UEFA Nations League: Màn trình diễn đáng lo ngại của các ông lớn châu Âu
Khi World Cup 2022 đã cận kề, UEFA Nations League chính là đấu trường mà các ông lớn tại châu Âu có những màn tập dượt quan trọng trước khi tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, màn trình diễn của các đội bóng giàu truyền thống nhất lục địa già lại đem đến sự thất vọng cho các cổ động viên của họ.
Những công trường bề bộn
Các đội bóng lớn như Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha đều đã ít nhiều gây thất vọng sau những trận đấu của họ. Dù luôn thừa mứa những ngôi sao lừng danh ở đẳng cấp thế giới, nhưng có vẻ như các đội bóng này chưa tìm ra được cách vận hành tốt nhất để tối ưu nguồn lực mà họ đang sở hữu.
Gây thất vọng nhất phải kể đến đội tuyển Anh. “Tam sư” tiếp tục phong độ đáng lo ngại của mình bằng thất bại sát nút trước Italia và chính thức nhận tấm vé xuống hạng. Đây là một kết quả xứng đáng với sự bế tắc mà các học trò của huấn luyện viên (HLV) Gareth Southgate đã trình diễn suốt những trận đấu gần nhất của họ. Không thể chọc thủng lưới Italia, đội tuyển Anh đã tịt ngòi 3 trận liên tiếp.
Thống kê đáng báo động hơn là họ đang trải qua chuỗi 450 phút liên tiếp (5 trận đấu) không ghi bàn từ những tình huống bóng sống, cơn khát dài nhất trong 22 năm qua. Tính đến trước lượt trận cuối cùng vòng bảng, “Tam sư” cũng là một trong hai đội tuyển chưa thể ghi bàn từ tình huống bóng sống tại UEFA Nations League 2022-2023, cùng với đội bóng “nhược tiểu” San Marino.
Sau khi dẫn dắt đội tuyển Anh đến bán kết World Cup 2018 và chung kết EURO 2020, Southgate đang tỏ ra “hết bài”. Mặc dù bóng đá Anh đang có một thế hệ cầu thủ xuất sắc với rất nhiều tài năng trẻ, nhưng lối chơi của “Tam sư” dưới thời Southgate chưa bao giờ có được sự phóng khoáng như người hâm mộ mong muốn.
Nhà cầm quân sinh năm 1972 luôn đề cao tính an toàn và thường xuyên sử dụng sơ đồ 3 trung vệ, khiến cho lực lượng tấn công bị mỏng đi. Cách lựa chọn nhân sự của Southgate cũng gây ra nhiều tranh cãi khi ông bỏ qua những cái tên có thể tạo ra đột biến cao trong lối chơi, tiêu biểu là Jadon Sancho.
Cũng gặp vấn đề về hàng công như đội tuyển Anh là đội tuyển Đức. Trong trận đấu với Hungary, đoàn quân của HLV Hansi Flick đã kiểm soát về mặt thế trận nhưng không thể chọc thủng lưới đối phương và phải chấp nhận thất bại với tỷ số tối thiểu. Việc thiếu một trung phong cừ khôi đang là vấn đề lớn với những “cỗ xe tăng” khi họ sở hữu nhiều tiền vệ công xuất sắc, tuy nhiên lại gặp rất nhiều khó khăn khi cần tung ra đòn kết liễu.
Với Pháp và Tây Ban Nha, những vấn đề của họ đến từ lực lượng. Pháp đang trải qua một cơn bão chấn thương khiến họ mất đi nhiều trụ cột quan trọng như Karim Benzema, Paul Pogba, N’Golo Kante… Trong bối cảnh đó, những người hâm mộ Les Bleus đã chờ đợi Kylian Mbappe bước lên nhận trọng trách thủ lĩnh. Tuy nhiên ngôi sao của Paris Saint Germain với cái tôi quá lớn của mình chưa thể đảm nhiệm vai trò đó, dẫn đến việc cả tập thể thi đấu rời rạc và thiếu ý tưởng.
Về phía Tây Ban Nha, họ vẫn chưa trải qua quá trình chuyển giao lực lượng hoàn chỉnh. Trong đội hình của HLV Luis Enrique có cả những cựu binh dày dạn như Busquets, Pique, Alba lẫn các tài năng trẻ nổi bật như Gavi, Pedri, Ansu Fati. Vấn đề lớn nhất của La Roja là những cầu thủ lớn tuổi đã qua thời kỳ đỉnh cao, trong khi thế hệ mới lại chưa đạt đến sự chín muồi. Điều đó thể hiện rõ qua sự phối hợp còn nhiều chệch choạc ở trận thua Thụy Sĩ.
