Ukraine 'bất lực' khi vũ khí viện trợ sắp đến hạn bảo trì, Mỹ vẫn bỏ ngỏ
Ukraine không thể duy trì được kho vũ khí do phương Tây cung cấp bởi họ không đủ khả năng sửa chữa hay bảo dưỡng, trong khi Mỹ vẫn chưa có kế hoạch giúp đỡ bảo trì.
Theo Military Watch, Tổng thanh tra Lầu Năm Góc Robert P. Storch cảnh báo, Mỹ chưa có kế hoạch hoặc sự chuẩn bị để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa xe tăng, xe bọc thép và hệ thống phòng không mà Washington đã cung cấp cho Lực lượng vũ trang Ukraine.
Ông tuyên bố, việc không lập kế hoạch này “gây ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu hiệu quả của Ukraine, đặc biệt là trong việc sử dụng thiết bị do Mỹ cung cấp, cũng như sự sẵn sàng của Bộ Quốc phòng trong việc giải quyết các mối đe dọa an ninh quốc gia khác nếu cần”.
Tổng Thanh tra tiết lộ thêm trong hai báo cáo rút gọn, trong đó trích dẫn cảnh báo của các thanh tra rằng Bộ Quốc phòng “chưa xây dựng hoặc thực hiện kế hoạch” để bảo quản bất kỳ tài sản nào trong số này, mà họ nhấn mạnh rằng vũ khí chỉ có thể được duy trì cho đến tháng 10/2024.
Việc bảo trì được mô tả trong các báo cáo là cần “suy nghĩ lại”, vì Lầu Năm Góc chỉ ưu tiên mạnh mẽ việc trang bị vũ khí cho Ukraine “càng nhanh càng tốt”. Do đó, các thanh tra đã được một quan chức thuộc Bộ Tư lệnh Châu Âu của Quân đội Mỹ thông báo rằng “mô hình hiện tại sẽ không bền vững hoặc sẽ không hiệu quả về lâu dài”.
Các báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh thêm rằng, các phương tiện và hệ thống tên lửa cung cấp cho Ukraine được lấy từ kho của Quân đội Mỹ “không có giới hạn”. Việc chuyển giao như vậy đã được thực hiện bởi Cơ quan Rút quân của Tổng thống Mỹ, một quan chức đã cảnh báo rằng nếu tình trạng này tiếp tục, nó sẽ đặt Bộ Quốc phòng phải lựa chọn giữa mức độ sẵn sàng của các đơn vị Ukraina hoặc mức độ sẵn sàng của các đơn vị Mỹ.
Tình trạng thiếu linh kiện, thiếu dây chuyền sản xuất hoặc nhân viên được đào tạo là những yếu tố hàng đầu, hạn chế khả năng bổ sung thiết bị của ngành quốc phòng Mỹ. Các vấn đề về vận hành thiết bị của phương Tây vẫn tồn tại, mặc dù đã có sự hiện diện rất rộng rãi của nhân viên từ các nước phương Tây ở Ukraine, bao gồm không chỉ các tình nguyện viên mà còn cả các nhà thầu được các chính phủ châu Âu thuê.
Các vấn đề liên quan đến dịch vụ bảo trì thiết bị quân sự do các quốc gia thành viên NATO viện trợ hiện đang rơi vào tình trạng rất nghiêm trọng. Lấy xe tăng Leopard 2 do Đức chế tạo làm ví dụ, phần lớn số xe được giao cho quân đội Ukraine đã không thể hoạt động được và hơn 1/4 trong số đó đã bị phá hủy hoàn toàn, số còn lại không còn hoạt động do bị hư hỏng vượt quá khả năng sửa chữa của Ukraine.
Tổng thanh tra Storch giải thích thêm về các vấn đề liên quan đến việc bảo trì thiết bị của Mỹ ở Ukraine: “Bộ Quốc phòng Mỹ đã cung cấp cho Ukraine xe bọc thép và hệ thống phòng không mà không có kế hoạch đảm bảo tính hữu dụng lâu dài của chúng… Trong khi Lầu Năm Góc hiện đang nghiên cứu xây dựng một kế hoạch như vậy thì việc thiếu tầm nhìn xa trong vấn đề này là điều đáng lo ngại”.
Ông nói thêm rằng Lầu Năm Góc đã gửi “một số phụ tùng thay thế, đạn dược và hỗ trợ bảo trì có giới hạn” và “không điều phối hay điều chỉnh những nỗ lực đó thành một kế hoạch duy trì toàn diện”.
Trong hai báo cáo được Tổng thanh tra tiết lộ, người ta cho biết thêm rằng, đã có 186 xe chiến đấu bộ binh Bradley cùng 189 xe chiến đấu bộ binh Stryker và 31 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams đã được chuyển đến Ukraine.
Mặc dù số lượng hệ thống phòng không Patriot được gửi đi không được nêu rõ, tuy nhiên những tài sản này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số nguồn cung cấp vũ khí của Mỹ cho Ukraine, bởi vẫn còn nhiều thiết bị khác được cung cấp với số lượng lớn như lựu pháo M777 155mm, hệ thống tên lửa chống tăng di động Javelin...