Ukraine đối mặt nguy cơ thảm họa hạt nhân mới?
Cơ quan tình trạng khẩn cấp Ukraine hôm 4-3 cho biết đám cháy bùng phát trong khu vực nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu trong khi giao tranh dữ dội giữa các lực lượng Nga và Ukraine đang diễn ra.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba hôm 4-3 xác nhận vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, đồng thời kêu gọi Nga ngừng bắn để Ukraine chữa cháy.
Ông Kuleba viết trên trang Twitter: "Quân đội Nga đang khai hỏa từ mọi hướng nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Lửa đã bùng lên. Nếu phát nổ, nó sẽ lớn hơn gấp 10 lần thảm họa nhà máy hạt nhân Chernobyl. Phải lập tức ngừng bắn để cho phép lính cứu hỏa thiết lập vùng an toàn".
Một nhân viên của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cũng đăng thông tin xác nhận trên Telegram rằng lực lượng của Nga đang pháo kích vào khu vực nhà máy, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa phóng xạ. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) kêu gọi ngừng xung đột ở khu vực Enerhodar ngay lập tức, đồng thời thúc giục các lực lượng quân sự tại đây tránh các hành động leo thang gần khu vực nhà máy điện hạt nhân.
Nhà máy điện Zaporizhzhia, nơi có 6 lò phản ứng hạt nhân, cung cấp hơn 1/5 tổng sản lượng điện ở Ukraine.
Chuyên gia James M. Acton, nhà phân tích hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, nhận định: "Các nhà máy điện hạt nhân không được thiết kế cho các vùng chiến sự". Chuyên gia này nói thêm, các cơ sở hạt nhân của Ukraine có thể trở thành mục tiêu trong chiến dịch quân sự và dẫn tới gián đoạn hoạt động.
Trước đó, Nga đã chiếm được nhà máy Chernobyl đã ngừng hoạt động, cách Kiev 100 km về phía Bắc. Nơi này từng xảy ra thảm họa hạt nhân lớn nhất thế giới vào năm 1986.
Trước đó, ít nhất 33 người thiệt mạng khi các cuộc pháo kích của Nga nhằm vào TP Chernihiv, phía Bắc Ukraine. Các khu dân cư bao gồm trường học và nhiều tòa nhà bị hư hại. Lãnh đạo TP Chernihiv cho biết máy bay Nga tấn công hai trường học ở khu vực Staraya Podusivka. Ít nhất 350 dân thường thiệt mạng trong 8 ngày qua sau khi Nga phát động cuộc tấn công Ukraine từ tuần trước.
Đặc phái viên Mỹ Aud-Frances McKernan phát biểu tại Hội nghị Giải trừ quân bị hôm 3-3: "Bất kỳ sự di chuyển vũ khí hạt nhân nào của Nga vào Belarus sẽ là hành động khiêu khích nguy hiểm và gây bất ổn hơn nữa cho khu vực. Chúng tôi kêu gọi Belarus bác bỏ các chính sách đe dọa hạt nhân của Nga".
Bình luận của bà McKernan được đưa ra sau khi đại diện Ukraine cáo buộc Moscow "vi phạm tất cả các hiệp ước giải trừ quân bị quan trọng". Trong tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng các cuộc pháo kích của Nga là "tội ác chiến tranh".