Đông trái phép ngày càng được mở rộng của Bắc Kinh.
TQ gia tăng hoạt động tại Nam Thái Bình Dương
Hồi chuông cảnh báo đầu tiên về khả năng TQ xây dựng lực lượng quân sự tại Nam Thái Bình Dương “rung lên” vào tháng 4-2018. Theo hãng tin Fairfax Media, Bắc Kinh được cho là đang tiến hành thảo luận việc thiết lập một căn cứ quân sự lâu dài ở Vanuatu, một đảo quốc nằm ở phía tây nam Thái Bình Dương, dù rằng cả TQ và Úc đều bác bỏ thông tin này.
Trong tháng 6-2019 vừa qua, ba tàu chiến TQ bất ngờ cập bến Sydney khiến người dân vô cùng bất mãn dù Thủ tướng Úc Scott Morison ra sức trấn an rằng chuyến thăm này đã được lên kế hoạch từ trước.
Trong đợt tập trận Talisman Sabre giữa Mỹ, Úc, Nhật vào đầu tháng 7 vừa qua, TQ cũng cử tàu trinh thám với các thiết bị liên lạc tối tân neo đậu ngoài khơi quần đảo Queensland để thu thập thông tin về khả năng hợp tác chiến đấu của các bên tham gia cuộc tập trận.
Tất cả sự kiện trên cho thấy chuỗi đảo ở phía bắc và đông bắc nước Úc dường như là điểm đến tiếp theo trên lộ trình trở thành thế lực chủ đạo mà TQ đang nhắm tới trên khắp vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nếu hiện thực hóa được mục tiêu này thì đồng nghĩa là TQ có thể thay thế trật tự tại khu vực vốn hiện do Mỹ dẫn đầu.
Không những vậy, theo quan điểm của ông Hugh White, GS danh dự về nghiên cứu chiến lược tại ĐH Quốc gia Úc, được đăng trên tờ The Guardianvào ngày 15-7, các động thái của TQ còn là lời thách thức đối với vị thế làm chủ của Úc ngay chính tại khu vực “sân nhà”.
Bị động là thua cuộc
Để ngăn chặn sự lo ngại, Úc không những phải tích cực hơn trong chiến lược quốc phòng mà còn phải biết tận dụng mối quan hệ với các đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tại sân nhà, lực lượng quốc phòng Úc phải áp dụng một thế trận phòng thủ mới bằng cách chủ động triển khai hoạt động đến các căn cứ ở đảo Guam và Papua New Guinea để có thể kịp thời đối phó với các chính sách đe dọa và động thái có chiều hướng tiêu cực của TQ ở vùng biển Thái Bình Dương, theo nhận định của TS Malcolm Davis - một chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Úc.
Gần đây, chính phủ Úc đã lên kế hoạch xây dựng một cảng mới ở Darwin để tiếp nhận lính thủy đánh bộ Mỹ. Bên cạnh đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng đã cam kết tài trợ hàng triệu đôla cho hàng loạt đảo trong khu vực để ngăn chặn sự ảnh hưởng của TQ.
Bên cạnh đó, GS Hugh White cho rằng Canberra phải cải thiện quan hệ với các đảo quốc lân cận, vì khả năng phòng thủ của Úc phụ thuộc rất lớn vào vị trí chiến lược của nhóm nước này. Ông White đề xuất Úc nên thay đổi từ vị thế “ông chủ khu vực” sang “đối tác quan trọng” bằng việc tăng cường tối đa vai trò và sự hiện diện của mình.
Ngoài ra, theo gợi ý của ông White, Úc cần nâng cao năng lực quốc phòng bằng cách cân nhắc khả năng phát triển vũ khí hạt nhân. Úc không thể “núp” mãi trong “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ, vì Washington chỉ che chở cho các đồng mình để phục vụ cho lợi ích của quốc gia này tại khu vực châu Á.
Ở mặt trận biển Đông, theo bài phân tích của tác giả Sam Fairall-Lee trên trang The Strategist, Úc cần có những hành động cụ thể nhằm chứng minh lập trường cứng rắn trước những hành vi quân sự ngày càng nhiều của TQ tại vùng biển thuộc nhóm quan trọng bậc nhất thế giới. Giới quan sát cho rằng hiện nay Úc đơn thuần chỉ “vẫy cờ” báo hiệu sự hiện diện của Úc tại biển Đông. Các cuộc tuần tra chung giữa Úc và các nước (như Mỹ và đồng minh Mỹ) trên biển Đông sẽ củng cố thêm niềm tin cho các đối tác ASEAN trong việc đối trọng TQ. Động thái này của Úc càng đặc biệt có ý nghĩa tại biển Đông trong bối cảnh chính sách của Mỹ tại đây dường như chưa phát huy hiệu quả.
Những diễn biến quan trọng ở biển Đông gần đây
• Tổng thống Philippines bị chỉ trích vì trì hoãn thực thi phán quyết Tòa Trọng tài (PCA). Cụ thể, hôm 12-7, cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã lên tiếng chỉ trích thất bại của ông Rodrigo Duterte trong việc kêu gọi chính quyền TQ tuân thủ phán quyết năm 2016 của PCA. Theo ông, thất bại này đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh tiến hành “nhiều hành động đe dọa và bắt nạt bất hợp pháp ở biển Đông”.
Trước đó, hôm 26-6, ông Duterte đưa ra phát ngôn gây tranh cãi trong nước khi tuyên bố TQ có thể khai thác hải sản ở vùng đặc quyền kinh tế của nước này vì “tình hữu nghị giữa hai quốc gia”. Phó chánh án Tòa án Tối cao Philippines khẳng định phát ngôn của chủ nhân Điện Malacanang đã “ảnh hưởng nghiêm trọng đến phán quyết của PCA và chủ quyền của Philippines ở biển Đông”. Theo hãng tin AP, động thái trì hoãn thực thi phán quyết năm 2016 của ông Duterte được cho là nhằm cải thiện quan hệ TQ - Philippines, cũng như đổi lấy các khoản đầu tư hạ tầng và thương mại từ Bắc Kinh.
• Mỹ tố TQ bội ước cam kết không quân sự hóa biển Đông đưa ra năm 2015. Theo đó, hôm 11-7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cáo buộc TQ không giữ lời hứa của Chủ tịch Tập Cận Bình tại cuộc họp báo chung với cựu tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 9-2015. Cụ thể, ông Tập từng hứa không quân sự hóa biển Đông. Bà Ortagus cho biết Mỹ kịch liệt phản đối các hành động nhằm khẳng định chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở khu vực này. “Đó là hành vi khiêu khích, làm phức tạp hóa quá trình giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đe dọa an ninh các quốc gia khác và làm suy yếu sự ổn định khu vực” - phát ngôn viên Ortagus nói, nhắc lại phán quyết năm 2016 của PCA bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của TQ ở biển Đông.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/uc-ung-pho-chien-luoc-bien-cua-trung-quoc-846276.html