Điểm sáng Bồ Đào Nha và Hà Lan
Hai đội bóng lớn đang gây ấn tượng mạnh nhất ở UEFA Nations League là Bồ Đào Nha và Hà Lan. Họ đã thể hiện được sức mạnh và đáp ứng được kỳ vọng từ người hâm mộ.
Không có gì phải bàn cãi khi nói rằng, Bồ Đào Nha đang là đội bóng có lực lượng hùng hậu nhất châu Âu vào lúc này. Trong tay HLV Fernando Santos là một dàn sao đang tỏa sáng rực rỡ ở nhiều đội bóng lớn. Mặc dù vậy, những băn khoăn về Cristiano Ronaldo luôn tồn tại. Ở tuổi 37, vai trò của CR7 đã trở nên mờ nhạt ở Manchester United. Tuy nhiên, anh vẫn là một biểu tượng quốc gia và là thủ quân của “Brazil châu Âu”, vì thế, khả năng Ronaldo phải ngồi dự bị là rất thấp.
Chiến thắng 4-0 của Bồ Đào Nha trước Cộng hòa Czech là hoàn hảo về mặt kết quả với thầy trò Fernando Santos, nhưng nó cũng cho thấy, không dễ để giải quyết “vấn đề Ronaldo”. Ngôi sao số 7 chơi mờ nhạt và không để lại quá nhiều dấu ấn, ngoại trừ tình huống anh bị chấn thương khi va chạm với thủ môn đối phương cùng cú đánh đầu tạo điều kiện cho Diogo Jota ấn định tỷ số trận đấu. Bồ Đào Nha đã chiến thắng nhờ sự tỏa sáng của bộ đôi Bruno Fernandes và Diogo Dalot, những đồng đội của Ronaldo tại M.U.
Về phía đội tuyển Hà Lan, đây chính là đội bóng có màn trình diễn ấn tượng nhất của nhóm A Nations League. “Cơn lốc màu da cam” đã khép lại vòng bảng với thành tích thắng 5, hòa 1 sau 6 trận đấu và tạo ra khoảng cách tới 6 điểm so với đội nhì bảng là Bỉ. Sự trở lại của chiến lược gia lão luyện Louis Van Gaal được xem là chìa khóa cho phong độ hủy diệt của đội bóng áo da cam.
Với việc cùng đội tuyển Anh rớt hạng UEFA Nations League từ nhóm A xuống nhóm B, đây là lần thứ hai HLV Gareth Southgate phải xuống hạng với một đội bóng mà mình dẫn dắt. Trước đó, khi còn cầm quân ở Middlesbrough, Southgate cũng đã không cứu nổi đội bóng này phải xuống hạng từ Premier League xuống Championship (hạng 2 nước Anh) ở mùa giải 2008-2009. Đây là một “thành tích” hiếm có với một HLV khi phải rớt hạng với cả câu lạc bộ lẫn đội tuyển quốc gia!
Dưới sự dẫn dắt kỷ luật và nghiêm khắc của nhà cầm quân 71 tuổi, Hà Lan thể hiện một lối chơi hiệu quả trong cả tấn công lẫn phòng ngự. Van Gaal là mẫu HLV sẵn sàng loại bỏ những ngôi sao không đạt phong độ cao để đặt niềm tin vào những người có khát khao cống hiến hơn. Ngay cả những trụ cột như De Ligt hay Frenkie de Jong cũng phải ngồi dự bị ở các trận đấu gần nhất của “Cơn lốc màu da cam” khi chưa đạt được trạng thái thi đấu tốt nhất.
Sau màn thể hiện của các đội bóng lớn châu Âu tại UEFA Nations League, nhiều người đặt ra câu hỏi về khả năng liệu World Cup 2022 có phải là thời điểm các đội bóng tại lục địa già chấm dứt sự thống trị của mình ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Sau khi Brazil vô địch World Cup 2002, 4 nhà vô địch thế giới tiếp theo đều là các đội bóng châu Âu, lần lượt là Italia tại World Cup 2006, Tây Ban Nha tại World Cup 2010, Đức tại World Cup 2014 và Pháp tại World Cup 2018. Sự sa sút của một loạt ông lớn châu Âu cùng với việc hai đại gia Nam Mỹ là Brazil và Argentina đang có một đội hình rất mạnh khiến không ít chuyên gia bóng đá tin rằng, chiếc Cúp vàng năm nay sẽ “chuyển lục địa”.