Ukraine mong muốn thúc đẩy tiến trình hòa đàm với Nga

Mặc dù bác bỏ các điều khoản đàm phán hòa bình của Nga, nhưng Ukraine gần đây đã phát đi tín hiệu sẵn sàng đàm phán chấm dứt giao tranh và mong muốn thế giới thúc đẩy tiến trình hòa đàm giữa Nga và Ukraine.

Đàm phán hòa bình Nga - Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 3-2022

Đàm phán hòa bình Nga - Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 3-2022

Tái hiện mô hình Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Phát biểu với tờ Philadelphia Inquirer ngày 30-6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Kiev không loại trừ đàm phán hòa bình trong tương lai với Nga, nhưng các cuộc đối thoại chỉ có thể được tổ chức thông qua các bên trung gian. Theo ông Zelensky, hình thức được sử dụng để dẫn tới Thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen năm 2022 có thể hữu ích cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga.

Đây không phải là lần đầu tiên các quan chức cao cấp Ukraine đề cập đến khả năng đàm phán hòa bình với Nga. Trước đó, ngày 27-6, ông Zelensky nói rằng Kiev không muốn “kéo dài cuộc chiến” và không muốn nó “kéo dài trong nhiều năm”. Ông Zelensky nhấn mạnh: “Chúng tôi có nhiều người bị thương và thiệt mạng trên chiến trường. Chúng tôi phải đưa ra kế hoạch giải quyết trong vòng vài tháng”. Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Igor Zhovkva cũng cho biết, nước này muốn “hòa bình càng sớm càng tốt” và hy vọng hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai sẽ được tổ chức vào cuối năm nay .

Đề cập đến mô hình cho một giải pháp tiềm năng với Nga, ông Zelensky cho biết thỏa thuận được Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc làm trung gian 2 năm trước, cho phép thiết lập một hành lang cho xuất khẩu nông sản từ các cảng của Ukraine, có thể là cơ sở tham chiếu cho quá trình này. Theo Tổng thống Zelensky, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc đã ký các thỏa thuận riêng với Ukraine và Nga và thỏa thuận đã thành công. Lưu ý thêm rằng hành lang ngũ cốc khi đó đã tồn tại “đủ lâu”, ông Zelensky cho rằng các thỏa thuận về “toàn vẹn lãnh thổ, năng lượng và tự do hàng hải” có thể được ký kết giữa Nga và Ukraine theo cùng một định dạng như vậy.

Liên quan đến các quốc gia có thể được mời làm trung gian cho các cuộc đàm phán, ông Zelensky cho rằng: “Không ai được nói rằng quá trình này chỉ có châu Âu và Mỹ”, đồng thời nhấn mạnh rằng các quốc gia từ châu Á, châu Phi và Nam Mỹ cũng nên tham gia và giúp chuẩn bị các tài liệu đề xuất hòa bình giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, ông khẳng định phương Tây cần tìm mọi cách để buộc Nga đàm phán theo hướng có lợi cho Ukraine. Hồi cuối tháng 5-2024, trong chuyến thăm Tây Ban Nha, ông Zelensky kêu gọi các nước đồng minh “cưỡng ép về an ninh hoặc các biện pháp hữu hình khác để buộc Nga đi đến hòa bình bằng mọi giá”.

Tháng 3-2022, Nga và Ukraine đã từng ngồi đàm phán dưới sự trung gian hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ. Đã có 4 vòng đàm phán diễn ra nhưng đến tháng 5 thì đàm phán đổ vỡ mà nguyên nhân như Nga cáo buộc là do có sự tác động từ phía Mỹ và phương Tây. Tháng 10-2022, ông Zelensky đã ký một sắc lệnh cấm đàm phán với Matxcơva chừng nào Tổng thống Nga Vladimir Putin còn nắm quyền. Quyết định này là phản ứng của Ukraine trước việc Nga chính thức sáp nhập các vùng Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia sau khi những vùng này tổ chức trưng cầu dân ý hồi tháng 9-2022.

