Ukraine khó lặp lại 'kỳ tích' Kharkiv

Những thất bại ban đầu của Ukraine là một dấu hiệu cho thấy cuộc phản công của Kiev sẽ kéo dài, nhiều tổn thất về nhân lực và sẽ không giống như những gì đã diễn ra ở Đông Bắc Kharkiv vào cuối mùa hè năm 2022.

Trong một cuộc xung đột, khi bên phản công tấn công vào lực lượng phòng thủ thường sẽ bắt đầu bằng các cuộc không kích, tiếp theo là một cuộc tấn công áp đảo trên bộ, dưới sự yểm trợ mở đường của trực thăng chiến đấu.

Ukraine không có lựa chọn như vậy. Do không có lực lượng không quân đủ mạnh mẽ, quân đội Ukraine đang cố gắng đạt được một “kỳ tích” mà ít đội quân hiện đại nào dám làm: đánh bật quân đội Nga đã dành hàng tháng trời để củng cố các tuyến phòng thủ và sẵn sàng cho cuộc tấn công dữ dội và kéo dài của Kiev.

Xe tăng do lực lượng Ukraine sử dụng gần Bakhmut, nơi Kiev đang tìm cách căng mỏng lực lượng của Nga và thăm dò phản ứng của Moscow. Ảnh: AP

Xe tăng do lực lượng Ukraine sử dụng gần Bakhmut, nơi Kiev đang tìm cách căng mỏng lực lượng của Nga và thăm dò phản ứng của Moscow. Ảnh: AP

Sẽ không có kỳ tích Kharkiv?

Những thất bại ban đầu của Ukraine là một dấu hiệu cho thấy cuộc tấn công của Kiev sẽ kéo dài, nhiều tổn thất về nhân lực và sẽ không giống như những gì đã diễn ra ở Đông Bắc Kharkiv vào cuối mùa hè năm 2022.

Ông Rob Lee, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đội ngoại, cho biết: “Việc phản công luôn gặp nhiều khó khăn. Các lực lượng Nga đã có thời gian dài để chuẩn bị. Họ đã rút ra bài học từ những sai lầm ở Kharkiv”.

Cuộc xung đột hiện nay với những trận giao tranh khốc liệt trên chiến trường về cơ bản sẽ là trận chiến của sự chuẩn bị. Từ giữa năm 2022, cả 2 bên đã tập hợp vũ khí, binh sỹ và củng cố các vị trí phòng thủ cho thời điểm quan trọng sắp diễn ra.

Ukraine đã có hàng tỷ USD vũ khí tiên tiến và các phương tiện bọc thép do phương Tây cung cấp. Trong khi đó, Moscow đã huy động hơn 200.000 binh sỹ, đào hào và chuẩn bị các vị trí khai hỏa để ngăn chặn quân Ukraine. Đáng chú ý nhất, quân đội Nga đã rài nhiều bãi mìn trên khắp chiến tuyến.

Đầu tháng này, Ukraine đã mất một số xe tăng và xe chiến đấu bọc thép do phương Tây cung cấp khi đi vào một trong những bãi mìn như vậy. Một số đơn vị khác đã phải đối mặt với các cuộc tấn công từ máy bay trực thăng và tên lửa của Nga, được phóng từ cả trên không và trên bộ.

Đối mặt với những thất bại trong các cuộc tấn công thăm dò, các chỉ hủy Ukraine ở nhiều nơi trong những ngày gần đây đã tạm dừng việc tiến quân để đánh giá lại chiến thuật.

Căng mỏng lực lượng Nga và thăm dò phản ứng của Moscow

Do không chiếm được ưu thế trên không, Ukraine đã tìm cách làm suy giảm khả năng chiến đấu của lực lượng Nga bằng cách tấn công vào các nguồn cung cấp cũng như các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Nga bằng các cuộc tấn công tầm xa, gần đây nhất là sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh cung cấp. Kiev đã sử dụng chiến thuật này rất thành công vào năm 2022 khi dùng hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất để tấn công các nút của Nga và làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của đối phương.

Cuối năm 2022, Ukraine đã chiếm lại thành phố Kherson thuộc vùng Kharkiv sau khi phá hủy các tuyến tiếp tế của Nga, vốn chỉ có thể di chuyển qua những cây cầu dễ bị tấn công. Kherson đặc biệt dễ bị tấn công do nằm ở vùng hợp lưu của 2 con sông. Dù vậy, cuộc bao vây cũng phải mất nhiều tháng mới thành công. Các mục tiêu của Nga hiện nay không dễ bị tấn công như ở Kherson trước đây, Ukraine sẽ phải đối mặt với bài toàn phức tạp hơn nhiều.

Ông Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland, cho biết Ukraine chỉ có thể thành công trong việc chọc thủng phòng tuyến của Nga nếu trước tiên họ làm hao mòn lực lượng của đối phương.

