Từ cuối tháng 5/2023, Ukraine đã đề nghị Đức cung cấp tên lửa hành trình Taurus. Song đến này, giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Berlin vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức.
Taurus là tên lửa hành trình tầm xa dành cho máy bay do Đức - Thụy Điển hợp tác sản xuất. Điểm làm nên uy lực cho vũ khí này là khả năng tàng hình và thiết kế theo dạng mô đun có thể được lắp ráp theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào nhiệm vụ tấn công.
Những tên lửa hành trình tầm xa như Taurus từng là vũ khí thiết yếu trong nhiều chiến dịch quân sự của Mỹ và các nước phương Tây khác, khi phá hủy hoặc làm gián đoạn hoạt động chỉ huy, kiểm soát và hậu cần của đối phương ở xa chuyến tuyến. Đây cũng là vũ khí giúp phương Tây nhanh chóng đạt được thành công về mặt quân sự trong những thập kỷ gần đây.
Những ưu thế vượt trội của Taurus là nguyên nhân Ukraine đang rất muốn có được tên lửa này. Taurus sở hữu đầu đạn kép Mephisto nặng 500kg, mạnh hơn so với nhiều loại tên lửa dẫn đường chính xác trong kho vũ khí của Ukraine, có thể xuyên thủng và phá hủy nhiều mục tiêu kiên cố trong phạm vi 500km. Chính ưu điểm này mà Taurus có thể giúp Kiev vô hiệu hóa các câu cầu của Nga ở khoảng cách xa. Song không loại trừ khả năng Đức sửa đổi tên lửa để hạn chế tầm bắn của nó trước khi cung cấp cho Ukraine, khiến lợi thế của tên lửa bị hạn chế.
Theo thông tin từ nhà sản xuất, đầu đạn Mephisto thậm chí có thể được lập trình để phát nổ trên một tầng cụ thể được chọn trước của một tòa nhà nhất định. Điểm đặc biệt của Taurus là nếu không tự xác định được mục tiêu, tên lửa sẽ tự hủy trên không để tránh hậu quả không mong muốn.
Taurus có thể bắn trúng cả các mục tiêu riêng biệt như xe tăng, pháo, radar, sở chỉ huy, bệ phóng tên lửa và các mục tiêu lớn hơn như những đoàn xe quân sự, cụm sở chỉ huy, căn cứ quân sự, kho bãi. Hơn nữa, máy bay mang tên lửa không cần phải đi vào khu vực phòng không của đối phương. Nhưng người Đức đã nghiên cứu để phóng Taurus không chỉ từ máy bay, mà còn từ tàu thủy và bệ phóng trên mặt đất.
Sau nhiều lần sửa đổi, Taurus được trang bị những tổ hợp kỹ thuật mới nhất như: hệ thống định vị tự động, thiết bị nhận dạng mục tiêu, cảm biến bức xạ của kẻ thù, bẫy chống tên lửa.
Taurus có khả năng điều chỉnh lại việc nhắm mục tiêu trong quá trình bay. Nó có thể tiếp cận mục tiêu với địa hình phải vòng tránh và ở độ cao thấp tới 30 mét. Điều này gây khó khăn nghiêm trọng cho việc phát hiện kịp thời của các trạm radar.
Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự Michael Kofman và Rob Lee đều chỉ ra rằng, ngay cả khi Berlin cung cấp cho Kiev tên lửa Taurus với số lượng lớn hơn, thì vẫn chưa có gì đảm bảo điều đó có thể “thay đổi cuộc chơi”. Việc tiến hành một chiến dịch tấn công sâu phía sau phòng tuyến của đối phương khó hơn nhiều so với tấn công các lực lượng trên tiền tuyến. Rất khó để ngăn chặn tuyến tiếp tế, hoặc thiết lập khả năng kiểm soát hỏa lực ở phía sau nếu không có ưu thế trên không.
Chuyên gia Franz-Stefan Gady, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cũng nhận định, đối với Ukraine, Taurus chắc chắn sẽ mở rộng khả năng chiến đấu của nước này, nhưng đây không phải vũ khí thay đổi cuộc chơi.
Hơn nữa, Nga không những có vũ khí để đối phó với Taurus mà còn biết những điểm yếu của tên lửa này. Loại tên lửa này có tốc độ thấp, chỉ 1.224 km/h. Và tốc độ của máy bay mang theo nó, Su-24, có tốc độ 1.700 km/h. Máy bay chiến đấu Su-27 của Nga có tốc độ tối đa 2.500 km/h.
Vì vậy kể cả máy bay lẫn tên lửa loại này đều không quá khó đối với cả máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không của Nga. Ngoài ra, Nga còn có các hệ thống pháo và tên lửa phòng không Pantsir đã hoạt động hiệu quả để chống lại cả Storm Shadow và SCALP-EG do Anh/Pháp sản xuất (Nguồn ảnh: Saab, Reuters, Topwar).
Lý Thùy (TH)