Ukraine đối mặt thách thức lớn khi Nga phản công ở Kursk

Hơn một tháng sau khi Ukraine tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào khu vực Kursk, miền Tây nước Nga, Nga đã bắt đầu phản công. Theo giới quan sát, nếu đây thực sự là khởi đầu của một cuộc phản công lớn của Moscow, thì Kiev có thể gặp rắc rối.

Ukraine kiểm soát khoảng 1.300km2 lãnh thổ Nga ở khu vực Kursk sau khi tiến hành cuộc tấn công vào tháng 8.

Ukraine kiểm soát khoảng 1.300km2 lãnh thổ Nga ở khu vực Kursk sau khi tiến hành cuộc tấn công vào tháng 8.

Ukraine đã có thành công ban đầu khi quân đội của họ tràn vào miền tây nước Nga vào tháng trước, chiếm giữ hàng trăm km2 lãnh thổ trên khắp khu vực. Cuộc tấn công bất ngờ này khiến Nga bối rối và bị chỉ trích vì phản ứng “chậm chạp” và “phân tán”. Tuy nhiên, tất cả có thể sắp thay đổi.

Theo một chỉ huy cấp cao của Nga, Moscow đã phát động cuộc phản công ở Kursk và giành lại một số khu định cư. Các nhà phân tích cho biết nếu đây là khởi đầu của một cuộc phản công lớn và Moscow thực sự “phô trương sức mạnh”, thì Kiev có thể gặp rắc rối.

Nga “áp đảo về số lượng và hỏa lực”

Vào ngày 6/8, hàng nghìn binh sĩ Ukraine được yểm trợ bởi hàng loạt máy bay không người lái và vũ khí hạng nặng, bao gồm cả vũ khí do phương Tây sản xuất, đã tràn qua biên giới vào tỉnh Kursk của Nga.

Đây là cuộc tấn công lớn nhất kể từ Thế chiến II do quân đội một quốc gia nước ngoài tiến hành vào nước Nga. Quân đội Ukraine đã tiến nhanh và kể từ đó đã kiểm soát được khoảng 1.300 km2 lãnh thổ Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tuần trước từng phát biểu với hãng tin Sky News rằng Ukraine sẽ “giữ” vùng lãnh thổ này như một phần quan trọng trong “kế hoạch chiến thắng” của ông nhằm chấm dứt chiến tranh. Nếu có thể, điều này sẽ trao cho ông Zelensky những con bài mặc cả trong quá trình đàm phán.

Tuy nhiên, trong ba ngày qua, Nga cho biết họ đã giành lại 10 khu định cư ở khu vực xung quanh Snagost, trên sườn phía tây của khu vực do Ukraine chiếm đóng.

Thiếu tướng Apti Alaudinov, Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Chechnya đang chiến đấu ở Kursk xác nhận, quân đội Nga đã bắt đầu cuộc phản công.

“Tình hình đang thuận lợi cho chúng tôi”, ông nói với hãng thông tấn TASS của Nga. Tổng cộng khoảng 10 khu định cư ở khu vực Kursk đã được giải phóng”.

Ông Alaudinov cũng tuyên bố rằng quân đội Ukraine đang phải chịu tổn thất nặng nề và “bắt đầu nhận ra rằng việc giữ lãnh thổ sẽ không phải là chuyện dễ dàng”.

Tổng thống Ukraine Zelensky ngày 12/9 cũng xác nhận, Nga đã bắt đầu “các hành động phản công”. Ông cho biết điều này “diễn ra theo đúng kế hoạch của Ukraine”.

Quân đội Nga bắt đầu phản công ở Kursk.

Quân đội Nga bắt đầu phản công ở Kursk.

Các cảnh quay được định vị cho thấy, lực lượng Nga đã giành lại quyền kiểm soát các vị trí ở phía đông Zhuravli và đã tiến về phía bắc và đông bắc Snagost, theo phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ (ISW).

ISW cho biết ở giai đoạn này, quy mô, phạm vi và triển vọng tiềm tàng của các cuộc phản công của Nga vẫn chưa rõ ràng.

Giáo sư danh dự Graeme Gill của Đại học Sydney, một chuyên gia về chính trị Nga cho biết, cuộc xâm nhập của Ukraine vào Kursk sẽ không bao giờ bền vững. Và nếu Nga tấn công mạnh, Ukraine sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể theo kịp Nga về quân số, máy bay không người lái và pháo binh.

“Họ sẽ đông hơn và mạnh hơn”, “Cuối cùng, khi Nga thể hiện sức mạnh ở đó, Ukraine sẽ không thể duy trì cuộc xâm nhập”, Giáo sư Gill nói.

