UEFA và FIFA đừng vội xem thường giấc mộng Super League
Dự án European Super League (ESL) như chiếc xe buýt chưa có động cơ lẫn hành khách. Song, sau chiến thắng pháp lý hôm 21/12, chiếc xe này vẫn còn nguyên cơ hội lăn bánh.
Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) “bật đèn xanh” cho Super League, tuyên bố giải đấu có thể diễn ra hợp lệ, và UEFA hay FIFA không có quyền xử phạt hay ngăn cấm các đội tham dự. Real Madrid và Barcelona là 2 CLB kiên định với siêu dự án này từ đầu và có lẽ đang mở cờ trong bụng.
Rào cản tiếp theo của Super League là số lượng thành viên tham dự. Nhiều CLB hàng đầu châu Âu từng hứng thú với giải đấu này giờ đây kiên quyết từ chối tham dự. Không có lý do cụ thể nào được đưa ra ngoài những phát biểu khái quát như: “Chúng tôi khẳng định cam kết với các giải đấu của UEFA và FIFA”.
Gió có thể đổi chiều
BTC Super League công bố dự án gây tranh cãi của mình khoảng 2 năm trước. Siêu giải đấu này dự định tập hợp những CLB danh tiếng nhất châu Âu và tổ chức những trận cầu có tính cạnh tranh cao. Cho rằng doanh thu không được tối đa hóa khi chơi cho các giải đấu thuộc UEFA và FIFA, nhiều đội bóng tin rằng kế hoạch mới này có thể đem đến lợi nhuận khủng.
Tuy nhiên, Super League đối mặt vô vàn khó khăn. UEFA và FIFA hiển nhiên không đồng ý với sáng kiến này, vì nó khiến các giải đấu của họ bị ảnh hưởng tiêu cực. Những tổ chức bóng đá hàng đầu thế giới và BTC Super League kéo nhau vào cuộc chiến pháp lý, nơi mà thắng thua vừa được phân định rõ ràng.
Bất ngờ thay, sau chiến thắng vang dội trước các thế lực bên ngoài, Super League đối mặt vấn đề nội bộ. “Big Six” của Premier League, những CLB lớn tại Serie A và Atletico Madrid lần lượt tuyên bố không tham gia giải đấu mới, dù là đồng sáng lập với Barca và Real.
Trong khi đó, các CLB tại Đức và Pháp, vốn không thể hiện sự cam kết với Super League từ đầu, tiếp tục giữ lập trường. Sau khi thắng kiện trước UEFA và FIFA hôm 21/12, Super League còn công bố thể thức thi đấu mới, có thể bao gồm cả các CLB tầm trung và yếu. Song, nhiều đội bóng thuộc nhóm này như Dortmund, Monaco, Sevilla hay AS Roma cũng khẳng định sẽ không tham dự siêu dự án trên.
Với nỗ lực vận động hành lang trong khoảng 2 năm qua, có lẽ UEFA và FIFA đã thành công trong việc thay đổi quan điểm của phần lớn đội bóng. Chiến thắng tại Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) xem ra không ngọt ngào như BTC Super League tưởng.
Song, chắc chắn chưa thể loại bỏ tính khả thi của Super League. Việc được ECJ công nhận cho thấy Super League là giải đấu hợp pháp, xuất phát từ ý chí tự do của các CLB. BTC giải đấu giờ đây được phép kêu gọi các đội bóng tham gia mà không chịu sự ảnh hưởng từ UEFA và FIFA. Các CLB được quyền tự đưa ra quyết định gia nhập hay không, dù hiển nhiên vẫn sẽ đối mặt những rào cản mà các tổ chức bóng đá kia dựng nên.
Khi Super League đã hợp lệ, gió có thể đổi chiều bất kỳ lúc nào. Điều kiện bắt buộc là Super League phải triển khai được những chính sách hấp dẫn, thu hút các đội bóng gia nhập giải đấu. Trong thời đại bóng đá trở thành lĩnh vực kinh doanh béo bở, lợi nhuận là ưu tiên hàng đầu của các CLB. Đó cũng là lợi ích mà Super League hứa sẽ đem lại cho các thành viên của giải đấu.
