Ukraine 'dội lửa' bằng UAV; ông Trump tuyên bố là Tổng thống có tầm ảnh hưởng

Ukraine 'dội lửa' bằng UAV; ông Trump tuyên bố chỉ Tổng thống 'có tầm ảnh hưởng' mới bị bắn;... là những tin nóng thế giới trong ngày 19/9.

Ukraine ‘dội lửa’ bằng UAV, nổ tung kho vũ khí Nga trong đêm

Theo Reuters, ngày 18/9, nguồn tin từ Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cho biết, lực lượng Ukraine đã dùng máy bay không người lái (UAV) làm nổ tung nhà kho chứa các vũ khí tân tiến nhất của Nga gồm cả tên lửa, bom dẫn đường, các khẩu pháo và hệ thống S-400 tại tỉnh Tver, phía tây bắc vùng Moscow.

Ngọn lửa dữ dội bùng lên tại kho vũ khí của quân đội Nga ở Tver, phía Tây Bắc vùng Moscow. Ảnh: Reuters

Ngọn lửa dữ dội bùng lên tại kho vũ khí của quân đội Nga ở Tver, phía Tây Bắc vùng Moscow. Ảnh: Reuters

Vụ nổ lớn tới mức gây ra động đất 2,8 độ Richter, gây ra đám cháy lan xa đến 6 km và lực lượng cứu hỏa đang cố gắng kiểm soát. Theo tạp chí Newsweek, các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy quả cầu lửa cực lớn bốc lên từ phía Toropets, cách biên giới Ukraine khoảng 482 km, theo sau đó là các vụ nổ nhỏ hơn gần đó.

Các vệ tinh của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ghi nhận nguồn nhiệt cực lớn phát ra từ một khu vực rộng khoảng 14 km2 tại vùng nói trên vào đầu ngày 18/9 trong khi các trạm quan sát địa chấn thu được dữ liệu mà các cảm biến cảm nhận như một trận động đất nhỏ.

Tỉnh trưởng Igor Rudenya đã phê chuẩn sơ tán một phần Toporets, thị trấn 11.000 dân nằm ở phía tây bắc Moscow. Lực lượng phòng không Nga vẫn đang ngăn chặn một đợt tấn công lớn bằng UAV tại vùng trời Toropets trong lúc các lực lượng khác đang nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi mảnh vỡ UAV rơi xuống.

Năm 2018, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga khi đó là ông Dmitry Bulgakov cho biết sẽ xây dựng một kho chứa tên lửa và chất nổ tại thị trấn Toropets: "Đó là cơ sở xây bằng bê tông để đảm bảo việc lưu trữ an toàn và tin cậy, bảo vệ vũ khí trước các cuộc tấn công trên không và tên lửa, thậm chí là một phần ảnh hưởng của vụ nổ hạt nhân."

Trong ngày 18/9, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã bắn hạ 54 UAV Ukraine trong đêm tại 5 tỉnh. Theo ông George William Herbert thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại California: “Quy mô của vụ nổ được thể hiện trong video trên mạng xã hội tương đương với 200 - 240 tấn thuốc nổ mạnh phát nổ.”

Trợ lý Bộ trưởng Y tế Nga Alexey Kuznetsov thông báo: “Đã có 13 người bị thương trong vụ tấn công UAV của Ukraine tại Tver đã nhập viện, thương tích được đánh giá ở mức độ trung bình. 15 người khác đang được các bác sĩ kiểm tra.”

Các cuộc tấn công của Ukraine vào Nga liên tục gia tăng khi nước này tăng cường sản xuất máy bay không người lái trong nước, các quan chức Kiev cho biết họ sẽ nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Moscow.

Nga chỉ trích tuyên bố nguy hiểm về ‘lằn ranh đỏ’ của NATO

Theo Reuters, ngày 18/9, Điện Kremlin đã lên án gay gắt các bình luận của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, cho rằng việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công Nga là "nguy hiểm và liều lĩnh". Ông Stoltenberg, trong cuộc phỏng vấn với tờ The Times hôm 17/9, đã bác bỏ những cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin về khả năng leo thang xung đột nếu Ukraine được phép sử dụng vũ khí viện trợ từ phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Ông Stoltenberg khẳng định rằng những "lằn ranh đỏ" mà ông Putin đặt ra trước đây đã không dẫn đến sự leo thang nào, và NATO vẫn là liên minh quân sự mạnh nhất thế giới. "Vũ khí hạt nhân không thể thắng và không nên tham gia vào xung đột," ông nhấn mạnh. Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov, đã gọi tuyên bố này là "nguy hiểm, thiếu suy nghĩ và thiếu chuyên nghiệp."

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong nhiều tháng qua liên tục kêu gọi các đồng minh phương Tây, bao gồm Mỹ và Anh, cung cấp tên lửa tầm xa như ATACMS của Mỹ và Storm Shadows của Anh để tấn công vào lãnh thổ Nga, nhằm giảm thiểu khả năng tấn công của Moscow.

