Ukraine, Israel, Iran... và cuộc đua tái đắc cử của ông Biden

Giới chuyên gia cho rằng loạt quyết sách đối ngoại liên quan Trung Đông, chiến sự Nga - Ukraine sẽ đặt ra thách thức cho Tổng thống Mỹ Joe Biden trên con đường đến mục tiêu tái đắc cử.

Ở Mỹ, khi một tổng thống đương nhiệm tuyên bố tái tranh cử, kết quả từ các chính sách đối ngoại của tổng thống trong nhiệm kỳ qua luôn là vấn đề cử tri quan tâm và chắc chắn sẽ tác động quyết định bỏ phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử tới, theo tờ The Conversastion.

Đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, đối ngoại được đánh giá là "câu chuyện khá mệt mỏi" khi nhiệm kỳ của ông chứng kiến nhiều tranh cãi trong chính sách đối ngoại Mỹ, từ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan năm 2021, chiến sự Nga - Ukraine từ năm 2022, xung đột Israel - Hamas từ năm 2023 và mới đây là loạt căng thẳng giữa Iran và Israel.

Liệu chính sách đối ngoại của ông Biden ở những khu vực trên trong 3 năm qua sẽ ảnh hưởng thế nào đến quyết định của cử tri Mỹ vào tháng 11 tới?

Cuộc chiến của Israel ở Gaza

Tháng 8 tới, Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ nhằm đề cử ứng viên đại diện đảng này tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra tại TP Chicago (bang Illinois). Gần như chắc chắn là ông Biden sẽ giành tấm vé đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, giới phân tích lại tìm thấy những điểm tương đồng đáng kinh ngạc giữa đại hội sắp tới với kỳ đại hội năm 1968 cũng tổ chức tại TP này, liên quan vấn đề đối ngoại.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Khi đó, các đảng viên Dân chủ đã đến Chicago trong sự chia rẽ sâu sắc liên quan cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Bên ngoài phòng hội nghị tập trung khá đông những người biểu tình phản đối chiến tranh. Họ hy vọng tác động kết quả đề cử ứng viên tổng thống.

Trở lại hiện tại, cuộc chiến của Israel tại Gaza đã lặp lại những chia rẽ tương tự trong nội bộ đảng Dân chủ như cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam.

Đảng Dân chủ đã cho thấy những bất đồng với cách phản ứng của chính quyền Tổng thống Biden ở Gaza. Điều này thể hiện trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng tại bang Michigan hồi tháng 2 khi hơn 100.000 đảng viên Dân chủ đã bỏ phiếu “không cam kết” để gửi thông điệp tới ông Biden về việc ngăn chặn mất mát sinh mạng dân thường Palestine ở Gaza.

Một cuộc thăm dò gần đây của trang web Data for Process (Mỹ) cho thấy khoảng 2/3 người Mỹ ủng hộ lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Những phản ứng này được dự đoán sẽ còn kéo dài đến hội nghị đảng Dân chủ nếu xung đột ở Gaza không chấm dứt.

Theo The Conversastion, sự ủng hộ của ông Biden với Israel, trong bối cảnh số dân thường thiệt mạng ở Gaza đã đến mức khủng khiếp, đang tạo cảm giác cho các cử tri Mỹ rằng ông Biden thiếu đồng cảm với nỗi đau khổ của người dân Palestine. Việc này có nguy cơ làm suy yếu nghiêm trọng hình ảnh cá nhân về một nhà lãnh đạo giàu lòng nhân ái, vốn giúp ông Biden thu hút cử tri hồi năm 2020.

Các chuyên gia dự đoán đối thủ của ông Biden - ông Donald Trump sẽ khai thác điểm yếu này để đấu lại nhà lãnh đạo Mỹ.

Ngày 26-4, công ty tư vấn và phân tích đa quốc gia Gallup (Mỹ) công bố số liệu cho thấy tỉ lệ chấp thuận trung bình của cử tri Mỹ đối với công việc của ông Biden trong quý thứ 13 của ông tại Nhà Trắng chỉ đạt mức 37,8% - mức thấp nhất trong chín đời tổng thống Mỹ gần đây.

Afghanistan và Iran

Một trong những rắc rối đối ngoại đầu tiên mà Tổng thống Biden đối mặt trong nhiệm kỳ là việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, thường được mô tả bằng từ “thất bại”.

Trở lại tháng 8-2021, khi chính phủ do Mỹ hậu thuẫn ở Kabul sụp đổ, ông Biden ra lệnh rút quân Mỹ khỏi Afghanistan. Trước khi Washington hoàn tất việc rút quân, một vụ tấn công khủng bố đã xảy ra tại sân bay Kabul khiến 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.

