Ukraine lợi dụng 'sương mù chiến tranh' khiến Nga rơi vào tình thế bị động?

Kể từ thời điểm Ukraine tuyên bố chuẩn bị tiến hành cuộc phản công nhằm đẩy lùi Nga ra khỏi lãnh thổ vào cuối mùa Xuân, quân đội nước này đã thực hiện một loạt hành động nhằm làm dày thêm màn 'sương mù chiến tranh', để che dấu kế hoạch của họ và khiến đối phương lo ngại.

"Sương mù chiến tranh" là một thuật ngữ quân sự do vị Tướng của Phổ, ông Carl Von Clausewitz đưa ra vào đầu thế kỷ 19. Cụm từ này ám chỉ việc các bên tham chiến đưa ra những tuyên bố mơ hồ về ý định hoặc mục tiêu của họ, khiến đối phương khó nắm bắt.

Định hình chiến dịch phản công

Mặc dù Ukraine vẫn “im hơi lặng tiếng” về cuộc phản công lớn nhằm đẩy lùi Nga ra khỏi lãnh thổ nhưng các cuộc giao tranh ác liệt tại một số khu vực trên chiến tuyến báo hiệu rằng chiến dịch này có thể đang được tiến hành.

Binh sĩ Ukraine nã pháo Pion vào các vị trí của Nga gần Bakhmut. Ảnh: AP

Binh sĩ Ukraine nã pháo Pion vào các vị trí của Nga gần Bakhmut. Ảnh: AP

Trong những tuần gần đây, Ukraine đã tăng cường pháo kích vào các cứ điểm của Nga, đồng thời ngăn chặn Moscow mở rộng việc kiểm soát các khu vực bên ngoài thành phố Bakhmut ở miền Đông. Một số nhóm bán quân sự được cho là liên hệ với các lực lượng Ukraine cũng tiến hành nhiều cuộc tấn công xuyên biên giới vào lãnh thổ Nga, trong đó có Belgorod.

Trước đó hôm 30/5 đã xảy ra một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào thủ đô Moscow. Vụ việc xảy ra chỉ vài tuần sau khi 2 UAV lao vào Điện Kremlin và bị bắn hạ. Giới chức Nga gọi đây là một cuộc tấn công khủng bố, còn Tổng thống Putin và Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm.

Giới phân tích mô tả những cuộc tấn công này như một phần của “việc định hình chiến dịch phản công”, với một loạt động thái nhằm thăm dò hệ thống phòng thủ của Nga, buộc Moscow phải dàn mỏng lực lượng và phân tán sự chú ý khỏi các khu vực mà Ukraine tập trung phản công.

Trái lại quân đội Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào sâu trong lãnh thổ Ukraine, sử dụng máy bay không người lái và tên lửa để phá hủy các cơ sở quân sự hoặc những mục tiêu của giá trị chiến lược của đối phương. Nga cho biết, các lực lượng nước này đã phá hủy hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất ở Kiev, tấn công trụ sở cơ quan tình báo, căn cứ không quân và kho vũ khí của Ukraine.

Một số chuyên gia quân sự Nga cho rằng, đây là nỗ lực của Moscow nhằm ngăn chặn hoặc làm chệch hướng cuộc phản công của Ukraine thông qua việc áp đảo hệ thống phòng đối phương, phá hủy các loại vũ khí và đạn dược mà phương Tây tiếp tế cho Kiev.

Can thiệp chiến dịch tuyên truyền

Cả Nga và Ukraine được cho là đã đánh lạc hướng và làm suy yếu lẫn nhau thông qua việc can thiệp chiến dịch tuyên truyền.

Hôm 5/6, Nga cáo buộc Ukraine đã tấn công mạng một số chương trình phát thanh, truyền hình ở Crimea để phát sóng lời cảnh báo của Ukraine về cuộc phản công.

Cùng ngày, Điện Kremlin cho biết, một số đài phát thanh của Nga ở vùng sát biên giới Ukraine bị tin tặc tấn công và phát đi thông điệp giả mạo Tổng thống Vladimir Putin. Thông điệp giả mạo nói rằng binh sĩ Ukraine đột kích vào một số vùng biên giới Nga gồm Kursk, Belgorod và Bryansk, buộc Moscow phải thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp, trong đó có ban bố thiết quân luật, tổng động viên và sơ tán dân. Theo giới chức Nga, các hành động này nhằm gây hoang mang cho người dân vùng biên giới của Nga.

