Ukraine khẳng định Nga chưa đạt được tiến bộ đáng kể nào

Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng cuộc phản công của quân đội Ukraine đã không đạt được kỳ vọng khi cuộc phản công tiếp tục diễn ra, song nói thêm rằng phía Nga cũng 'không đạt được tiến bộ đáng kể nào'.

“Kết quả của cuộc phản công chắc chắn không như chúng tôi mong đợi. Có những yếu tố khách quan và chủ quan cho việc này. Nhưng thực tế Nga cũng không gì nổi bật. Họ đang ở tình trạng như một năm trước, không đạt được tiến bộ đáng kể nào”, cố vấn Mykhailo Podolyak nói với hãng truyền thông độc lập Meduza hôm 22.1.

Theo quan chức Ukraine, mặc dù cuộc phản công của Kyiv không đạt được những gì đã kỳ vọng, ông Podolyak tin rằng điều đó cũng không mang lại lợi thế cho Moscow. Cố vấn Tổng thống Ukraine cho biết lực lượng Ukraine đã có “những thành công chiến lược, hoạt động hiệu quả trên bán đảo Crimea và Biển Đen”.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine - Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine - Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine

Tuy nhiên, ông Podolyak khẳng định sự thành công của lực lượng Ukraine phụ thuộc phần lớn vào các nguồn lực sẵn có do các đồng minh phương Tây của Ukraine cung cấp.

“Các kế hoạch hoạt động của bộ chỉ huy Ukraine được xác định bởi sự sẵn có của một số nguồn lực nhất định. Rõ ràng là chúng tôi vẫn không có đủ nguồn lực. Chúng tôi cần đạn pháo, tên lửa tầm xa, máy bay không người lái - và bất kỳ loại tác chiến điện tử nào. Chúng tôi cần các loại máy bay chiến đấu bởi vì Nga vẫn đang có lợi thế trên không”, ông nói.

Ông Podolyak cho biết các mục tiêu của Ukraine vẫn “không thay đổi”. “Đàm phán trung gian sẽ không giải quyết cuộc chiến này. Chúng tôi sẽ không nhượng bộ lãnh thổ”, ông nhấn mạnh.

Nga nói Mỹ hưởng lợi từ việc viện trợ vũ khí cũ cho Ukraine

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ở thành phố New York hôm 22.1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cáo buộc Washington cung cấp cho Ukraine “vũ khí cũ kỹ” để xây dựng năng lực quân sự mới cho chính Mỹ.

Vào tháng 11 năm ngoái, tờ Washington Post đưa tin rằng trong số 68 tỉ USD viện trợ quân sự mà quốc hội Mỹ đã phê duyệt cho Ukraine, gần 90% số tiền đã quay trở lại Mỹ để chế tạo vũ khí mới hoặc thay thế những vũ khí được gửi đến Ukraine từ kho dự trữ của Mỹ. Tờ báo dẫn lời một quan chức Ukraine cho biết “mọi bang ở Mỹ đều đóng góp vào nỗ lực này”, từ đó tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ hơn.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Sputnik cho biết ông Lavrov đã trích dẫn con số 90% cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng ông cũng tuyên bố mà không đưa ra bằng chứng rằng Mỹ đang cập nhật vũ khí của mình bằng quỹ hỗ trợ cho Kyiv trong khi "những thứ cũ kỹ của họ đang được sử dụng ở Ukraine". "

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Mỹ đang coi cuộc xung đột ở Ukraine “không phải là một cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người... mà là một dự án kinh doanh có lợi nhuận”. Quan chức Nga còn tuyên bố rằng phương Tây đang kiểm soát chính phủ Kiev và "đã âm thầm trang bị vũ khí cho Ukraine cũng như chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại Nga" trong nhiều năm.

Cũng trong bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đã chỉ trích “công thức hòa bình” do Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đề xuất, trong đó sẽ khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine (bao gồm cả Crimea) và thành lập một tòa án đặc biệt để truy tố Nga.

“Tất cả những công thức này là con đường dẫn đến hư không. Washington, London, Paris và Brussels càng sớm nhận ra điều này thì càng tốt cho cả Ukraine và phương Tây. Tôi khuyên các bạn nên lắng nghe điều này. Hãy cẩn thận khi vẫn còn thời gian”, ông Lavrov nói.

Về phần mình, Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Robert Wood bác bỏ những tuyên bố của ông Lavrov và phản bác rằng chiến tranh có thể kết thúc nếu Moscow rút hàng trăm nghìn quân khỏi lãnh thổ Ukraine được quốc tế công nhận. Đại sứ Malta tại LHQ Vanessa Frazier cũng yêu cầu Nga rút lực lượng, và cáo buộc Moscow vi phạm nghĩa vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, vốn là sứ mệnh chính của Hội đồng Bảo an.

Trong khi đó, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân nói: “Chúng ta phải nỗ lực hết sức để ngăn chặn sự lan tỏa của cuộc khủng hoảng (Ukraine) vào thời điểm xung đột Palestine - Israel kéo dài và một số vấn đề điểm nóng có nguy cơ bùng phát. Thế giới không thể chấp nhận chứng kiến các cuộc xung đột địa chính trị lan rộng hơn nữa trong khi nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại”.

Ông Trương nói với hội đồng rằng “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được tôn trọng”. Đại sứ Trung Quốc chỉ trích Ukraine tìm cách gia nhập NATO và cảnh báo điều này sẽ làm sâu sắc thêm mối lo ngại về an ninh của Moscow.

Quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi nối lại đàm phán trực tiếp Nga-Ukraine càng sớm càng tốt. “Những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng Ukraine và xung đột Palestine - Israel đã tạo thêm tuyết cho nền kinh tế toàn cầu đang lạnh giá. Các quốc gia có ảnh hưởng đáng kể nên kiềm chế chính trị hóa, công cụ hóa hoặc vũ khí hóa nền kinh tế thế giới, thay vào đó nên hợp tác cùng nhau để duy trì an ninh lương thực, năng lượng và tài chính toàn cầu cũng như sự ổn định và vận hành trơn tru của chuỗi công nghiệp và cung ứng”, ông Trương đề nghị.

Hoàng Vũ (theo AP, Newsweek)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ukraine-khang-dinh-nga-chua-dat-duoc-tien-bo-dang-ke-nao-213441.html