Ukraine chấm dứt vận chuyển khí đốt Nga sang EU, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Việc cung cấp khí đốt từ Nga đến các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) qua Ukraine đã chấm dứt vào thứ Tư tuần này, sau khi nhà điều hành vận chuyển khí đốt của Ukraine, Naftogaz, từ chối gia hạn thỏa thuận vận chuyển 5 năm với Gazprom của Nga.

Ukraine chấm dứt vận chuyển khí đốt Nga sang EU, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Ảnh RT

Ukraine chấm dứt vận chuyển khí đốt Nga sang EU, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Ảnh RT

Theo thỏa thuận ký năm 2019, Ukraine đã cho phép Nga vận chuyển khí đốt tới châu Âu qua lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã hết hạn vào ngày 1/1, và Kiev quyết định không gia hạn trong bối cảnh xung đột Moscow – Ukraine diễn ra.

Động thái này của Ukraine dự kiến sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía đông của châu Âu, bao gồm Áo và Slovakia. Tuy nhiên, Nga vẫn có thể cung cấp khí đốt cho Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia thông qua đường ống TurkStream qua Biển Đen.

Nga sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Nga đã dành nửa thế kỷ để xây dựng thị phần khí đốt tại châu Âu, nhưng nguồn cung của nước này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi cuộc chiến Moscow - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, khiến EU phải cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.

Ở thời kỳ đỉnh cao, khí đốt Nga chiếm khoảng 35% thị phần tại châu Âu, nhưng đã giảm xuống còn khoảng 8% kể từ khi xung đột bắt đầu. Tính đến ngày 1/12, EU nhận chưa đến 14 tỷ mét khối (bcm) khí đốt từ Nga qua Ukraine, giảm mạnh so với 65 bcm mỗi năm khi thỏa thuận 5 năm bắt đầu vào năm 2020, theo báo cáo của Reuters.

Giá khí đốt tại EU đã tăng kỷ lục vào năm 2022 do mất nguồn cung từ Nga. Tuy nhiên, với việc nguồn cung chấm dứt hôm nay, các quan chức và nhà giao dịch EU tin rằng khó có khả năng xảy ra một đợt tăng giá tương tự, do khối lượng liên quan hiện nay rất nhỏ và số lượng khách hàng phụ thuộc cũng giảm đáng kể.

Moscow đã mất thị phần vào tay các đối thủ như Na Uy, Mỹ và Qatar. Ủy ban châu Âu cho biết lượng khí đốt Nga có thể được thay thế hoàn toàn bằng khí đốt hóa lỏng (LNG) và các nguồn nhập khẩu không phải từ Nga qua đường ống.

Ai sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất?

Tuyến vận chuyển qua Ukraine chủ yếu phục vụ Áo và Slovakia. Áo nhận phần lớn khí đốt thông qua Ukraine, trong khi Slovakia nhận khoảng 3 tỷ mét khối (bcm) từ Gazprom mỗi năm, chiếm khoảng hai phần ba nhu cầu khí đốt của nước này.

Áo đã quyết định chấm dứt hợp đồng dài hạn với Gazprom vào tháng 12, nhưng Slovakia lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi động thái này. Thủ tướng Slovakia, ông Robert Fico – một trong số ít đồng minh của Điện Kremlin trong EU – đã lên tiếng phản đối quyết định của Kiev.

“Chấp nhận quyết định đơn phương của Tổng thống Ukraine sẽ mang lại nhiều hệ quả”, ông Fico kêu gọi trong một lá thư gửi Brussels, đồng thời cảnh báo rằng quyết định này sẽ gây ra “tác động tài chính đáng kể trong giai đoạn kinh tế khó khăn”.

Đáp lại, Thủ tướng Slovakia đe dọa cắt nguồn cung cấp điện mà Ukraine đang rất cần, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng năng lượng của Kiev đã bị hư hại nghiêm trọng sau gần 3 năm chiến sự.

Trong khi đó, Hungary – quốc gia láng giềng của Slovakia và cũng duy trì quan hệ thân thiện với Moscow – nhận phần lớn khí đốt nhập khẩu từ Nga qua đường ống Biển Đen. Do đó, Budapest hầu như không bị ảnh hưởng bởi quyết định của Ukraine.

Tuy nhiên, tình hình nghiêm trọng nhất lại diễn ra tại Moldova, quốc gia giáp Ukraine và đang phải đối mặt với phe ly khai được Nga hậu thuẫn trong nước. Theo một báo cáo của AFP, Moldova đã ban hành tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày từ đầu tháng này, dự báo trước việc Ukraine sẽ cắt nguồn cung.

Gazprom đã giảm cung cấp khí đốt cho Moldova kể từ khi xung đột bắt đầu, với việc công ty Nga chỉ cung cấp cho khu vực ly khai không được công nhận là Transnistria. Tuy nhiên, nhà máy điện của vùng này – được Nga hậu thuẫn – vẫn cung cấp khoảng hai phần ba lượng điện tiêu thụ trên toàn Moldova.

Người mua EU có những lựa chọn nào?

Hầu hết các tuyến vận chuyển khí đốt khác của Nga sang châu Âu đã bị đóng, bao gồm Yamal-Europe qua Belarus và Nord Stream qua Biển Baltic. Một lựa chọn là đường ống TurkStream đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen, rồi đến Bulgaria, Serbia hoặc Hungary. Tuy nhiên, công suất của tuyến này vẫn còn hạn chế.

Nguồn cung khí đốt của Slovakia có thể đến từ Hungary, khoảng một phần ba từ Áo, phần còn lại từ Cộng hòa Séc và Ba Lan, theo cơ quan quản lý năng lượng Áo E-Control. Áo cho biết đã chuẩn bị để chuyển đổi nguồn cung nên sẽ không gặp gián đoạn.

Cộng hòa Séc dự kiến sẽ tận dụng nguồn cung từ các đường ống của Đức nhờ được miễn một khoản thuế khí đốt nội địa của Đức từ ngày 1/1. Cộng hòa Séc cũng tuyên bố sẵn sàng cung cấp khả năng vận chuyển và lưu trữ khí đốt cho Slovakia.

Nga cung cấp cho Moldova khoảng 2 bcm khí đốt mỗi năm. Thủ tướng Moldova Dorin Recean cho biết quốc gia này đã đa dạng hóa các nguồn cung và lên kế hoạch giảm tiêu thụ ít nhất một phần ba kể từ ngày 1/1.

Về phía Ukraine, Ủy ban châu Âu cho biết an ninh năng lượng của nước này sẽ không bị ảnh hưởng, do Ukraine không sử dụng khí đốt vận chuyển từ Nga.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ukraine-cham-dut-van-chuyen-khi-dot-nga-sang-eu-dieu-gi-se-xay-ra-tiep-theo-722739.html