Ukraine không đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh NATO
Ukraine cho rằng nhìn chung NATO vẫn không đáp ứng được những yêu cầu của nước này và Kiev không kỳ vọng cao vào Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid.
"NATO nói với chúng tôi rằng chúng tôi không cho họ bất kỳ điều gì", Phó Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine - ông Ihor Zhovkva, người phụ trách chính sách đối ngoại, cho hay trong cuộc trả lời phỏng vấn ở Kiev.
Các nước thành viên NATO, trong đó có Mỹ, Anh và nhiều nước châu Âu đã cung cấp số lượng lớn vũ khí cho Ukraine để chiến đấu với Nga. Số lượng vũ khí vẫn tiếp tục tăng lên, trong đó ngày càng nhiều vũ khí tấn công hơn và trong tuần này, Mỹ đã cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tiên tiến. Các nước NATO cũng đã hỗ trợ tài chính để giúp chính phủ Ukraine tiếp tục vận hành.
Tuy nhiên, theo ông Zhovkva, liên minh NATO nói chung vẫn không đáp ứng được những yêu cầu từ phía Ukraine và Kiev không kỳ vọng cao vào Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid.
Ukraine đã đưa nguyện vọng gia nhập NATO vào Hiến pháp và vẫn đang nỗ lực đạt được kế hoạch hành động thành viên để hoàn thành mục tiêu này nhưng cho tới nay Kiev vẫn chưa thành công và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Moscow.
Tổng thống Zelensky từng nhận định ông sẵn sàng cân nhắc việc đưa ra cam kết về một số hình thức "trung lập" như yêu cầu của Nga nhưng chỉ khi Ukraine nhận được những đảm bảo an ninh chặt chẽ từ các nước đối tác.
Ông Zhovkva khẳng định sự ủng hộ chính trị của NATO rất cần thiết. Ông thừa nhận nhiều thỏa thuận quân sự song phương quan trọng Ukraine nhận được đến từ các nước thành viên NATO như Ba Lan, Anh và Mỹ. Tuy nhiên, Ukraine hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ thực tế hơn từ NATO khi đây là tổ chức duy nhất đưa ra những đảm bảo an ninh hiệu quả nhằm đối phó với một quốc gia hạt nhân như Nga.
Chính quyền Kiev đã yêu cầu NATO cung cấp vũ khí trước chiến tranh, thiết lập vùng cấm bay khi chiến tranh xảy ra và yêu cầu NATO thông qua tư cách thành viên của Ukraine trong suốt quá trình đó nhưng "chúng tôi không nhận được câu trả lời nào", ông Zhovkva cho hay.
Nhiều thành viên NATO, trong đó có Mỹ lo ngại việc thiết lập vùng cấm bay sẽ dẫn tới cuộc đối đầu trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân. Trong khi đó, việc cung cấp tư cách thành viên cho Ukraine có thể khiến Nga có thêm lý do để củng cố mục tiêu của cuộc chiến là phản ứng trước sự mở rộng NATO và có thể dẫn đến căng thẳng leo thang nhanh chóng./.