Ukraine dùng chiến thuật gì để đối phó với sức mạnh pháo binh Nga?
Tâm điểm của xung đột Ukraine đã chuyển hướng sang vùng Donbass, nơi lực lượng Nga đang tấn công mạnh các chốt phòng thủ của quân đội Ukraine nhằm tạo ra bước tiến lớn.
Một cách thức quan trọng giúp Moskva đạt được mục tiêu này là sử dụng pháo hạng nặng, với hỏa lực gián tiếp bao trùm từ khoảng cách xa. Đây là điểm then chốt trong học thuyết quân sự của Nga. Đòn đánh này gây ra hệ quả to lớn, với những hình ảnh từng được ghi nhận tại Mariupol và nhiều thành phố lân cận. Nhưng chiến thuật này cũng khiến Nga chịu pháo kích phản đòn từ phía Ukraine (hỏa lực phản pháo). Muốn chặn bước tiến của Nga, điểm then chốt đối với Ukraine là phải tìm ra cách thức trung hòa pháo binh Nga.
Để chống lại pháo kích của đối phương, cần phải biết đạn pháo được bắn ra phát từ điểm nào. Các khẩu đổi pháo thường phải mất vài phút để khai hỏa mục tiêu, khiến chúng dễ bị tổn thương nhất trong quãng thời gian này. Một phần là bởi đạn pháo cần khoảng 40 giây để tới mục tiêu, chưa kể thời gian cần hiệu chỉnh nếu như loạt bắn trước đó chệch mục tiêu.
Theo Patrick Benham-Crosswell, cựu sĩ quan chỉ huy xe tăng của quân đội Anh, cách thức tốt nhất để định vị pháo đối phương là sử dụng radar phản pháo. Hệ thống này giúp phát hiện đạn pháo khi bay và truy gốc quỹ đạo tới điểm xuất phát. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine những loại radar phản pháo này, đủ sức định vị vũ khí Nga trước thời điểm đạn rơi xuống khu vực mục tiêu.
Một cách khác là sử dụng máy bay không người lái. Phương tiện này giúp phát hiện khói khi đối phương khai hỏa đạn pháo. Ukraine đã triển khai một số lượng lớn thiết bị bay không người lái, cả loại chuyên dùng cho quân sự và loại được cải hoán từ các mẫu khác để hỗ trợ pháo binh.
Để chống lại phản pháo, kíp vận hành sẽ tuân thủ chiến thuất “bắn và chạy”, tức di chuyển nhanh khỏi vị trí trận địa ngay sau khi khai hỏa. Nhưng chiến thuật này chỉ khả thi đối với các hệ thống pháo tự hành, như loại pháo 2S19 Msta cỡ nòng 152mm của Nga được đặt trên xe bánh lốp.
Một số loại pháo kéo, như pháo lựu M777 155mm mà Mỹ mới chuyển giao cho Ukraine gần đây hay pháo 2A65 Msta-B 152mm mất nhiều thời gian hơn cho khâu ghép móc và di chuyển sau khi bắn. Các pháo thủ cũng lộ trong không gian mở, khiến họ dễ bị tổn thương trước các mảnh đạn pháo từ đối phương, không như pháo tự hành – nơi kíp vận hành được bảo vệ bởi lớp giáp bên ngoài.
Ưu điểm của pháo kéo là giá thành rẻ hơn, trọng lượng nhẹ hơn, thao tác vận hành, sử dụng không quá phức tạp. Một loại pháo khác là pháo phản lực phóng loạt (MLRS), như loại BM-21 Grad của Nga với tổng số 40 ống phóng. MLRS có thể khai hỏa nhanh chóng trước khi di chuyển khỏi vị trí, với hỏa lực bao trùm cả một khu vực rộng lớn. Điểm bất lợi với MLRS là chúng có thể tạo ra những cột khói lớn khi bắn, có thể quan sát bằng mắt thường.
Nhân tố quan trọng nhất trong tác chiến pháo binh là tầm bắn. Bên nào sử dụng pháo có tầm bắn xa nhất sẽ khiến đối phương bị uy hiếp mạnh. Đơn cử, loại đạn pháo có GPS dẫn đường Excalibur dùng cho pháo lựu M777 có tầm bắn lên tới hơn 40km, vượt xa so với tầm bắn 25km của 2A65 Msta-B.
Tầm bắn xa hơn là nhân tố khiến Ukraine liên tục đề nghị Mỹ chuyển giao MLRS. Các ông phóng rocket cỡ nòng 270mm này có thể bắn mục tiêu cách xa 84km, với độ chính xác cao, vượt trội so với các hệ thống cùng loại hiện đại nhất của Nga. Cũng chính MLRS này có thể phóng được cả tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm bắn 300 km.
Điều này khiến phương Tây chưa dám mạo hiểm cung cấp cho Ukraine vũ khí có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ngày 1/6 vừa qua, Mỹ thông báo sẽ chuyển vũ khí MLRS hiện đại cho Ukraine, nhưng chỉ kèm đạn rocket tầm trung. Anh và Đức cũng được cho là đang lên kế hoạch viện trợ chủng loại tương tự. Đây chính là vũ khí mà Ukraine cần nếu muốn chống chọi lại pháo binh Nga.