Ukraine: Hàng nghìn dân thường kẹt giữa làn không kích, đàm phán chưa tiến triển
Hàng trăm nghìn dân thường vẫn bị mắc kẹt tại các thành phố của Ukraine, trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa ngoại trưởng Ukraine và Nga không đạt được tiến triển rõ ràng.
Ngày 10-3, hàng trăm nghìn dân thường vẫn bị mắc kẹt tại các thành phố của Ukraine, trú ẩn khỏi các cuộc không kích và pháo kích của Nga, trong bối cảnh cuộc đàm phán giữa các ngoại trưởng Ukraine và Nga không đạt được tiến triển rõ ràng.
Khủng hoảng tại Ukraine hôm 10-3 đã bước sang tuần thứ ba. Các quan chức tại thành phố Mariupol cho biết các máy bay chiến đấu của Nga hôm 10-3 đã một lần nữa ném bom thành phố cảng phía nam, nơi có một bệnh viện phụ sản.
Theo hãng tin Reuters, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đến nay đã không đạt được các mục tiêu đã định. Hàng nghìn người đã thiệt mạng và hơn hai triệu người phải rời khỏi Ukraine, nơi một số thành phố đang bị bao vây.
Khủng hoảng tại đây cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, vốn vẫn đang hồi phục sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Tác động đến nền kinh tế toàn cầu
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – bà Kristalina Georgieva - cho biết chiến tranh cùng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã gây ra sự suy giảm thương mại toàn cầu và khiến giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh.
Điều này buộc IMF phải hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu vào tháng tới, bà Georgieva cho hay.
Theo đó, bà Georgieva cho biết sẽ gây sức ép lên Nga để chấm dứt chiến tranh, trước những tác động lan tỏa mà Moscow đang gây ra đối với các nền kinh tế trên toàn thế giới.
Đối mặt sự lên án toàn cầu và ngày càng bị cô lập, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Moscow sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn sau khi vượt qua những khó khăn do các lệnh trừng phạt gây ra.
Ông Putin nhấn mạnh rằng không có sự thay thế nào đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine.
"Có một số câu hỏi, vấn đề và khó khăn nhưng trong thời gian qua, chúng tôi đã vượt qua và chúng tôi sẽ vượt qua chúng" – nhà lãnh đạo Nga nói.
Đàm phán không đạt tiến triển rõ ràng
Ngày 10-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine – ông Dmytro Kuleba - đã gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là cuộc hội đàm cấp cao nhất kể từ khi ông Putin mở chiến dịch quân sự hôm 24-2.
Ông Kuleba cho biết ông Lavrov đã từ chối cam kết ngừng bắn để cho phép phân phối viện trợ và dân thường bị mắc kẹt tại Mariupol và những nơi khác sơ tán dọc các hành lang nhân đạo.
Về phía mình, Ngoại trưởng Lavrov không có dấu hiệu nhượng bộ, nói rằng hoạt động này diễn ra theo kế hoạch và lặp lại cáo buộc của Moscow rằng Ukraine là mối đe dọa đối với Nga.
Ông Lavrov nói thêm rằng một lệnh ngừng bắn không có trong chương trình nghị sự tại cuộc đàm phán hôm 10-3 ở thành phố Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ).
Tại Washington, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương – ông William Burns - cho biết ông Putin dường như không đưa ra một hồi kết "bền vững" ở Ukraine và có thể sẽ sớm cố gắng tìm cách kết thúc cuộc giao tranh.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cảnh báo rằng ông Putin vẫn có thể tìm cách leo thang.
Nỗ lực viện trợ và sơ tán gặp nhiều khó khăn
Theo Reuters, các nỗ lực gửi viện trợ và các đoàn xe sơ tán đã không thành công trong sáu ngày qua.
Các cơ quan cứu trợ cho biết sự trợ giúp nhân đạo là cần thiết nhất ở Mariupol, nơi người dân đang cạn kiệt nguồn thực phẩm, nước uống và điện.
Việc kiểm soát được thành phố này sẽ cho phép Nga liên kết các khu vực thân Moscow ở phía đông và Crimea ở phía nam.
Ông Petro Andrushenko - cố vấn của thị trưởng Mariupol - cho biết máy bay chiến đấu của Nga đã nhắm mục tiêu vào các tuyến đường của đoàn xe sơ tán hôm 10-3.
"Các cuộc không kích bắt đầu từ sáng sớm. Không kích nối tiếp không kích. Tất cả trung tâm lịch sử đang bị oanh tạc" – ông Andrushenko nói.
"Họ muốn xóa hoàn toàn thành phố của chúng tôi, xóa người của chúng tôi. Họ muốn ngăn chặn bất kỳ cuộc di tản nào" – vị cố vấn nói thêm.
Liên quan vụ bệnh viện tại Mariupol bị tấn công hôm 9-3, Ngoại trưởng Lavrov cho biết bệnh viện này đã ngừng điều trị bệnh nhân và bị những thành phần "cấp tiến" người Ukraine chiếm đóng.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó đã phủ nhận việc đánh bom bệnh viện, cáo buộc Ukraine có một "hành động khiêu khích được dàn dựng" ở đó.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki gọi vụ tấn công bệnh viện là "khủng khiếp" và "man rợ", đồng thời cho biết Washington đang xem xét lại các hành động của Nga về tội ác chiến tranh có thể xảy ra.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu – bà Ursula von der Leyen - cũng cho biết vụ tấn công "vô nhân đạo, tàn ác và bi thảm" có thể cấu thành tội ác chiến tranh và cần được điều tra.
Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc các nước phương Tây thổi phồng tình hình bằng cách trang bị vũ khí cho Ukraine.
Trả lời câu hỏi liệu xung đột có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân hay không, ông Lavrov nói: "Tôi không muốn tin và cũng không tin rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra".
Chiến tranh và những tổn thất
Tình hình tại Mariupol những ngày qua nêu bật cảnh báo của Mỹ rằng cuộc tấn công lớn nhất vào một quốc gia châu Âu kể từ năm 1945 có thể ngày càng trở nên tiêu cực.
Một nửa trong số hơn hai triệu người tị nạn từ Ukraine là trẻ em, và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế cho biết các ngôi nhà đã bị phá hủy trên khắp Ukraine.
Nhiều người tị nạn đang phải chịu những tổn thương về thể chất và sang chấn tâm lý.
Cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky – ông Oleg Ustenko - cho biết các lực lượng Nga đã phá hủy ít nhất 100 tỉ USD cơ sở hạ tầng, các tòa nhà và các tài sản vật chất khác của Ukraine.
“Chiến tranh đã khiến 50% doanh nghiệp Ukraine phải đóng cửa hoàn toàn, trong khi nửa còn lại hoạt động dưới mức công suất” - ông Ustenko cho biết.