Mô hình đàm phán khả thi với Nga được Tổng thống Ukraine Zelensky đưa ra trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine diễn ra tại Thụy Sĩ hồi tháng 6 vừa qua không đem lại bất cứ kết quả khả quan nào. Sự tham gia của quốc tế là rất hời hợt, thiếu sinh khí. Cụ thể, chỉ có sự tham dự của 92 trong tổng số 160 quốc gia và tổ chức quốc tế được mời. Thông cáo cuối cùng của hội nghị cũng thấp hơn kỳ vọng, cả về nội dung lẫn bên ký tên. Sau 2 ngày nhóm họp, chỉ có 80 quốc gia ký tuyên bố chung. Một số quốc gia quan trọng tham dự hội nghị như Ấn Độ, Arab Saudi, Nam Phi, Brazil đã không ký tuyên bố chung.

Triển vọng nối lại đàm phán hòa bình khá mờ nhạt

Tuyên bố của Tổng thống Ukraine Zelensky về mô hình đàm phán khả thi với Nga đang được dư luận thế giới rất quan tâm nhưng đáng tiếc là hiện nay, triển vọng nối lại đàm phán hòa bình Nga - Ukraine khá mờ nhạt bởi quan điểm của Matxcơva và Kiev vẫn đối đầu như nước với lửa. Cho đến nay, Ukraine vẫn duy trì công thức hòa bình mà ông Zelensky đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11-2022, trong đó có đòi hỏi Nga rút quân, chấm dứt chiến sự, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, lập một tòa án đặc biệt để xét xử các tội ác chiến tranh.

Trong khi đó, Matxcơva khẳng định sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán nhưng chỉ khi “Kiev từ bỏ yêu sách đối với các vùng lãnh thổ mà Nga đã giành quyền kiểm soát trong cuộc xung đột”. Theo Nga, để nối lại hòa đàm, Ukraine còn phải hủy bỏ sắc lệnh cấm đàm phán với Tổng thống Putin. Gần đây nhất là ngày 13-6, Tổng thống Putin đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực

Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Putin cũng kêu gọi Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập NATO. Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả đề xuất của Matxcơva là tối hậu thư, trong khi cố vấn của ông Zelensky, Mikhail Podolyak, nói rằng các sáng kiến mới của Nga “không có đề xuất hòa bình thực sự”.

Ngoài các đề xuất hòa bình của Nga và Ukraine, nhiều nước và tổ chức quốc tế cũng đưa ra các sáng kiến hòa bình cho xung đột Nga - Ukraine. Cho đến nay, có ít nhất 7 đề xuất của các bên thứ 3 đã được đưa ra, trong đó có đề xuất của một nhóm các nước châu Phi vào tháng 6-2023, đề xuất của Saudi Arabia vào tháng 8-2023. Gần đây, Trung Quốc và Brazil cũng có thêm một đề xuất chung. Sáng kiến hòa bình châu Phi gồm 10 điểm khá cụ thể, như kêu gọi các bên đạt được hòa bình thông qua đàm phán càng sớm càng tốt, cũng như giảm leo thang xung đột, đảm bảo chủ quyền của các quốc gia và dân tộc theo Hiến chương Liên hợp quốc, cùng với việc đảm bảo an ninh cho tất cả các quốc gia. Bên cạnh đó là tổ chức cung cấp thực phẩm và phân bón cho cả Nga và Ukraine.

Tất cả những đề xuất nêu trên chủ yếu tập trung vào mục tiêu đạt được một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, Ukraine và các đối tác phương Tây xem việc đình chiến vào lúc này là có lợi cho Nga vì lệnh ngừng bắn sẽ đóng băng xung đột vũ trang trong trạng thái hiện nay và tạm thời chấp nhận những thành quả của Nga trên thực địa, bao gồm cả việc sáp nhập Crimea vào năm 2014. Ukraine và các đồng minh phương Tây kiên quyết cho rằng kế hoạch hòa bình của Tổng thống Zelensky là phương án duy nhất có thể đưa ra bàn thảo. Điều này mặc định ngăn cản bất cứ việc thảo luận nào với các đề xuất của các bên thứ 3. Với việc Nga và Ukraine đã bước vào năm thứ ba của cuộc xung đột, không có con đường rõ ràng nào dẫn đến chiến thắng quân sự cho cả hai bên. Cũng không có triển vọng ngay lập tức về một lệnh ngừng bắn và một kế hoạch hòa bình cuối cùng khi cả hai bên vẫn giữ quan điểm không thể hòa giải, với nhiều điểm nghẽn khó có thể vượt qua.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ukraine-mong-muon-thuc-day-tien-trinh-hoa-dam-voi-nga-post581505.antd