Cuối tuần qua, một quan chức quân sự cấp cao của NATO đã phát biểu rằng Ukraine “có lý do quân sự hợp lý” để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Các đồng minh của Kiev, bao gồm Mỹ và Anh, hiện đang thảo luận xem liệu có nên bật đèn xanh cho Ukraine tiến hành các cuộc tấn công này hay không.

Trong một diễn biến mới, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine ngày 18/9 đã gây ra một vụ nổ lớn, phá hủy một nhà kho chứa tên lửa, bom dẫn đường và đạn pháo tại vùng Tver của Nga. Theo nguồn tin từ Cơ quan An ninh Nhà nước Ukraine (SBU), nhà kho này lưu trữ các tên lửa Iskander, Tochka-U, bom dẫn đường và nhiều đạn pháo khác, gây ra vụ cháy lan rộng trên khu vực 6 km. Thống đốc vùng Tver, Igor Rudenya, xác nhận đã ra lệnh sơ tán một phần dân cư tại thị trấn Toropets sau vụ tấn công bằng drone, khiến nơi đây chìm trong khói lửa.

Hàng loạt bộ đàm cầm tay tiếp tục phát nổ trên khắp Lebanon

Theo CNN, ngày 18/9, chỉ 24 giờ sau vụ nổ máy nhắn tin, các máy bộ đàm cầm tay được phong trào Hezbollah sử dụng tiếp tục phát nổ khiến 20 người chết và hơn 450 người bị thương. Số thương vong này được ghi nhận ở vùng ngoại ô Beirut và Thung lũng Bekaa, theo hãng tin Reuters.

Lực lượng y tế và cứu hỏa Lebanon gần hiện trường vụ nổ bộ đàm tại Sidon ngày 18/9. Ảnh: Reuters

Lực lượng y tế và cứu hỏa Lebanon gần hiện trường vụ nổ bộ đàm tại Sidon ngày 18/9. Ảnh: Reuters

Những cuộc tấn công này là đòn giáng mạnh vào nhóm Hezbollah thân Iran. Hezbollah và một số quan chức Mỹ biết về các vụ nổ này cho rằng Israel là chủ mưu nhưng Israel chưa bình luận gì về những vụ việc này.

Một phân tích của The New York Times đã xác định các thiết bị phát nổ hôm thứ 18/9 là bộ đàm hai chiều, IC-V82, mang nhãn hiệu của công ty Nhật Icom và không rõ Hezbollah đã mua những thiết bị này ở đâu.

Giới chức địa phương ghi nhận có khoảng 15-20 vụ nổ ở vùng ngoại ô phía nam Beirut và khoảng 15-20 vụ nổ khác ở miền nam Lebanon. Theo các nguồn tin, ít nhất một trong những vụ nổ xảy ra gần đám tang do Hezbollah tổ chức cho những người thiệt mạng trong loạt vụ nổ máy nhắn tin hôm 17/9. Những chiếc bộ đàm này được Hezbollah đưa vào sử dụng cách đây 5 tháng, gần như cùng thời gian những chiếc máy nhắn tin được mua.

Trong khi đó, cùng ngày, Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Turk yêu cầu điều tra "độc lập, toàn diện và minh bạch" về loạt vụ nổ máy nhắn tin, buộc các đối tượng liên quan phải "chịu trách nhiệm". Ông lên án mạnh mẽ loạt vụ nổ trên, đồng thời khẳng định ảnh hưởng của các vụ nổ đối với dân thường là "không thể chấp nhận được". Cao ủy Nhân quyền LHQ nêu rõ, tất cả các quốc gia có ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế cần thực hiện ngay các biện pháp nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột hiện nay lan rộng.

Theo báo cáo, những vụ nổ hôm 17/9 đã khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương. Trong số đó có các thành viên của Hezbollah và Đại sứ Iran tại Beirut Mojtaba Amani.

Phong trào Hezbollah và các đồng minh cáo buộc Israel đứng sau và tuyên bố sẽ báo thù, nhưng Tel Aviv đến nay chưa bình luận. Ngày 18/9, Hezbollah đã phóng rocket tấn công các điểm pháo binh của Israel trong đợt oanh tạc đầu tiên từ sau vụ việc ngày 17/9.

Bà Harris tăng cường tiếp cận người Mỹ gốc Á bằng quảng cáo về mẹ

Theo Asian Journal News, ngày 18/9, chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Kamala Harris đã làm nổi bật tầm quan trọng của cử tri người Mỹ gốc Á bằng một quảng cáo mới, nhằm thu hút sự ủng hộ tại các bang chiến trường. Đoạn clip mang tên "Mẹ tôi/My Mother" đã chính thức lên sóng, kể lại câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình cá nhân của Phó Tổng thống Harris, đặc biệt là những giá trị bà thừa hưởng từ mẹ mình, người nhập cư từ Ấn Độ.

