Ukraine mở cuộc điều tra tham nhũng ở cấp cao nhất của ngành Tư pháp
Chính quyền Ukraine đang mở cuộc điều tra tham nhũng ở cấp cao nhất của ngành Tư pháp nước này khi Chủ tịch Tòa án tối cao đã bị bắt giữ. Đây có thể là vụ án hối lộ lớn nhất mà ngành Tư pháp Ukraine từng chứng kiến.
Vào ngày 16-5, Chủ tịch Tòa án Tối cao Vsevolod Kniaziev và một đại diện tòa án giấu tên khác đã bị Cục Chống tham nhũng quốc gia Ukraine (NABU) và Văn phòng Công tố viên chống tham nhũng chuyên trách của Ukraine (SAP) bị tuyên bố là có tội trong vụ tham nhũng lên tới 2,7 triệu USD. Cả hai đã bị bắt và phải đối mặt với án tù từ 8 đến 12 năm nếu bị kết tội.
Hàng triệu USD cho một phán quyết thuận lợi?
Theo Giám đốc NABU Semen Kryvonos, vụ việc có sự tham gia của các thẩm phán, lãnh đạo Tòa án Tối cao và các bên trung gian từ nhóm công ty tài chính và tín dụng thuộc sở hữu của tỷ phú kiêm cựu nghị sĩ Kostiantyn Zhevago, hiện đang ở nước ngoài. Trong quá trình điều tra, người ta phát hiện ra rằng, đoàn luật sư được sử dụng để che giấu các hoạt động tội phạm. Dưới chiêu bài dịch vụ pháp lý, các thành viên của nhóm đã sắp xếp với các thẩm phán về các phán quyết có lợi cho “khách hàng” để nhận một “phần thưởng” nhất định.
Giám đốc NABU Kryvonos cho biết, phiên tòa là tâm điểm điều tra dự kiến diễn ra vào ngày 15-3 đã bị hoãn lại để các bên đạt được các thỏa thuận. Các hòa giải viên đã thu 900.000 USD và đại diện của Tòa án Tối cao thu khoảng 1,8 triệu USD, tất cả đều từ ông Zhevago. Sau đó, vào ngày 19-4, Tòa án Tối cao đã đưa ra phán quyết có lợi cho doanh nhân nói trên, liên quan đến việc mua bán 40,19% cổ phần trong một tổ hợp khai mỏ ở vùng Poltava của Ukraine, thuộc sở hữu của ông Zhevago đối với Ferrexpo, nhà xuất khẩu quặng sắt lớn nhất nước này.
Vào ngày 3-5, các bên liên quan được cho là đã nhận được khoản tiền “hoa hồng” bất hợp pháp đầu tiên, đợt thứ hai vào ngày 15-5. “Lãnh đạo Tòa án Tối cao đã bị bắt quả tang”, Giám đốc NABU Kryvonos cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng, các nhà điều tra đã tìm thấy một số tiền đáng kể khi khám xét căn hộ, nhà và văn phòng của các nghi phạm. Các quan chức nhấn mạnh rằng, mặc dù cho đến nay mới chỉ có 2 người bị bắt, nhưng các thẩm phán khác có khả năng liên quan vẫn đang bị điều tra. Người đứng đầu SAP Oleksandr Klymenko cũng cho rằng, đường dây này có thể là một phần của mạng lưới tham nhũng thậm chí còn lớn hơn trong các tòa án.
Cải cách tư pháp là biện pháp cần thiết
Tòa án Tối cao đã triệu tập một cuộc họp khẩn ở Kiev vào ngày 16-5. Tại cuộc họp, các thẩm phán cho biết “bị sốc” trước cuộc điều tra. Họ cam kết sẽ hành động theo “nguyên tắc tự làm sạch” và thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết. Ngoài ra, 140 trong số 142 thẩm phán có mặt bày tỏ sự bất tín nhiệm đối với Chủ tịch Vsevolod Kniaziev, thông qua bỏ phiếu kín. Đến khi Chủ tịch mới được bầu, ông Dmytro Luspenchyk, thẩm phán có nhiệm kỳ dài nhất, sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình.
Ông Mykhailo Zhernakov, người đứng đầu Tổ chức DEJURE của Ukraine, một tổ chức dân sự thúc đẩy pháp quyền và cải cách trong hệ thống tư pháp cho biết, ông không cảm thấy ngạc nhiên khi vụ hối lộ trong Tòa án Tối cao vỡ lở. Ông Zhernakov cũng chỉ ra rằng, 12 trong số 18 thẩm phán bỏ phiếu ủng hộ phán quyết trong vụ án Zhevago hồi tháng 4 đã bị đánh giá tiêu cực về tính chính trực. “Tôi không muốn nói rằng tất cả 18 người thông qua phán quyết này đều tham nhũng. Nhưng để phán quyết được lái theo một hướng nhất định, bạn cần đa số phiếu ủng hộ”, ông nói thêm.
Trong khi đó, bà Kateryna Ryzhenko thuộc Tổ chức minh bạch quốc tế Ukraine tin rằng, vụ bắt giữ Chủ tịch Tòa án Tối cao là một đòn giáng nghiêm trọng đối với Ukraine về mặt cải cách tư pháp. Ukraine hy vọng được gia nhập cả NATO và Liên minh châu Âu, cả hai tổ chức này sẽ yêu cầu giảm đáng kể nạn tham nhũng ở Ukraine, vốn được xếp hạng khá thấp trên các chỉ số toàn cầu. Bản thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã tranh cử trên cương lĩnh cải cách và chống tham nhũng. Bà Ryzhenko cho biết thêm, vụ án một lần nữa cho thấy cải cách, đặc biệt là cải cách tư pháp, phải tiếp tục. Đây là điều mà xã hội trong nước và các đối tác nước ngoài mong đợi. “Nếu muốn nhận được các khoản tài chính quốc tế lớn để tái thiết, chúng tôi cần chứng minh rằng, ngành tư pháp có khả năng trừng phạt những kẻ tham lam lấy đi số tiền lớn trong khoản tiền viện trợ cho Ukraine”, bà Ryzhenko khẳng định.
Theo DW