Uganda & Ảo tưởng 'vàng đen'
Khi các mỏ dầu thô có thể khai thác được phát hiện vào năm 2006 tại khu vực hồ Albert, Uganda bắt đầu tưởng tượng đất nước là một xứ thần tiên về 'vàng đen'. Nhưng sau 14 năm, ảo tưởng đó đã bị lu mờ và Uganda vẫn đang mòn mỏi đợi chờ những giọt 'vàng đen' khai thác đầu tiên.
Các công ty dầu mỏ thất vọng
Dưới nước và bên bờ hồ Albert - biên giới tự nhiên dài 160km ngăn cách Uganda với Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), nơi có dòng sông Nile chảy qua - có trữ lượng dầu mỏ tương đương với 6,5 tỉ thùng dầu thô, trong đó khoảng 1,4 tỉ thùng có thể khai thác được. Uganda có trữ lượng dầu lớn thứ 4 ở vùng châu Phi cận sa mạc Sahara, có thể khai thác tới 230.000 thùng/ngày trong khoảng 25-30 năm.
Buliisa ở phía Đông Bắc hồ Albert, nằm ở trung tâm của Dự án Tilenga do Tập đoàn Total lãnh đạo, ước tính sản xuất 190.000 thùng/ngày. Total có kế hoạch khoan hơn 400 giếng kết nối với nhau bằng một mạng lưới đường ống, trong đó một phần nằm trong công viên quốc gia Murchison Falls. Các công ty Trung Quốc CNOOC và Tullow của Anh hợp tác với Total trong Dự án Tilenga. Riêng CNOOC quản lý Dự án Kingfisher (40.000 thùng/ngày) ở phía Đông Nam hồ Albert.
Dự án EACOP (đường ống dầu thô Đông Phi) là sự hợp tác giữa hai Chính phủ Uganda và Tanzania, có kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn dầu dài 1.443km (trong đó 296km ở Uganda) để vận chuyển dầu thô tới cảng Tanga ở Tanzania.
Các công ty dầu mỏ khó che giấu sự thất vọng của mình sau khi đầu tư hơn 3 tỉ USD trong 10 năm qua. “Khi chúng tôi phát hiện ra các mỏ dầu, chúng tôi hy vọng sẽ khai thác chúng từ 7 đến 10 năm. Tuy nhiên, chúng tôi đã gặp phải sự chậm trễ từ Uganda” - Pierre Jessua, Giám đốc điều hành E&P chi nhánh Total Uganda, cho biết.
Uganda đã tốn rất nhiều thời gian để đề ra các quy định luật pháp phù hợp và chọn tuyến đường ống. Kenya đã đề xuất hợp tác xây dựng EACOP đầu tiên nhưng cuối cùng Tanzania lại được chọn vào năm 2016.
Từ đó đến nay, các nhà đầu tư khác đã lên tiếng đòi đàm phán lại các thỏa thuận đầu tư, thương mại nhưng bất thành. Gần đây nhất, tháng 8-2019, Tullow thất bại trong việc bán một phần cổ phiếu cho Total và CNOOC. Thỏa thuận bị đổ bể khi Tullow từ chối nộp thuế trên phần tài sản khi bán cổ phiếu cho Total và CNOOC. Mệt mỏi vì đầu tư mà không thấy sinh lời, cũng như phải chờ đợi một thỏa thuận mới, Total quyết định “đóng băng” tất cả các hoạt động kỹ thuật của họ tại Uganda.
Hiện tại, Uganda dự tính sẽ có “quyết định đầu tư cuối cùng” trong năm 2020 và bắt đầu sản xuất dầu vào năm 2023. Uganda sẽ sử dụng hai năm 2021 và 2022 để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi thông thường phải mất 3-4 năm.
Bồi thường chậm, không đủ
Các dự án dầu mỏ phải chịu những tranh cãi về việc bồi thường cho những người dân bị mất đất đai, nhà cửa. Ở bang Kabaale, cách Buliisa khoảng 150km về phía Nam, khoảng 7.000 người đã phải từ bỏ đất đai để nhường đất xây đường ống EACOP, nhà máy lọc dầu và sân bay quốc tế (vận hành vào tháng 2-2023).
Bị thu hồi đất vào năm 2012, 83 gia đình tại đây đã chọn “đất đổi đất” thay vì lấy tiền đền bù. Nhưng chỉ có 46 hộ gia đình được tái định cư và họ cũng phải đợi đến tháng 1-2018 mới được đến nơi ở mới, nhưng vẫn không được sở hữu một cách hợp pháp mảnh đất mà nhà nước đã đổi cho họ.
Ngôi làng Kasenyi, gần Buliisa, là địa điểm của một nhà máy của Total xây dựng để xử lý dầu trước khi dầu được truyền bằng đường ống đến Nhà máy Lọc dầu Kabaale. Các tổ chức phi chính phủ tố cáo Total và nhà thầu phụ Atacama Consulting, có quan hệ với Tổng thống Museveni, đã tước đoạt đất của 600 người dân vào năm 2017, bồi thường cho họ muộn và không đủ.
Cáo buộc Total không tính đến tác động của các hoạt động khai thác dầu mỏ đối với dân cư địa phương và môi trường, 6 tổ chức phi chính phủ của Pháp và Uganda (các hiệp hội Amis de la Terre France, Survie, Afiego, Cred, Nape et Navoda) đã kiện lên tòa án ở Pháp. Nhưng ngày 30-1-2020, tòa án tư pháp của thành phố Nanterre, gần Paris, tuyên bố không đủ khả năng xét xử nên chuyển vụ việc lên tòa án thương mại.
Hậu quả môi trường sinh thái
Các tổ chức phi chính phủ cũng lo lắng về hậu quả sinh thái của các dự án dầu mỏ ở Uganda vì hơn 50% các loài chim và 39% các loài động vật có vú sống trên lục địa châu Phi đều có mặt trong lưu vực hồ Albert.
Sông Nile chảy xuyên qua công viên Murchison Falls, nơi có một hệ thống các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được phân loại theo Công ước Ramsar. Theo kế hoạch, một đường ống dẫn dầu sẽ được xây dựng ngầm xuyên qua công viên này. Dự án EACOP sẽ đi ngầm dưới hơn 200 vùng đất ngập nước ở Uganda. “Điều này có nghĩa là sẽ phá hủy rất nhiều đa dạng sinh học, rất nhiều vùng đất ngập nước, rất nhiều rừng. Đây là tác động mà chúng ta chưa thấy ai nói đến” - Frank Muramuzi, Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Nape, cho biết.
Uganda đã triển khai các biện pháp bảo vệ và hệ thống thích nghi để không làm tổn hại đến sự toàn vẹn môi trường và các đối tác đang lắng nghe, nhận thức được sự mong manh của hệ sinh thái này - Isaac Ntujju, quan chức cấp cao của Cơ quan Quản lý môi trường quốc gia Uganda, giải thích.
Uganda đang trông chờ vào dầu để trả một khoản nợ công tương đương 42% GDP năm 2018 (11 tỉ USD) và có thể đạt 50% vào năm 2021. Nhưng Ngân hàng Trung ương Uganda cảnh báo, việc trả những khoản nợ này có thể bị chậm trễ vì tiền từ dầu không biết khi nào mới có
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/uganda-ao-tuong-vang-den-573084.html