Phó Tổng thống Kamala Harris cùng người mẹ Shyamala Gopalan Harris (ở giữa), và chị gái Maya Harris vào ngày 10/12/2003, tại San Francisco. Ảnh: Asian Journal News

Phó Tổng thống Kamala Harris cùng người mẹ Shyamala Gopalan Harris (ở giữa), và chị gái Maya Harris vào ngày 10/12/2003, tại San Francisco. Ảnh: Asian Journal News

Quảng cáo dài 60 giây này là lần thứ ba chiến dịch Harris-Walz nhắm trực tiếp đến cử tri người Mỹ gốc Á trong tháng qua, cho thấy tầm quan trọng của nhóm nhân khẩu học này trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024. Nội dung clip lấy cảm hứng từ bài phát biểu xúc động của bà Harris tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, nơi bà vinh danh mẹ mình, Shyamala Gopalan Harris – một nhà nghiên cứu ung thư vú lỗi lạc. Quảng cáo nhấn mạnh tinh thần đấu tranh vì công lý của bà Harris, một giá trị cốt lõi đã đưa bà từ tòa án đến Nhà Trắng.

"Mẹ tôi là một người phụ nữ da nâu nhỏ bé, cao chỉ 1m52, nhưng với một ý chí mạnh mẽ," bà Harris chia sẻ trong đoạn quảng cáo. "Bà dạy tôi không chỉ biết than phiền về sự bất công, mà phải hành động để thay đổi nó."

Chiến dịch quảng cáo này không chỉ dừng lại ở truyền hình và kỹ thuật số mà còn lan tỏa trên gần 70 kênh phát sóng tại các cộng đồng châu Á, nhắm vào các bang quan trọng như Arizona, Georgia, Michigan, North Carolina, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin.

Đáng chú ý, số lượng cử tri người Mỹ gốc Á đang tăng lên nhanh chóng, và nhóm này được dự đoán sẽ đóng vai trò quyết định trong cuộc bầu cử sắp tới khi chiến dịch của bà khéo léo đề cao nguồn gốc đa văn hóa mà vẫn giữ vững trọng tâm về chính sách.

Cuộc khảo sát của Pew năm 2023 cho thấy, dù chính sách quan trọng hơn chủng tộc, nhiều người Mỹ gốc Á vẫn muốn có một nhà lãnh đạo thực sự đại diện cho mối quan tâm của họ. Trong khi đó, phe Cộng hòa cũng không đứng ngoài cuộc, với cố vấn cấp cao của ông Trump, Steven Cheung, tuyên bố rằng chiến dịch của ông Trump sẽ tiếp tục xây dựng trên "sức mạnh và thành công" của người Mỹ gốc Á trong nhiệm kỳ đầu của ông.

Quảng cáo "My Mother" là một phần trong kế hoạch quảng bá khổng lồ trị giá 370 triệu đô la của chiến dịch Harris-Walz, hứa hẹn sẽ là một trong những nỗ lực lớn nhất nhằm thu hút sự ủng hộ của cộng đồng người Mỹ gốc Á trong lịch sử bầu cử hiện đại của nước Mỹ.

Ông Trump tuyên bố chỉ Tổng thống '‘có tầm ảnh hưởng’' mới bị bắn

Theo Sky News, hai ngày sau khi suýt bị ám sát tại sân golf ở Palm Beach hôm 15/9, Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tham gia một sự kiện ở thành phố Flint, bang Michigan và trả lời câu hỏi của những người ủng hộ.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: USA Today

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: USA Today

“Bạn tự hỏi tại sao tôi lại bị bắn. Bạn biết đấy, chỉ những tổng thống có tầm ảnh hưởng mới bị bắn,” cựu Tổng thống Trump phát biểu tại sự kiện tiếp xúc cử tri ở Flint, bang Michigan ngày 17/9.

Phát biểu trên sân khấu lần đầu tiên sau khi suýt bị ám sát, ông Trump nói với người điều hành sự kiện là Thống đốc bang Arkansas, bà Sarah Sanders rằng: “Làm Tổng thống nguy hiểm hơn lái xe đua hay cưỡi bò tót, nên chúng tôi phải luôn giữ an toàn.” Đáp lại, bà Sanders mô tả: "Ông Trump là người mạnh mẽ nhất mà tôi biết và là chiến binh mà nước Mỹ cần nhất vào lúc này."

Tại buổi tiếp xúc cử tri, cựu Tổng thống đã kể chi tiết về vụ ám sát bất thành nhằm vào ông và phản ứng của cơ quan mật vụ. Ông cũng cho biết, một người phụ nữ đã nhìn thấy nghi phạm Ryan Routh, bỏ trốn khỏi hiện trường và gửi ảnh chiếc xe của hắn cho cảnh sát địa phương, dẫn đến việc đối tượng này bị bắt.

Ông Trump không bị thương trong vụ việc và cơ quan điều tra liên bang (FBI) đang tiến hành điều tra giai đoạn đầu. Vụ ám sát hụt mới nhất xảy ra chỉ vài tuần sau khi ông Donald Trump bị bắn trong một sự kiện vận động tranh cử ở Pennsylvania. Cựu Tổng thống Trump cho hay, cả Tổng thống Joe Biden và đối thủ của ông - Phó Tổng thống Kamala Harris đều đã gọi điện hỏi thăm sau sự việc trên.

Huyền Trang - Việt Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ukraine-doi-lua-bang-uav-ong-trump-tuyen-bo-la-tong-thong-co-tam-anh-huong-346912.html