Ukraine đơn phương cấm tàu, thuyền Nga cập cảng
Luật 'Vận tải đường thủy nội địa' mới của Ukraine có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sẽ cấm các tàu chở hàng và hành khách thuộc sở hữu của Nga tiếp cận nhiều tuyến đường thủy lớn, nhỏ.
Luật “Vận tải đường thủy nội địa” mới của Ukraine có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sẽ cấm các tàu chở hàng và hành khách thuộc sở hữu của Nga tiếp cận nhiều tuyến đường thủy lớn, nhỏ.
Tàu, thuyền lưu thông qua tuyến đường thủy sông Dniester, đoạn chảy qua Ukraine. Ảnh: Sputnik
“Việc đi lại ven biển giữa các cảng sông để thực hiện hoạt động vận chuyển hàng hóa trong các tuyến đường thủy nội địa của Ukraine có thể được thực hiện bởi các tàu Ukraine hoặc tàu nước ngoài có chủ sở hữu là những tổ chức kinh doanh đã đăng ký trên lãnh thổ Ukraine, ngoại trừ tàu treo cờ của nước xâm lược cùng những tàu có chủ sở hữu là công dân của nước bị Ukraine coi là nước xâm lược hoặc nước chiếm đóng”, điều luật trên quy định.
Theo Đài Sputnik, "nước xâm lược" (agressor state) là một thuật ngữ đã được chính quyền Ukraine sử dụng rộng rãi để ám chỉ Nga sau cuộc đảo chính tháng 2/2014 ở Kiev và khiến người dân Crimea buộc phải bỏ phiếu trưng cầu dân ý đòi độc lập và sau đó tái sáp nhập Nga.
Được Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) thông qua thông qua tháng 12/2020, luật “Vận tải đường thủy nội địa” nhằm phục hồi một phần giao thông nội địa dọc theo các tuyến sông của Ukraine, với việc Bộ Cơ sở hạ tầng nước này dự kiến tổng trọng tải sẽ tăng lên 30 triệu tấn mỗi năm, và tương đương với doanh thu khoảng 450 - 565 triệu USD.
Ngoài ra, người nước ngoài và các công ty nước ngoài không thuộc “quốc gia xâm lược” có thể thuê tàu hoạt động trong các tuyến đường thủy nội địa của Ukraine. Thủy thủ đoàn và tàu nước ngoài sẽ phải cung cấp giấy tờ và giấy ủy quyền của chủ sở hữu để đăng ký tạm thời ở Ukraine. Các tàu mang cờ nước ngoài vào cảng để dỡ hàng hóa hoặc hành khách sẽ tiếp tục chịu sự điều chỉnh của các điều ước quốc tế.
Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine đã đưa ra ý tưởng cấm tàu Nga tiếp cận các tuyến đường thủy nội địa của nước này vào năm 2018, lấy lý do đề phòng mối đe dọa khủng bố do các tàu Nga gây ra. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh hai nước đang có tranh cãi về việc lực lượng biên phòng Ukraine bắt giữ trái phép một tàu cá Nga vào mùa xuân năm 2018. Nga sau đó đã cảnh báo các chủ tàu của nước này hoạt động trong vùng biển Ukraine cần lưu ý về rủi ro bị giới chức Ukraine bắt giữ “theo kiểu cướp biển”.
Tác động kinh tế của luật mới này vẫn chưa tính toán được. Mối quan hệ kinh tế và thương mại Nga-Ukraine đã suy thoái đáng kể kể từ cuộc đảo chính năm 2014, với sự sụp đổ hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như tên lửa và hàng không, máy móc và đóng tàu, dẫn đến việc một số công ty công nghiệp khổng lồ của Ukraine trên bờ vực phá sản. Thương mại nói chung giữa hai nước đã giảm từ hơn 45 tỷ USD vào năm 2013 xuống còn 7,3 tỷ USD vào năm 2020.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây ước tính rằng từ năm 1991 đến năm 2013, các khoản trợ giá khí đốt của Nga đã tiết kiệm cho Kiev hơn 82 tỷ USD. Ông đồng thời bày tỏ thất vọng về sự tan vỡ của mối quan hệ đối tác kinh tế “bù trừ tự nhiên” giữa hai nước vốn được hình thành qua nhiều thế kỷ.
Luật "Về Vận tải Đường thủy Nội địa" của Ukraine đi vào hiệu lực trong bối cảnh mối quan hệ Nga-Ukraine ngày càng xấu đi và Kiev tuyên bố rằng Moscow có thể đang chuẩn bị một cuộc xâm lược. Giới chức trách Nga đã bác bỏ những tuyên bố này, đồng thời cáo buộc Chính phủ Ukraine và các nước phương Tây cố tình làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng.
Hai tháng gần đây, Ukraine đã áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với các cá nhân và thực thể Nga liên quan đến việc tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội Nga tại Crimea hồi tháng 9 vào Duma quốc gia Nga từ Crimea, cũng như ban bố lệnh trừng phạt đối với những người liên quan đến việc xây dựng Cầu Crimea.
Ngày 30/12/2021, Tổng thống Putin cảnh báo người đồng cấp Mỹ Joe Biden rằng các biện pháp trừng phạt mới của Washington nhằm vào Nga liên quan đến Ukraine sẽ là một "sai lầm lớn" có thể làm rạn nứt quan hệ ngoại giao.
Các quan chức, giới lập pháp cùng những cố vấn chiến lược ở Mỹ đã công khai kêu gọi chính phủ thiết lập những biện pháp cứng rắn mới đối với Nga. Một số người thậm chí còn đề xuất Washington thực hiện một "đòn đánh phủ đầu" tài chính chống lại Moskva bằng cách loại bỏ nước này khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, bất kể có xâm lược quốc gia nào hay không.