Để tăng cơ hội thành công, Ukraine đã tìm cách căng mỏng lực lượng Nga và thăm dò phản ứng của Moscow. Trong những tuần gần đây, các lực lượng của Kiev đã tổ chức tấn công vào nhiều điểm dọc theo chiều dài chiến tuyến, từ thành phố Belgorod của Nga, giáp biên giới Ukraine ở phía bắc, đến gần Tokmak, một trung tâm đường sắt quan trọng đôi với lực lượng Nga ở phía Nam Ukraine. Các chỉ huy Ukraine hôm 18/6 cho biết họ đã phá hủy một kho đạn dược lớn của Nga trong vùng lãnh thổ do Moscow kiểm soát gần Bán đảo Crimea.

Ukraine cũng đã tấn công các lực lượng Nga ở Bakhmut, một thành phố gần trung tâm của chiến tuyến dài 1.400km mà Moscow đã phải chiến đấu gần 10 tháng mới có thể chiếm được. Khi quân đội Nga chiếm được trung tâm thành phố vài tuần trước, quân Ukraine đã rút về vùng đất cao xung quanh, sau đó bắt đầu phản công. Trận chiến tiếp diễn khiến Nga tốn nhiều binh sỹ hơn để giữ các tuyến phòng thủ ở đây.

Một quan chức cấp cao của NATO cho biết: “Lực lượng Nga ở Bakhmut dường như rất mệt mỏi, thậm chí là kiệt sức”.

Ở những nơi khác, quân đội Ukraine bao gồm cả lính biệt kích đang dò tìm điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Nga. Những bước tiến dù không thể xuyên thủng phòng tuyến của Nga vẫn có thể giúp ích cho các nhà chiến thuật Ukraine vì họ thăm dò được phản ứng của Moscow. Quan sát cách quân đội Nga phản ứng và xem lực lượng phản ứng của họ xuất hiện từ đâu, các chỉ huy Ukraine có thể xác định mục tiêu mới để tấn công bằng vũ khí tầm xa.

Các quan chức quân sự phương Tây cho biết, liên lạc vô tuyến giữa lực lượng Nga cũng có thể giúp Ukraine tìm mục tiêu, thậm chí có thể thu được thông tin tình báo chiến trường.

Lợi thế nghiêng về bên nào chuẩn bị tốt hơn

Theo các quan chức phương Tây, nếu quân phòng thủ phía Nga mệt mỏi và kiệt sức, Ukraine có thể giành được một số lợi thế. Tuy nhiên, Nga có thể bù đắp lại bằng sức mạnh phòng thủ vật lý, sức mạnh không quân hay các công cụ khác như thiết bị tác chiến điện tử - vốn là thế mạnh của Moscow. Các bãi mìn trên mặt đất đã chứng tỏ đặc biệt hiệu quả đối với Nga.

Các bãi mìn của Nga gây sát thương chính xác do do không cần sự can thiệp của con người, vì vậy chúng vẫn tồn tại bất kể hoàn cảnh địa phương hay tinh thần quân đội. Chúng rất khó bị phát hiện và buộc quân tấn công phải chậm lại, khiến binh lính và thiết bị của chính họ dễ bị nhắm mục tiêu. Chưa kể, những quả mìn của Nga có sức nổ mạnh và gây thiệt hại nhiều hơn so với những gì Ukraine và các đồng minh dự đoán.

“Không khó để rải một bãi mìn, nhưng cần phải có thông tin tình báo khá chi tiết mới có thể biết vị trí của mọi bãi mìn”, một quan chức cấp cao của NATO cho biết.

Theo các chiến lược gia, kết quả của các trận chiến sắp tới sẽ nghiêng về bên nào đã chuẩn bị tốt hơn. Ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, đã so sánh tình hình hiện tại với Trận chiến Kursk trong Thế chiến II, một thành phố của Nga gần miền Đông Ukraine. Mùa xuân năm 1943, cả bên tấn công - Đức Quốc xã và bên phòng thủ - Liên Xô đều biết rằng họ sẽ chiến đấu ở đâu trong khu vực và cả hai bên đều đã có sự chuẩn bị.

Theo ông Cancian, khi Đức mở cuộc tấn công, rõ ràng là họ đã chờ đợi quá lâu và Liên Xô đã củng cố sức mạnh nhanh hơn. Kết quả là Moscow đã giành chiến thắng trong trận chiến sau đó và đây là trận chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử.

Tương tự, Kiev và Moscow đều đã củng cố vị trí của mình trong những tháng gần đây, vì vậy cuộc chiến sắp diễn ra sẽ thử thách “ai củng cố sức mạnh với tốc độ nhanh hơn”, ông Cancian nhận định. Trong khi Kiev có một số lợi thế nhất định, ông dự đoán “kịch bản Kursk” sẽ nghiêng về phía Nga./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo WSJ

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ukraine-kho-lap-lai-ky-tich-kharkiv-post1027602.vov