Theo Sky Sports, những nhà đầu tư giàu có tại Saudi Arabia có thể tài trợ cho Super League. Song, việc đó không dễ dàng, vì Saudi Arabia đang tập trung phát triển giải VĐQG Saudi Pro League và nâng tầm bóng đá nữ của quốc gia này, nhằm chuẩn bị cho kỳ World Cup 2034 được tổ chức tại đây.
Không chỉ vậy, Saudi Arabia hiện hợp tác chặt chẽ với FIFA. Giải đấu FIFA Club World Cup đang được tổ chức tại thành phố Jeddah ở nước này. Vài ngày trước, Liên đoàn Bóng đá Thế giới tổ chức cuộc họp tại Saudi Arabia nhằm công bố thể thức mới của cúp Thế giới các CLB, bắt đầu được triển khai từ năm 2025.
Saudi Arabia rõ ràng không muốn phá hủy mối quan hệ với FIFA vì cả hai đang có nhiều vụ làm ăn chung. Thế nhưng việc này không đồng nghĩa rằng không có thế lực nào tại Trung Đông muốn tài trợ cho Super League.
Bóng đá hiện đại chịu sự ảnh hưởng từ những túi tiền lớn. Ở đó, nếu đầu tư hợp lý và đủ nhiều, các ông chủ giàu có tại Saudi Arabia hoàn toàn có thể khiến Super League trở thành miếng bánh béo bở, thu hút các đội tham dự. Mà khi có nhiều đội tham dự, lợi nhuận từ truyền hình hay quảng cáo từ các trận đấu giữa những CLB lớn có thể vượt sức tưởng tượng.
“Cơ hội kiếm lợi nhuận khổng lồ từ Super League hiện rõ trước mắt của không chỉ các nhà tài trợ từ Saudi Arabia, mà từ nhiều nơi khác. Nếu đầu tư khôn ngoan, tiền sẽ giúp Super League phát triển, rồi đẻ ra thêm tiền. Tôi chắc rằng BTC giải đấu đang tìm kiếm nguồn tài trợ từ những nhà đầu tư giàu có, và vận động hành lang nhằm thay đổi quan điểm của các CLB châu Âu”, phóng viên trưởng của Sky Sports, Kaveh Solhekol, chia sẻ.
Còn thở, còn gỡ
Nếu chiến thắng trong phiên tòa của ECJ hôm 21/12 thuộc về UEFA và FIFA, giấc mộng Super League đã bị dập tắt mãi mãi. Tuy nhiên, cơ hội dành cho Super League hiện vẫn còn nguyên, ít nhất là trên giấy tờ. Ngọn lửa hy vọng của giải đấu đang riu riu, vì chưa được nhiều người ủng hộ. Nhưng chỉ cần một cơn gió mạnh, lửa có thể bùng lên bất cứ lúc nào.
Sau thắng lợi về pháp lý, Super League như một chiếc chiếc xe buýt lấp lánh. Song, chiếc xe ấy vẫn chưa có động cơ và nguyên liệu, chưa được đầu tư nhiều và chưa được lên kế hoạch tổ chức cụ thể. Bên cạnh đó, chưa có hành khách nào chịu lên xe (chưa có CLB nào đồng ý tham dự ngoài Barca và Real - PV).
Không chỉ vậy, Super League từ đầu không nhận được sự ủng hộ từ phần lớn CĐV của làng túc cầu. Viễn cảnh xem các ông lớn như Manchester City hay Liverpool cạnh tranh quyết liệt cho một danh hiệu lớn khác ngoài Champions League và Premier League còn quá mới với người hâm mộ.
Vô số rào cản khổng lồ được giăng ra trước dự án Super League trong công cuộc đưa kế hoạch vào thực tiễn. Song, chí ít Super League đã được pháp luật công nhận, đồng nghĩa rằng tính khả thi của giấc mộng về một siêu giải đấu vẫn còn đó. Dù tỉ lệ thành công có vẻ chưa cao, ít nhất cơ hội dành cho dự án này chưa biến mất.