Ukraine đang đẩy xa hơn triển vọng nối lại đàm phán và chấm dứt xung đột?
Sau nhiều tháng để mất một số cứ điểm vào tay Nga trong các trận chiến ác liệt, dai dẳng, Ukraine đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc chiến bằng một cuộc đột kích lớn hôm 6/8 vào địa bàn tỉnh Kursk của Nga, vượt qua biên giới ở nhiều địa điểm.
Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak tuyên bố cuộc tấn công này là nhằm nâng cao vị thế của Kiev trong các cuộc đàm phán tương lai với Moscow. Trong khi đó, Belarus cho rằng, động thái của Kiev chỉ làm xa vời hơn triển vọng nối lại các cuộc đàm phán và chấm dứt xung đột.
Trong tuyên bố ngày 10/8 (giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Belarus bày tỏ không đồng tình với hành động của các lực lượng vũ trang Ukraine, vốn đang làm trầm trọng thêm xung đột trong khu vực Đông Âu; nhấn mạnh rằng, những cuộc tấn công và leo thang như vậy chỉ làm xa vời hơn triển vọng nối lại các cuộc đàm phán và chấm dứt xung đột, điều mà phía Belarus luôn mong đợi và kêu gọi cả Nga và Ukraine thực hiện.
Trong khi đó, đánh giá về tính toán của Ukraine trong cuộc tấn công trên, giới phân tích cho rằng, mục tiêu đầu tiên của Kiev là muốn chứng minh với các nhà tài trợ phương Tây rằng, lực lượng vũ trang Ukraine có khả năng đạt được kết quả cụ thể, thay vì chỉ biết rút lui sau nhiều tháng chịu thất bại. Một chiến thắng chiến thuật nhỏ là điều cần thiết để họ có thể duy trì sự ủng hộ và tiếp tục nhận hỗ trợ từ phương Tây.
Một mục đích khác có thể chỉ đơn giản Ukraine muốn thể hiện với các đối tác phương Tây rằng họ có khả năng lập kế hoạch và tiến hành các hoạt động quân sự phức tạp một cách bí mật. Điều này cũng chứng minh với Nga rằng, Ukraine có thể đưa xung đột quay trở lại lãnh thổ của đối phương. Thông qua đợt tấn công này, Ukraine (có thể) cố gắng giành được một vị trí thuận lợi ở khu vực Kursk, hay rộng hơn là một bộ phận lãnh thổ của Nga, để qua đó dành được lợi thế trong các cuộc đàm phán trong tương lai. Nếu Ukraine chiếm được dù là một phần rất nhỏ lãnh thổ của Nga, họ sẽ có lá bài mạnh để mặc cả trên bàn thương lượng.
Một mục tiêu nữa là buộc Nga phải chuyển quân dự bị về Kursk, làm lộ ra các khu vực khác để có thể tấn công. Tuy nhiên, Ukraine khó có thể đạt được mục tiêu này, vì Nga có sẵn lực lượng đông đảo hơn, năng lực tác chiến dồi dào, khả năng chỉ huy và kiểm soát tốt hơn, cùng lực lượng tân binh nghĩa vụ sẵn sàng triển khai. Cuối cùng, thị trấn Sudzha, có thời điểm một phần đã nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, nằm cạnh một kho khí đốt của Nga ở ngay biên giới, là nơi quan trọng để cung cấp khí đốt từ Nga, qua Ukraine, đến châu Âu. Thỏa thuận khí đốt được cho là sẽ kết thúc vào tháng 1/2025 và cuộc tấn công của Ukraine có thể là một nỗ lực nhằm cắt giảm nguồn thu của Moscow. Tuy nhiên, tính đến ngày 8/8, chưa xuất hiện dấu hiệu công khai nào về việc nguồn cung cấp khí đốt bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia cho rằng, nhìn chung, cuộc tấn công lần này của Ukraine là phản tác dụng. Họ có chung nhận định rằng, Nga có dồi dào lực lượng dự bị để tung vào trận và do đó, việc Ukraine tấn công như thế này sẽ "lợi bất cập hại" đối với chính Ukraine, do họ bị căng mỏng lực lượng hơn nữa khi đối mặt với quân Nga đông đảo hơn nhiều. Trên thực tế, Thống đốc tỉnh Sumy của Ukraine, ông Volodymyr Artyukh, đã phải ra lệnh sơ tán khoảng 6.000 cư dân trong lúc giao tranh vẫn đang diễn ra, để đề phòng Nga tung đòn đáp trả.
Chuyên gia Pasi Paroinen của nhóm phân tích Black Bird tại Phần Lan nhận định: "Về mặt chiến dịch và chiến lược, cuộc tấn công lần này tuyệt đối không có ý nghĩa. Dường như đây là sự lãng phí lớn về nhân lực và nguồn lực mà Ukraine cần dành cho những nơi khác".
Trong khi đó, chuyên gia Rob Lee - nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại có trụ sở ở Philadelphia (Mỹ) cho rằng, cuộc tấn công như trên "có ít tác động với chiến sự ở Ukraine", đồng thời cũng không gây "ảnh hưởng nghiêm trọng nào với Tổng thống Vladimir Putin về mặt chính trị đối nội".
Theo ông, cho dù chiến lược của Ukraine là gì thì họ vẫn đối mặt với rủi ro. Các chỉ huy của Ukraine chỉ có ít lực lượng để chi viện cho những đơn vị chịu áp lực của Nga hoặc để ngăn cản Nga đột phá. Ông cho rằng, với tình hình nhân lực Ukraine hiện nay, họ nên duy trì tỷ lệ tiêu hao có lợi cho họ, tránh để tổn thất lớn trong các chiến dịch tấn công tương tự như vừa qua.
Động thái của Ukraine diễn ra trong bối cảnh, lần đầu tiên trong cuộc chiến, những đề cập đến đàm phán đã bắt đầu. Nga có thể được mời tham dự hội nghị hòa bình tiếp theo do Ukraine và các đồng minh tổ chức. Tỷ lệ người Ukraine chấp thuận đàm phán, dù chiếm thiểu số, đang tăng lên một chút. Và khả năng ứng cử viên đảng Cộng hòa Donad Trump trở thành tổng thống Mỹ đang tỏa sáng ở Ukraine. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có thể vẫn giữ được sự kiên định như Tổng thống Joe Biden về vấn đề Ukraine. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là chính sách đối ngoại của phương Tây là một thứ hay thay đổi và dễ "kiệt sức".
Việc NATO kiên trì ủng hộ Ukraine là một ngoại lệ. Nhưng khi xung đột bước sang năm thứ tư, những câu hỏi về việc kết thúc cuộc chiến sẽ ngày càng lớn hơn. Việc Ukraine chiến đấu mà không có triển vọng thực sự giành lại lãnh thổ liệu có giá trị thực sự hay không? Liệu Nga có muốn một cuộc tấn công vô thời hạn, trong đó họ chịu tổn thất nhân sự và chứng kiến cả những tổn thất từ các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine? Với triển vọng đạt được một giải pháp thương lượng giờ đây đã trở nên ít xa vời hơn, cả hai bên sẽ nỗ lực cải thiện thế trận trên chiến trường trước khi ngồi vào bàn đàm phán.
Không rõ việc Ukraine tiến vào Kursk có động cơ từ đó hay chỉ là một động thái đơn giản nhằm gây sát thương vào điểm yếu của đối phương. Nhưng nó đánh dấu một canh bạc hiếm hoi và đáng kể với nguồn lực hạn chế của Kiev, và do đó có thể báo trước niềm tin của người Ukraine rằng, sẽ có sự thay đổi lớn hơn ở phía trước.