Ukraine bắt đầu tham vấn với EU về đảm bảo an ninh tập thể
Ukraine bắt đầu tham vấn với Liên minh châu Âu (EU) về đảm bảo an ninh tập thể sau tuyên bố ủng hộ Kiev của Nhóm G7, được ký bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius.
Sau khi tham khảo văn phòng Tổng thống Ukraine, tờ European Pravda ngày 5/12 cho biết vòng tham vấn đầu tiên giữa Ukraine và Liên minh châu Âu đã được thực hiện dưới sự chủ trì của ông Ihor Zhovkva, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine và ông Charles Friz, Tổng thư ký Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu vì Hòa bình, An ninh và Quốc phòng.
Trong các cuộc tham vấn, hai bên đã trao đổi quan điểm về cách tiếp cận đảm bảo an ninh trong tương lai của Liên minh châu Âu, tập trung vào lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
Ông Ihor Zhovkva tuyên bố rằng tư cách thành viên Liên minh châu Âu của Ukraine trong tương lai sẽ là sự đảm bảo an ninh mạnh mẽ cho Ukraine nói riêng và cộng đồng châu Âu nói chung.
Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine ghi nhận sự đóng góp đáng kể của Liên minh châu Âu trong việc tăng cường năng lực an ninh và quốc phòng của Ukraine, chủ yếu bằng cách hỗ trợ nước này thông qua Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF) và đội ngũ đào tạo của Liên minh châu Âu.
Tờ Euro Maidan cho biết thêm các vòng tham vấn được thực hiện theo chỉ thị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và động thái này phù hợp với Tuyên bố chung ngày 12/7/2023 của G7 về ủng hộ Ukraine,
Trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnius hồi tháng 7/2023, G7 đã đồng ý đưa ra các cam kết và thỏa thuận an ninh lâu dài cho Ukraine. Tuyên bố chung của G7 khẳng định ủng hộ chủ quyền của Ukraine và lên án hành động của Nga đối với Ukraine.
Tuyên bố cũng phác thảo một số nội dung hợp tác an ninh song phương như:
Trang bị cho quân đội Ukraine những trang thiết bị cần thiết, bao gồm phòng không, pháo binh, xe bọc thép và máy bay chiến đấu; giúp Ukraine đào tạo, chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine.
Bên cạnh đó, tuyên bố còn đề cập tới việc tái thiết nền kinh tế và cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine; Cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp trong thời chiến của Ukraine…
Về phía Ukraine, nước này cam kết cải cách nhằm đề cao dân chủ, nhân quyền và tự do báo chí. Ukraine cũng cam kết thực hiện cải cách và hiện đại hóa quốc phòng, bao gồm tăng cường kiểm soát dân chủ đối với các lực lượng vũ trang cũng như tăng cường hiệu quả và tính minh bạch trong các tổ chức và ngành công nghiệp quốc phòng.
Vào ngày 17/11, Ukraine bắt đầu các cuộc đàm phán an ninh song phương với Đức, trở thành quốc gia thứ sáu tổ chức các cuộc đàm phán như vậy với Đức.