Ukraine khám xét hàng loạt địa điểm liên quan đến Cục Chống tham nhũng Quốc gia
Theo tờ The Kyiv Independent, các tổ chức chống tham nhũng độc lập của Ukraine vừa trải qua một ngày đầu tuần đầy sóng gió với hàng loạt lệnh khám xét.

Giám đốc NABU Semen Kryvonos (trái) và Công tố viên trưởng chống tham nhũng Oleksandr Klymenko (phải) phát biểu tại buổi họp báo về kết quả công việc của các cơ quan này trong nửa đầu năm 2024, tại Kiev, Ukraine. Ảnh: Getty Images.
Trong ngày 21/7, Văn phòng Tổng công tố, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) và Cục Điều tra Nhà nước đã tiến hành ít nhất 70 cuộc khám xét tại các địa điểm có liên quan đến Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine (NABU) - cơ quan chuyên điều tra các vụ tham nhũng cấp cao.
Các cuộc điều tra đang nhắm vào ít nhất 15 nhân viên NABU. Phần lớn các vụ việc liên quan đến tai nạn giao thông, trong khi một số nhân viên NABU bị cáo buộc có liên hệ với Nga.
Cơ quan An ninh Ukraine cũng đã khám xét Văn phòng Công tố viên Chống tham nhũng Đặc biệt (SAPO), cơ quan chuyên truy tố các vụ tham nhũng.
Các nhà phân tích đánh giá, những cuộc khám xét trên diện rộng, liên quan đến nhiều vụ án khác nhau, được xem là nỗ lực của chính quyền nhằm đưa các tổ chức chống tham nhũng độc lập vào “tầm kiểm soát”.
Bà Daria Kaleniuk, Giám đốc điều hành Trung tâm Hành động Chống tham nhũng đã lên án những động thái trên. Trong phát biểu với The Kyiv Independent, bà cho rằng “chiến dịch đặc biệt” này đang ảnh hưởng đến “nỗ lực chống tham nhũng ở Ukraine”, cũng như cảnh báo về tiến trình hội nhập châu Âu khi triển khai hoạt động trên.
Trước đó, người đứng đầu Trung tâm Hành động Chống tham nhũng, ông Vitaliy Shabunin đã bị truy tố vào ngày 11/7 với cáo buộc trốn nghĩa vụ quân sự và gian lận. Tuy vậy, theo một số thông tin, ông Shabunin được cho là đã tham gia quân ngũ từ năm 2022 và thường xuyên chỉ trích tình trạng tham nhũng cùng sự lạm quyền của chính phủ.
Theo tờ báo của Ukraine, các cuộc khám xét và truy tố nhằm vào các nhà hoạt động chống tham nhũng và những người được giao nhiệm vụ điều tra tham nhũng cấp cao diễn ra trong bối cảnh chính phủ đang tìm cách thông qua một dự luật có thể “ân xá” cho các hành vi tham nhũng trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Văn phòng Tổng công tố của Ukraine từ chối đưa ra bình luận, trong khi Văn phòng Tổng thống, Cục Điều tra Nhà nước, NABU và SAPO không đưa ra các phản hồi liên quan.
Các cuộc khám xét bắt đầu khi Giám đốc NABU Semen Kryvonos và Công tố viên trưởng Chống tham nhũng Oleksandr Klymenko đang có chuyến công tác tại Anh. Sau khi nhận được thông tin, họ đã lập tức kết thúc chuyến đi và trở về Ukraine.
NABU cho biết các cuộc khám xét đã được thực hiện mà không có lệnh khám xét hợp pháp. Cơ quan này nói thêm rằng các nhân viên thực thi pháp luật đã sử dụng vũ lực với một trong các điều tra viên của NABU.
Trong khi đó, phía SUB khẳng định việc khám xét không cần lệnh tòa là hợp pháp nếu việc cấp lệnh có thể làm lộ các cuộc điều tra liên quan “liên hệ với Nga”. Tuy nhiên, cơ quan này không đưa ra giải thích cụ thể về việc các vụ tai nạn giao thông có liên quan thế nào đến Nga.
NABU cũng cho biết SBU đã bắt đầu kiểm tra quyền tiếp cận bí mật nhà nước của các nhân viên NABU. Theo NABU, SBU có thể tiếp cận dữ liệu điều tra của NABU và làm suy yếu các cuộc điều tra của cơ quan này.
SAPO cũng thông báo SBU đã tiến hành kiểm tra quyền tiếp cận bí mật nhà nước của các nhân viên SAPO, qua đó SBU có thể tiếp cận mọi hoạt động và cuộc điều tra của SAPO và NABU.
Đáp lại cáo buộc trên, SBU phủ nhận việc tiếp cận toàn bộ các hoạt động và điều tra của NABU và SAPO, đồng thời gọi những tuyên bố này là “vô căn cứ và mang tính chất thao túng”.
Trong khi đó, Cơ quan Bảo vệ Truyền thông và Thông tin Đặc biệt Ukraine cũng bắt đầu kiểm tra hạ tầng kỹ thuật của NABU.
Một số nguồn tin cho rằng các cuộc điều tra gần đây của NABU được cho là có sự liên quan đến các hoạt động của NABU nhằm vào các nhân vật thân cận của chính quyền hiện nay. Một trong vụ việc đó là truy tố cựu Phó Thủ tướng Oleksiy Chernyshov với cáo buộc hối lộ và lạm dụng quyền lực hồi tháng 6.
Nguồn tin NABU nhận định các hoạt động điều tra lớn của cơ quan này những năm qua không có sự phối hợp với Văn phòng Tổng thống, điều này được nhận định là đã khiến giới chức giận dữ.
Ngày 21/7, các nước phương Tây bắt đầu có phản ứng cứng rắn khi bà Katarina Mathernova, Đại sứ EU tại Ukraine, khẳng định: “Giờ đây hơn bao giờ hết cần duy trì những thành quả cải cách để đảm bảo sự ủng hộ cần thiết nhằm chiến thắng kẻ thù”.
Các Đại sứ G7 cũng ra tuyên bố cho biết đang “theo sát diễn biến” tại NABU, bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” và sẽ làm việc với lãnh đạo chính phủ Ukraine về vấn đề này.
"Tất cả chúng ta đều có cam kết chung là ủng hộ tính minh bạch, các thể chế độc lập và quản trị tốt, và chúng tôi coi trọng mối quan hệ đối tác tại Ukraine để cùng nhau chống tham nhũng", tuyên bố nêu rõ.