Việc rút quân của Mỹ khi đó được báo chí gọi là “nỗi kinh hoàng về mặt chiến lược”. Dù vậy, giới quan sát cho rằng khủng hoảng Afghanistan khó có thể tạo ra tác động lên cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng này được nhắc chung với những vụ binh sĩ Mỹ thiệt mạng gần đây ở Trung Đông do mạng lưới thân Iran gây ra thì câu chuyện chắc chắn sẽ khác.

Đầu năm nay, nhóm vũ trang Kataib Hezbollah do Iran hậu thuẫn đã không kích một căn cứ quân sự Mỹ ở Jordan khiến 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden dự lễ hồi hương hài cốt của ba binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong cuộc không kích vào căn cứ quân sự Mỹ ở Jordan. Buổi lễ diễn ra vào ngày 2-2 tại căn cứ Không quân Dover, bang Delaware (Mỹ). Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự lễ hồi hương hài cốt của ba binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong cuộc không kích vào căn cứ quân sự Mỹ ở Jordan. Buổi lễ diễn ra vào ngày 2-2 tại căn cứ Không quân Dover, bang Delaware (Mỹ). Ảnh: AFP

Đáp lại, Tổng thống Biden đã chỉ đạo hàng chục cuộc tấn công trả đũa nhắm vào các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Iraq và Syria. Quyết định của ông Biden khi đó đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội trong nội bộ giới lãnh đạo cũng như trong người dân Mỹ, khiến ông Biden gần như mất đi sự ủng hộ của các đảng viên Dân chủ trẻ tuổi, cử tri Hồi giáo và cử tri người Mỹ gốc Ả Rập.

Gần đây, khi loạt trả đũa nổ ra giữa Israel và Iran sau vụ tòa nhà lãnh sự bên trong Đại sứ quán Iran ở Syria trúng không kích, Mỹ đã bị lôi vào căng thẳng với tư cách là người bảo vệ Israel. Nếu các căng thẳng liên quan Iran tiếp tục diễn biến đáng ngại, đẩy giá dầu lên cao trước ngày bầu cử, cuộc đua giữ chức của ông Biden chắc chắn gặp khó, theo tờ The Wall Street Journal.

Xung đột Nga - Ukraine

Thách thức về giá dầu đặt ra với Tổng thống Biden không chỉ từ căng thẳng ở Trung Đông mà còn ở mặt trận Nga - Ukraine.

Hồi tháng 3, tờ Financial Times dẫn các nguồn tin rằng chính quyền ông Biden đã yêu cầu các lực lượng Ukraine kiềm chế tấn công vào cơ sở hạ tầng bên trong Nga, đặc biệt các kho lưu trữ và lọc dầu của Moscow vì lo ngại giá năng lượng sẽ tăng cao.

Mỹ vẫn đang tìm kiếm một cách tiếp cận phù hợp cho Ukraine trong tình thế tiến thoái lưỡng nan: Tấn công hạ tầng năng lượng sẽ là lựa chọn phù hợp cho Ukraine trong cuộc chiến bất đối xứng với một đối thủ được trang bị vũ khí tốt hơn như Nga, nhưng lại gây nguy hiểm cho triển vọng chính trị của ông Biden.

Mỹ tố Trung Quốc can thiệp bầu cử

Tuần rồi, trong chuyến công du Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Mỹ đã phát hiện bằng chứng về nỗ lực của Trung Quốc nhằm “gây ảnh hưởng và can thiệp” vào cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ, theo đài CNN.

“Nói chung, chúng tôi đã thấy bằng chứng về những nỗ lực gây ảnh hưởng và can thiệp, và chúng tôi muốn đảm bảo rằng những nỗ lực này sẽ bị ngăn chặn càng sớm càng tốt” - ông Blinken nói.

Ngoại trưởng Mỹ không đề cập bất kỳ bằng chứng cụ thể nào về việc Trung Quốc can thiệp bầu cử Mỹ nhưng cho biết hành động như vậy là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và Washington đang “xem xét cẩn thận” về các hành vi này.

Trung Quốc nhiều lần khẳng định không can thiệp vào bầu cử Mỹ dựa trên nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

Hồi tháng 11-2023, trong cuộc gặp với Tổng thống Biden tại Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã cam kết rằng Bắc Kinh sẽ không can thiệp vào bầu cử Mỹ.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/ukraine-israel-iran-va-cuoc-dua-tai-dac-cu-cua-ong-biden-post787725.html