Nga vẫn tiếp tục tiến công ở miền đông Ukraine

Tư lệnh cấp cao của Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskii cho biết, một trong những mục tiêu chính trong cuộc tấn công của nước này vào tỉnh Kursk của Nga là chuyển hướng lực lượng Nga khỏi các khu vực khác, đặc biệt là miền đông Ukraine.

Tuy nhiên, giao tranh ở Donbas, bao gồm các khu công nghiệp Donetsk và Luhansk của Ukraine, thay vào đó lại diễn ra nhanh hơn. Hiện lực lượng Nga còn cách trung tâm công nghiệp chiến lược Pokrovsk vài km.

Quân nhân Ukraine ở vùng Sumygần biên giới Nga

Quân nhân Ukraine ở vùng Sumygần biên giới Nga

Ông Anatol Lieven, Giám đốc chương trình Âu Á tại Viện Quincy về Chính sách Nhà nước có trách nhiệm cho biết, bất chấp cuộc xâm nhập của Ukraine ở Kursk, cán cân lợi thế vẫn nghiêng về phía Nga.

“Một mục tiêu chính của chiến dịch là chuyển hướng quân đội Nga khỏi miền đông Ukraine, nơi họ đang tấn công và điều đó dường như chưa xảy ra”, ông nói với chương trình Late Night Live của ABC News và cho biết thêm, có những báo cáo cho rằng chính Ukraine có thể đã phải chuyển hướng nhiều “lực lượng tinh nhuệ” của mình khỏi tiền tuyến phía đông đến Kursk.

“Theo quan điểm của Ukraine, đó sẽ là một sai lầm khá nghiêm trọng”, ông nói.

Nga cho biết họ đã kiểm soát 1.000 km2 lãnh thổ ở miền đông Ukraine vào tháng 8 và tháng 9. Dữ liệu nguồn mở và báo cáo chiến trường cho thấy đây là lần Nga tiến quân nhanh nhất ở Donbas trong khoảng hai năm qua.

'Đó là một sai lầm'

Giáo sư Graeme Gill của Đại học Sydney cho biết, Ukraine đã khiến tình hình ở miền đông trở nên tồi tệ hơn với việc dàn dựng cuộc xâm nhập ở Kursk.

“Tôi nghĩ đó là một sai lầm”, “Nếu cuộc tấn công Kursk là nhằm mục đích kéo quân đội Nga khỏi Donbas và làm dịu tình hình ở đó, thì có vẻ như nó không thành công”, ông nói.

Nhưng cũng có những lý do khác được đưa ra cho cuộc tấn công này. Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, chiến dịch Kursk là một nỗ lực nhằm buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin đàm phán chấm dứt xung đột và tạo ra vùng đệm để ngăn chặn các cuộc tấn công vào khu vực Sumy lân cận. Ông cũng sử dụng nó làm đòn bẩy để thúc đẩy sự hỗ trợ nhiều hơn từ phương Tây, đặc biệt là để khiến Mỹ thay đổi lập trường cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Giáo sư Gill cho biết Ukraine đang cho phương Tây thấy rằng họ có khả năng tiếp tục chiến đấu, nói với họ rằng “nếu các bạn cung cấp vũ khí cho chúng tôi, hãy nghĩ xem chúng tôi có thể làm gì”.

“Nếu cuộc xâm lược thực sự có ý định là một vở kịch để có được sự hỗ trợ lớn hơn từ phương Tây, thì bạn có thể nói rằng nó đã thành công”, Giáo sư Gill nhận định. Nhưng ông cũng tin rằng Kiev sẽ khó có thể trụ vững ở Kursk nếu Nga tiến hành một cuộc phản công lớn. “Nếu họ bị đẩy ra khỏi Kursk, theo một nghĩa nào đó, điều đó có thể làm suy yếu tất cả các mục tiêu đó”, “Theo một nghĩa nào đó, đó là một cái bẫy do chính họ dựng lên”, ông nói.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Anh David Lammy trong chuyến thăm Kiev mới đây đã công bố các gói viện trợ mới cho Ukraine. Trong đó, Mỹ sẽ dành cho Ukraine khoản viện trợ kinh tế và nhân đạo mới trị giá 717 triệu USD, còn Anh sẽ cung cấp thêm cho Kiev khoản viện trợ trị giá 600 triệu bảng (tương đương 781 triệu USD). Ngoài ra, London cũng cho biết sẽ chuyển giao thêm hàng trăm tên lửa phòng không, hàng chục nghìn viên đạn pháo và nhiều xe bọc thép hơn cho Ukraine vào cuối năm nay.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng đưa ra gợi ý mạnh mẽ nhất từ trước đến nay về việc Nhà Trắng sắp dỡ bỏ lệnh hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự quan trọng bên trong nước Nga.