Trong khi đó, Ukraine cáo buộc Nga tiến hành “chiến tranh hỗn hợp” (một chiến lược quân sự sử dụng chiến tranh chính trị đồng thời với chiến tranh thông thường, chiến tranh bất thường và chiến tranh mạng). Kiev cho rằng, tuyên bố của Nga về việc các lực lượng Ukraine đã thực hiện cuộc phản công lớn là “hoạt động thao túng tâm lý, để đánh lừa cộng đồng và khiến người dân Ukraine mất tinh thần”. Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak nêu rõ, Moscow đã “tham gia đẩy lùi một cuộc tấn công không tồn tại”.

Dấu hiệu báo trước cuộc phản công

Các nhà phân tích quân sự cho rằng Ukraine đã cố gắng che dấu ý định phản công bằng cách phát động nhiều cuộc tấn công vào một số khu vực trên tiền tuyến để đánh lạc hướng Nga và buộc đối phương phải phân tán nguồn lực.

Nhà phân tích quân sự người Ukraine Roman Svitan nhận định: “Giao tranh ở Zaporizhzhia và Donetsk, những vụ tập kích vào lãnh thổ Belgorod của Nga và các cuộc tấn công thường xuyên hơn vào kho chứa vũ khí, đạn dược ở hậu phương Nga đều là một phần trong quá trình chuẩn bị của Ukraine. Kiev đang tìm kiếm những điểm yếu của Nga và cố gắng mở rộng trận địa”.

Nhiều chuyên gia quân sự suy đoán Ukraine sẽ tìm cách chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga ở phía biển Azov để cắt đứt hành lang trên bộ tới Crimea được tạo ra sau khi Moscow giành quyền kiểm soát cảng trọng yếu Mariupol hồi tháng 5/2022.

Giới chức Nga cho rằng, các cuộc tấn công mới nhất mà Ukraine thực hiện ở khu vực phía Nam của Donetsk và Zaporizhzhia vào cuối tuần qua có thể là dấu hiệu cho thấy sự mở màn của một cuộc phản công. Theo một số nguồn tin, Ukraine đã triển khai một số lượng lớn xe tăng Leopard do Đức sản xuất tại khu vực đó.

Thách thức đối với Ukraine

Vẫn chưa rõ những cuộc giao tranh mới nhất này có đánh dấu sự khởi đầu của chiến dịch phản công mà Ukraine lên kế hoạch tử lâu hay không, nhưng theo giới quan sát cho rằng, Ukraine khó có khả năng tạo ra bước đột phá nhanh chóng.

Ông Richard Barrons – cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng Hỗn hợp Vương quốc Anh, lưu ý: “Cuộc phản công của Ukraine không giống như một trận đấu bóng đá. Ukraine sẽ không thể hoàn thành trong thời gian 90 phút, tính cả thời gian nghỉ giữa hiệp, trong một ngày nhất định. Họ đã có nhiều tháng tích lũy vũ khí đạn dược của NATO. Nhưng lượng vũ khí này có lẽ vẫn chưa đủ”.

Nhà phân tích này lưu ý, Nga đã có thời gian dài để thiết lập và củng cố hệ thống phòng thủ, với 3 lớp chiến hào cùng nhiều vị trí cố thủ cho phép xe tăng tiến lên và nhắm bắn các đơn vị tấn công của đối phương. Họ sẽ sử dụng hỏa lực pháo binh để bảo vệ các phòng tuyến đóng và lập kế hoạch đáp trả.

Ông Barrons cho rằng, Ukraine nhiều khả năng sẽ tập trung 9 lữ đoàn mới thành lập được trang bị vũ khí phương Tây để chọc thủng phòng tuyến của Nga ở một, hai hoặc 3 địa điểm nhất định, sau đó cố gắng giữ vững vị trí mà họ chiếm được. Cuộc phản công sẽ diễn ra trên mặt trận khá hẹp.

Nhưng khác với cuộc phản công vào mùa thu năm 2022, lần này quân đội Ukraine sẽ gặp nhiều thách thức hơn. “Ukraine phải đạt được những bước tiến lớn đủ để phương Tây thấy rằng sự hỗ trợ về quân sự và kinh tế của họ là đúng đắn. Nếu Kiev thất bại, sự ủng hộ của phương Tây có thể sụt giảm đáng kể. Trong trường hợp Ukraine thành công, họ vẫn không đủ khả năng đẩy lui hoàn toàn Nga ra khỏi lãnh thổ, trừ khi Nga quyết định rút lui. Nhưng Moscow chắc chắn sẽ không làm điều đó”, ông Barrons nhấn mạnh./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp) Theo AP

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ukraine-loi-dung-suong-mu-chien-tranh-khien-nga-roi-vao-tinh-the-bi-dong-post1024811.vov