Ukraine có chính phủ mới: Ưu tiên chiến lược tự chủ toàn diện
Ngày 17/7, Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) đã chính thức phê chuẩn thành phần chính phủ mới, bà Yulia Svyrydenko được bầu làm thủ tướng, thay thế ông Denys Shmyhal, người từng giữ cương vị này từ năm 2020. Việc chuyển giao quyền lực đánh dấu một sự điều chỉnh đáng chú ý trong cấu trúc chính trị của Ukraine giữa thời điểm chiến sự vẫn đang tiếp diễn.

Tân Thủ tướng Ukraine Yulia Svyrydenko dự cuộc họp quốc hội Ukraine ngày 17/7.
Yulia Svyrydenko: Từ công chức Chernihiv đến nữ thủ tướng đầu tiên của Ukraine
Ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm Thủ tướng, bà Yulia Svyrydenko tuyên bố chính phủ mới sẽ ưu tiên chiến lược tự chủ toàn diện cho Ukraine, không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà còn cả kinh tế và xã hội.
“Chiến tranh không cho phép chúng ta trì hoãn. Cần hành động nhanh chóng và quyết đoán. Trong 6 tháng tới, chúng tôi tập trung trang bị vũ khí chất lượng cao cho quân đội, mở rộng năng lực sản xuất quốc phòng trong nước và nâng cấp hạ tầng công nghệ quốc phòng”, bà viết trên Facebook.
Bà Yulia Svyrydenko cam kết, Chính phủ Ukraine sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cộng đồng doanh nghiệp Ukraine, thúc đẩy cải cách thể chế: xóa bỏ các rào cản pháp lý lỗi thời, chấm dứt tình trạng can thiệp hành chính bất hợp pháp, đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa quy mô lớn và mở rộng các cơ chế hỗ trợ hiệu quả. Mục tiêu là thúc đẩy hiệu quả chủ trương “Made in Ukraine”.
Sinh ngày 25/12/1985 tại Chernihiv trong một gia đình công chức, bà Svyrydenko bắt đầu sự nghiệp hành chính công tại Cơ quan Hành chính nhà nước khu vực Chernihiv. Từ vai trò cố vấn, bà dần thăng tiến lên vị trí Giám đốc Sở Phát triển kinh tế, và đến năm 2018 bà trở thành quyền Chủ tịch Ủy ban Hành chính vùng Chernihiv - vị trí hành chính cao nhất của tỉnh.
Năm 2019, dưới chính phủ của Thủ tướng Oleksiy Honcharuk, bà được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế, Thương mại và Nông nghiệp. Chưa đầy một năm sau, bà được điều chuyển về Văn phòng Tổng thống với vai trò Phó Chánh văn phòng - một vị trí chiến lược trong bộ máy quyền lực.
Tháng 11/2021, bà trở thành Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine. Trên cương vị này, bà Svyrydenko đóng vai trò trung tâm trong các chương trình cải cách kinh tế, đặc biệt là nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực chiến lược như năng lượng và khai khoáng. Tháng 5 năm 2025, bà là người đại diện Chính phủ Ukraine ký kết thỏa thuận hợp tác về khoáng sản với Mỹ - một bước đi được xem là mang ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng.
Chính phủ mới của Thủ tướng Svyrydenko: Tái cấu trúc bộ máy, chuẩn bị cho giai đoạn tự chủ
Điểm nổi bật đầu tiên của chính phủ mới là sự kết hợp giữa tính liên tục và đổi mới. Ông Mykhailo Fedorov, gương mặt tiêu biểu trong quá trình chuyển đổi số của Ukraine, được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng thứ nhất, đồng thời tiếp tục giữ vai trò Bộ trưởng Chuyển đổi số. Việc ông Fedorov được thăng chức cho thấy chính phủ mới tiếp tục đặt niềm tin vào công nghệ số như một trụ cột trong quản trị quốc gia và quốc phòng hiện đại.

Ông Oleksiy Kuleba, một chính trị gia có kinh nghiệm điều phối chính quyền vùng, giữ chức Phó Thủ tướng, trong khi Taras Kachka, cựu Đại diện Thương mại Ukraine, đảm nhiệm vai trò Phó Thủ tướng phụ trách hội nhập châu Âu và châu Âu-Đại Tây Dương, một vị trí mang tính chiến lược khi Ukraine tiếp tục đàm phán gia nhập EU và củng cố quan hệ với NATO.
Đáng chú ý, ông Herman Galushchenko, trước đây là Bộ trưởng Năng lượng, nay chuyển sang dẫn dắt Bộ Tư pháp, trong khi bà Svitlana Grinchuk, từng phụ trách Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, tiếp nhận vị trí Bộ trưởng Năng lượng. Sự điều chuyển này cho thấy nỗ lực luân chuyển nhân sự có kinh nghiệm sang các lĩnh vực có tính liên đới cao, nhất là khi ngành năng lượng đang là trọng tâm trong cả an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế.
Một trong những điểm đáng chú ý trong đợt cải tổ lần này là việc sáp nhập và tinh giản các bộ ngành, giảm số lượng nhưng tăng tính phối hợp liên ngành. Bộ Quốc phòng sáp nhập với Bộ Công nghiệp Chiến lược, cho thấy mục tiêu tăng cường sản xuất quốc phòng trong nước, nhằm đạt tự chủ vũ khí như Tổng thống Volodymyr Zelensky đã cam kết. Bộ Chính sách Xã hội và Bộ Thống nhất Quốc gia gộp lại thành một bộ tích hợp về an sinh và hòa nhập dân tộc, do Denis Ulyutin đứng đầu - người từng là Thứ trưởng Bộ Chính sách Xã hội.
