Ukraine khoe sẽ có vũ khí tầm xa, EU hối các thành viên 'chơi tất tay' ở Kiev
Ukraine sẽ nhận được vũ khí mới từ đồng minh phương Tây, trong khi Liên minh châu Âu (EU) hối thúc các thành viên tạm ngừng xuất khẩu vũ khí để gửi cho Kiev.
Ngày 5/2, hãng tin UNIAN dẫn lời Tư lệnh lực lượng liên quân của Ukraine Sergey Naev cho biết, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ chuyển giao cho Kiev chiến đấu cơ F-16 mang tên lửa có tầm bắn lên tới 500 km.
Ông Nayev nói: “Điều này sẽ cho phép Lực lượng phòng vệ của chúng tôi đạt được thành công lớn hơn nữa trên thực địa”.
Theo hãng tin trên, đây có thể là tên lửa có cánh “không đối đất” loại AGM-158 JASSM.
Hồi đầu năm, Bộ quốc phòng Đan Mạch cho biết, thời gian chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, dự kiến vào tháng 1, bị lùi lại nửa năm, lý do là các phi công Ukraine chưa biết điều khiển máy bay Mỹ trong khi cơ sở hạ tầng và hậu cần của quốc gia Đông Âu cũng chưa đáp ứng được việc bàn giao số máy bay này.
Cùng ngày, Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho rằng, cách nhanh nhất, rẻ nhất và hiệu quả nhất để tăng nguồn cung cấp đạn dược cho Kiev là ngừng xuất khẩu sang nước thứ ba và đây là điều mà ông yêu cầu các thành viên thực hiện.
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Ba Lan, đề nghị chính phủ các nước thành viên đưa ra "quyết định chính trị", ông nói: “Chúng ta không chỉ phải hỗ trợ Ukraine trong thời gian dài mà còn phải hỗ trợ bất cứ thứ gì. Đó không chỉ là vấn đề thời gian, mà còn là vấn đề về số lượng và chất lượng nguồn cung cấp của chúng ta”.
Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski bày tỏ hoàn toàn ủng hộ đề xuất của ông Borrell.
Theo ước tính trước đây của Ủy ban châu Âu, 11 quốc gia thành viên có nhà máy đủ khả năng sản xuất đạn pháo 155mm là Bulgaria, Croatia, Czech, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italy, Ba Lan, Slovakia, Tây Ban Nha và Thụy Điển.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Czech Jan Lipavsky thừa nhận, EU sẽ thất bại trong việc cung cấp đạn dược cho Kiev đúng thời hạn và giải pháp hợp lý chính là sử dụng các quỹ của khối để mua đạn dược từ nước ngoài.
Theo bà Lipavsky, Prague quan tâm đến việc Ukraine có đủ đạn dược trong xung đột với Nga và đã đề xuất tại Hội đồng châu Âu hôm 1/2 về việc mua đạn dược từ nước ngoài, chẳng hạn như từ Hàn Quốc hoặc Mỹ.
Tuy nhiên, một số quốc gia EU khác như Pháp vẫn cảnh giác với việc mua đạn dược nước ngoài bằng tiền của EU.
Mặc dù vậy, Paris cũng đang cố tăng nguồn cung đạn dược cho Kiev thông qua các kênh khác, chẳng hạn như giữa tháng 1 vừa qua, Pháp và Mỹ đã lập ra cái gọi là "Liên minh pháo binh" với ý định bảo đảm đủ pháo và đạn pháo cho Ukraine.