Ukraine cáo buộc 'khoe cơ bắp' khi gia tăng căng thẳng, Nga trấn an tinh thần

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cáo buộc Nga gây căng thẳng khi NATO bày tỏ lo ngại về di chuyển quân sự của Nga gần miền đông Ukraine. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin đáp lại rằng, Nga đang thực hiện các biện pháp để đảm bảo an ninh cho các biên giới của mình.

Một binh sĩ Ukraine ở vị trí gần chiến tuyến với quân ly khai ở Shyrokyne, miền đông Ukraine vào tháng 11 năm 2018 - Ảnh: AP

Bài liên quan

Tổng thống Putin: ‘Nga sẵn sàng khôi phục tương tác với EU, nếu thấy quan tâm’

Tổng thống Biden mời Nga và Trung Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu

Nga và Trung Quốc gửi thông điệp cứng rắn với Mỹ và EU: Đời thay đổi khi ta thay đổi!

Căng thẳng gia tăng

Đoạn phim chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội cho thấy Nga đã chuyển một lượng lớn xe tăng, thiết giáp chở quân và các thiết bị khác tới các khu vực giáp biên giới với Ukraine, cũng như đến Crimea mà Moscow sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

Các quan chức Ukraine và Mỹ trong tuần này báo cáo hoạt động chuyển quân của Nga tại các khu vực này, gần các vùng lãnh thổ do phe ly khai do Moscow hậu thuẫn kiểm soát.

Tổng thống Zelenskyy cho biết sự leo thang căng thẳng ở các khu vực phía đông của Ukraine cho thấy Nga đang tìm cách tạo ra “bầu không khí đe dọa” khi Kyiv hy vọng nối lại lệnh ngừng bắn đã được ký kết vào năm ngoái.

“Vận động cơ bắp dưới hình thức tập trận quân sự và các hành động khiêu khích có thể xảy ra dọc biên giới là chuyện truyền thống của Nga”, Ông Zelenskyy cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm (1/4).

Tuần này, Moscow và Kyiv đã đổ lỗi cho nhau về việc gia tăng bạo lực giữa lực lượng chính phủ và lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, vốn đã phá hoại lệnh ngừng bắn. Tổng thống Zelenskyy cho biết 20 quân nhân Ukraine đã thiệt mạng và 57 người bị thương kể từ đầu năm.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cáo buộc Nga đã "làm trầm trọng thêm tình hình an ninh ở Donbas và Crimea". Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã hạ thấp tuyên bố từ Ukraine, nói rằng "điều này không nên làm phiền bất cứ ai và nó không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai". Ông Peskov nói, Nga đang thực hiện các biện pháp để đảm bảo an ninh cho các biên giới của mình.

“Có sự gia tăng hoạt động ở vành đai biên giới của Nga bởi NATO, các liên minh khác, các quốc gia riêng lẻ - tất cả đều buộc chúng tôi phải cảnh giác”, ông Peskov nói.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết rằng hầu hết quân đội Ukraine dường như hiểu rõ sự nguy hiểm của một "cuộc xung đột nóng" ở Donbas. Ông Lavrov nói: “Tôi rất hy vọng rằng họ sẽ không bị các chính trị gia ‘kích động’, những người sẽ bị phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ kích động”.

“Tổng thống Nga Putin đã nói điều này cách đây không lâu, nhưng tuyên bố này vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay, rằng những ai cố gắng bắt đầu một cuộc chiến mới ở Donbas - sẽ hủy diệt Ukraine”, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.

Crimea đang là nguyên nhân gây căng thẳng giữa Ukraine và Nga

Mối quan tâm của NATO

Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, ngay sau đó phe ly khai mà nước này hậu thuẫn bắt đầu cuộc xung đột ở miền đông Ukraine kéo dài cho đến ngày nay, và Liên Hợp Quốc cho biết các cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người.

Tổng thống Zelenskyy được bầu vào năm 2019 hứa sẽ chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 7 năm, nhưng các nhà phê bình cho rằng lệnh ngừng bắn mong manh là thành tựu hữu hình duy nhất của ông. Các cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Paris vào tháng 12 năm 2019 đã khiến các bên không tiến gần hơn đến một thỏa thuận lâu dài.

NATO cho biết họ lo ngại về việc xây dựng quân đội của Nga gần biên giới Ukraine khi các đại sứ NATO gặp nhau để thảo luận về sự gia tăng bạo lực gần đây ở khu vực phía đông Donbas.

“Các đồng minh chia sẻ mối quan ngại của họ về các hoạt động quân sự quy mô lớn gần đây của Nga ở xung quanh Ukraine. Các đồng minh cũng lo ngại về việc vi phạm lệnh ngừng bắn vào tháng 7/2020 dẫn đến cái chết của 4 binh sĩ Ukraine vào tuần trước”, một quan chức NATO nói với hãng tin Reuters.

Ukraine, các nước phương Tây và NATO đã cáo buộc Nga gửi quân đội và vũ khí hạng nặng để hỗ trợ lực lượng ly khai ở Donbas. Nga phủ nhận khi cho biết họ chỉ cung cấp hỗ trợ chính trị và nhân đạo cho các chiến binh ly khai trong những gì họ coi là một cuộc xung đột nội bộ.

Trong tuần này, chính quyền Biden đã tổ chức các cuộc điện đàm với các quan chức cấp cao của Ukraine để bày tỏ sự ủng hộ công khai đối với chính phủ của Tổng thống Zelenskyy. Hôm thứ Năm (1/4), Mỹ bày tỏ sự quan ngại về tình hình căng thẳng hiện tại và cảnh báo Nga không nên "đe dọa" Ukraine.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ukraine-cao-buoc-khoe-co-bap-khi-gia-tang-cang-thang-nga-tran-an-tinh-than-post126109.html