Một “siêu bộ” mới là Bộ Kinh tế, Môi trường và Nông nghiệp được thành lập, do Oleksiy Sobolev, nguyên Thứ trưởng Bộ Kinh tế, điều hành. Đây là bước đi cho thấy chính phủ ưu tiên hợp nhất chính sách kinh tế, phát triển bền vững và đảm bảo an ninh lương thực trong một thể thống nhất.
Một loạt vị trí bộ trưởng khác được giữ nguyên, tạo nên sự ổn định trong các lĩnh vực đã có tính liên tục, như Igor Klimenko (Bộ trưởng Bộ Nội vụ); Viktor Lyashko (Bộ trưởng Bộ Y tế); Sergey Marchenko (Bộ trưởng Bộ Tài chính); Andry Sybiga (Ngoại trưởng); Matvii Bidnyi (Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao)...
Giới quan sát cho rằng, chính phủ mới của bà Svyrydenko phản ánh rõ nét một bộ máy kỹ trị, với các gương mặt có nền tảng chuyên môn sâu, từng giữ các vai trò quản lý điều hành cụ thể. Điểm nổi bật là tính gắn kết giữa cải cách thể chế và nhu cầu phản ứng nhanh với các thách thức của thời chiến. Việc sáp nhập các bộ không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực mà còn buộc các chính sách liên ngành phải hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu cao về năng lực điều phối và tránh tình trạng chồng chéo quyền hạn.
Chính phủ kỹ trị, ổn định
Việc tân Thủ tướng Yulia Svyrydenko tái cấu trúc nội các không đơn thuần là sự thay đổi nhân sự, mà là bước đi chiến thuật nhằm củng cố hiệu quả điều hành trong bối cảnh Ukraine tiếp tục đối mặt với chiến tranh, áp lực tài chính và đòi hỏi cải cách sâu rộng. Các chuyên gia chính trị và kinh tế đều thống nhất rằng, thay vì tạo ra một “cuộc cách mạng nhân sự”, nội các mới được xây dựng xoay quanh yếu tố cốt lõi: sự tin cậy và kinh nghiệm trong điều kiện khủng hoảng.
Theo nhà khoa học chính trị Volodymyr Fesenko, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chính trị ứng dụng “Penta”, cải tổ chính phủ lần này mang tính chiến thuật và phòng vệ, hơn là một nỗ lực đổi mới toàn diện. Tờ DW dẫn nhận định của chuyên gia Fesenko: “4 người chỉ đơn giản là hoán đổi vị trí. Một số bộ được hợp nhất để tinh gọn bộ máy. Đây không phải là thay đổi để tạo ra “giá trị mới”, mà nhằm duy trì sự ổn định và đảm bảo năng lực vận hành trong hoàn cảnh chiến tranh”.
Theo ông, bản chất cuộc cải tổ là nhằm đảm bảo sự liên tục trong quản trị, thay vì tạo ra thay đổi đột phá - điều không phù hợp trong hoàn cảnh hiện tại. Nhân sự chủ chốt phần lớn là những người đã từng giữ vị trí tương đương hoặc là cấp phó được đưa lên. Mặt khác, điều này cũng phản ánh nguồn cán bộ dự bị, nhất là cán bộ chủ chốt của Ukraine hiện rất hạn chế. “Không có nhiều người sẵn sàng đảm nhiệm chức vụ trong chính phủ, đặc biệt là trong điều kiện chiến tranh. Việc mạo hiểm với những gương mặt thiếu kinh nghiệm là điều không thể”.
Về khía cạnh kinh tế, chuyên gia tài chính-ngân hàng Serhiy Fursa đánh giá cao chất lượng đội ngũ xung quanh Thủ tướng Yulia Svyrydenko. Ông đặc biệt nhấn mạnh vào 2 gương mặt nổi bật được thăng chức, đó là Oleksiy Sobolev và Taras Kachka.
Theo chuyên gia Serhiy Furrsa, Oleksiy Sobolev - người đứng đầu “siêu bộ” Kinh tế, Môi trường và Nông nghiệp - có thể trở thành “Bộ trưởng Kinh tế mạnh mẽ nhất trong lịch sử Ukraine”, dựa trên kiến thức sâu sắc và kinh nghiệm điều hành cụ thể. Ông dẫn chứng các dự án thành công liên quan đến ProZorro (hệ thống đấu thầu công khai) và tư nhân hóa tài sản nhà nước quy mô nhỏ do ông Sobolev từng chỉ đạo.
Tổng thể, giới phân tích nhìn nhận rằng chính phủ của Thủ tướng Yulia Svyrydenko không được kỳ vọng là chính phủ tạo ra đột phá, mà là chính phủ hành động hiệu quả trong khủng hoảng. Với trọng tâm là duy trì sự ổn định vĩ mô, đẩy nhanh công nghiệp hóa quốc phòng và bảo vệ nền tảng xã hội, nội các mới vận hành với tinh thần kỹ trị thay vì khẩu hiệu chính trị.
Trong thời kỳ hòa bình, sự đổi mới có thể là ưu tiên. Nhưng trong thời chiến, tính tin cậy và hiệu quả thực thi lại là tiêu chí quan trọng nhất, và đó có thể chính là tinh thần cốt lõi trong mô hình lãnh đạo hiện tại của Ukraine.