Sau nhiều bất đồng không hồi kết về việc lập vùng cấm bay cũng như cung cấp chiến đấu cơ, cuối cùng Ukraine chuẩn bị được nhận hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300V từ NATO như một giải pháp thay thế.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, các hệ thống phòng thủ đang được gửi bổ sung tới Ukraine bao gồm tên lửa phòng không SA-8, SA-10, SA-12 và SA-14.
Các hệ thống phòng không này được gửi đi sau khi Mỹ và NATO nhận đề nghị từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tầm bắn của các tên lửa này vượt trội so với tên lửa vác vai Stinger, cho phép quân đội Ukraine bắn hạ tên lửa hành trình của Nga.
Ngoài các khí tài trên, giới phân tích đặc biệt chú ý đến hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300V cũng sẽ được NATO cung cấp cho Ukraine. Đây có thể là một trong những yếu tố xoay chuyển cục diện trên bầu trời vùng chiến sự, trong bối cảnh Nga đang chiếm ưu thế lớn.
Với khả năng cơ động nhanh và tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu, S-300V được đánh giá rất cao vào thời kì cuối Chiến tranh Lạnh.
Hệ thống này chủ động tiêu diệt các loại máy bay tác chiến điện tử và trinh sát tầm cao như E-3 Sentry, E-8 JSTARS và U-2, cũng như máy bay gây nhiễu điện tử chiến thuật EF-111A Raven hay EA-6B Prowler.
Dù chia sẻ nhiều công nghệ với phiên bản S-300P, nhưng do được phát triển theo yêu cầu riêng của Lực lượng Phòng không Lục quân Liên Xô nên S-300V mang nhiều điểm khác biệt có thể nhận thấy.
Đầu tiên là việc toàn bộ hệ thống đặt trên khung gầm xe bánh xích có sức cơ động cao thay vì bánh lốp như các phiên bản khác.
Radar của phiên bản S-300V được thiết kế đặc biệt để có thể phát hiện được các mục tiêu bay ngay cả khi chúng có tiết diện phản hồi sóng radar rất nhỏ.
S-300V trang bị 2 loại tên lửa chính là Novator 9M82/SA-12B Giant cùng 9M83/SA-12A Gladiator, chúng có ngoại hình khá giống nhau nhưng khác biệt nhiều ở kích thước cũng như công nghệ bên trong.
Đạn tên lửa 9M83 Gladiator nhỏ hơn với trang bị 4 quả trên xe mang phóng được dùng để tiêu diệt các mục tiêu hàng không ở mọi độ cao, trong đó có cả tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Tên lửa 9M83 có chiều dài 7.898 mm; đường kính thân (lớn nhất) 915 mm; trọng lượng 3.500 kg; vận tốc trung bình/tối đa 1.200/1.700 m/s; tầm bắn tối đa/tối thiểu 75/6 km; trần bay/sàn bay 25/0,0025 km.
Với khả năng chịu quá tải 20G và mang theo đầu đạn nặng 150 kg, xác suất tiêu diệt mục tiêu của 9M83 vào khoảng 50% - 65% đối với tên lửa đạn đạo tầm ngắn, 70% - 90% đối với máy bay.
Trong khi đó đạn tên lửa 9M82 Giant lớn hơn chỉ trang bị 2 quả trên xe mang phóng có nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa không đối đất siêu thanh, thậm chí cả máy bay gây nhiễu ở tầm xa.
Tên lửa 9M82 Giant có chiều dài 9.913 mm; đường kính thân (lớn nhất) 1.215 mm; trọng lượng 5.800 kg; vận tốc trung bình/tối đa 1.800/2.400 m/s; tầm bắn tối đa/tối thiểu 100/13 km; trần bay/sàn bay 30/1 km.
9M82 Giant cũng mang theo đầu đạn 150kg và chịu tải trên 20G, vì thế xác xuất tiêu diệt mục tiêu là 40% - 60% đối với tên lửa đạn đạo tầm trung, 50% - 70% đối với tên lửa tấn công phóng từ máy bay kiểu AGM-69.
Xét về năng lực đánh chặn tên lửa đạn đạo, các loại đạn trang bị cho S-300V được đánh giá cao hơn hẳn 5V55 hay 48N6 của S-300PS/PMU.
Ưu thế trên khiến cho S-300V thêm nguy hiểm, máy bay đối phương sẽ có rất ít thời gian để thực hiện các biện pháp phòng vệ hay né tránh khi lọt vào tầm hỏa lực.
Do vậy, dù S-300V có giá thành đắt và rất phức tạp nhưng thực sự cũng rất ”đáng giá” trong việc đối phó với đối phương.
Hiện chưa rõ Mỹ và NATO lấy các hệ thống S-300V từ đâu để cung cấp cho Ukraine. Do các hệ thống phòng không thuộc họ S-300 vẫn được một số nước thành viên NATO sở hữu, không loại trừ chúng sẽ được lấy từ đây. Mặt khác Mỹ bằng nhiều nguồn khác nhau cũng đã từng sở hữu một số hệ thống S-300 để nghiên cứu công nghệ.
Đáng chú ý phòng không Ukraine cũng đang biên chế hệ thống S-300V, vì vậy sẽ không khó để quân đội nước này làm chủ việc điều khiển chúng chống lại Nga.
Với việc bị Nga tiêu diệt nhiều hệ thống phòng không trong đó có cả S-300V trong những ngày đầu xung đột do Kiev bị động trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, việc bổ sung các hệ thống phòng không, đặc biệt là S-300V có thể tạo ra bước ngoặt trên bầu trời nước này.
Việt Hùng