“Chúng tôi đã điều chỉnh chính sách và thích nghi khi nhu cầu và tình hình chiến trường thay đổi. Và không có gì phải nghi ngờ rằng chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy khi tình hình thay đổi”, ông Antony Blinken nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer ngày 13/9 cũng đã có cuộc hội đàm tại Washington để thảo luận để thảo luận về việc dỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí của Ukraine.

Đầu năm nay, Mỹ đã nới lỏng một số hạn chế, cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các khu vực dọc biên giới Nga. Tuy nhiên, hiện tại, Mỹ và nhiều nước phương Tây, trong đó có Anh vẫn chưa cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga vì lo ngại căng thẳng leo thang.

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cảnh báo rằng, nếu phương Tây cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa nhằm vào lãnh thổ Nga, điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ và các nước châu Âu tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Putin cũng nhấn mạnh, sự tham gia trực tiếp của phương Tây sẽ làm thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột Nga - Ukraine và Nga sẽ đưa ra quyết định phù hợp dựa trên các mối đe dọa mà nước này phải đối mặt.

Tuy nhiên, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 13/9 khẳng định, Mỹ không có thay đổi nào trong chính sách về tên lửa tầm xa đối với Ukraine. Theo người phát ngôn Nhà Trắng, điều này cũng đã được quán triệt sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra cùng ngày.

Lối thoát “duy nhất” cho xung đột Nga - Ukraine?

Xung đột Nga - Ukraine kéo dài hơn hai năm qua đã gây tổn thất cho cả hai bên tham chiến, đồng thời tác động tới hòa bình và an ninh khu vực, ảnh hưởng an ninh lương thực, năng lượng trên phạm vi toàn cầu và để lại những hệ lụy khôn lường.

Trong bối cảnh ấy, phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh - diễn đàn ngoại giao quân sự thường niên của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân ngày 13/9 cho rằng, “đàm phán” là giải pháp duy nhất cho các cuộc xung đột như cuộc chiến Nga - Ukraine.

“Để giải quyết các vấn đề nóng như cuộc khủng hoảng ở Ukraine và xung đột Israel - Palestine, thúc đẩy hòa bình và đàm phán là lối thoát duy nhất. Trong chiến tranh và xung đột, không có bên nào chiến thắng. Đối đầu cũng không dẫn đến đâu”, ông Đổng Quân nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 11 ở Trung tâm Hội nghị quốc tế Bắc Kinh ngày 13/9

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 11 ở Trung tâm Hội nghị quốc tế Bắc Kinh ngày 13/9

Cũng theo Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, xung đột càng gay gắt, chúng ta càng không thể từ bỏ đối thoại và tham vấn. Kết cục của bất kỳ cuộc xung đột nào đều là hòa giải, ông Đổng Quân nói thêm, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia thúc đẩy “phát triển hòa bình và quản trị toàn diện”.

Cùng với Brazil, Trung Quốc vào tháng 5 vừa qua đã gợi ý một kế hoạch hòa bình “6 điểm” kêu gọi cả Nga và Ukraine tránh “leo thang thù địch” và “khiêu khích”. Kế hoạch này được đưa ra song song với các nỗ lực hòa bình của Ukraine dựa trên công thức “10 điểm” của Tổng thống Zelensky.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Metropoles của Brazil được công bố vào ngày 12/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích sáng kiến hòa bình của Trung Quốc và Brazil mà ông cho là mang tính “phá hoại”.

“Hoặc là ủng hộ hoặc là không ủng hộ chiến tranh. Nếu không ủng hộ thì hãy giúp chúng tôi ngăn chặn Nga”. “Sự thỏa hiệp để từ bỏ đất đai? Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng sáng kiến đó mang tính phá hoại. Đó chỉ là một tuyên bố chính trị”. “Kế hoạch này thiếu sự tôn trọng đối với Ukraine và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi”, ông Zelensky nói.

Về phần mình, Tổng thống Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình gồm “10 điểm”, trong đó bao gồm việc Nga rút quân hoàn toàn khỏi nước này.

Trong khi đó, Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán về việc giải quyết xung đột Ukraine, nhưng điều này chỉ có thể được bắt đầu sau khi thực tế lãnh thổ hiện nay được công nhận.

Việc cả Ukraine và Nga vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong các điều kiện có thể đưa đến các cuộc đàm phán hòa bình cho thấy cơ hội sớm chấm dứt xung đột vẫn còn rất xa vời.

Minh Thúy

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ukraine-doi-mat-thach-thuc-lon-khi-nga-phan-cong-o-kursk-265385.htm