Ukraine muốn có thêm tên lửa chuẩn bị phản công, Nga nói về đạn uranium nghèo
Ukraine sẽ đề nghị phương Tây cung cấp thêm tên lửa đất đối không để chuẩn bị tiến hành đợt phản công chống lại quân đội Nga.
Hôm 19/4, tờ Financial Times dẫn 3 nguồn tin cho hay đề xuất của Ukraine sẽ được đưa ra trong cuộc họp do Mỹ chủ trì để bàn về hoạt động cung cấp vũ khí cho Kiev diễn ra ở Căn cứ Không quân Ramstein tại Đức vào ngày 21/4.
Giới chức Ukraine trước đây từng nói rằng sự thành công và thời gian tiến hành phản công chống lại các lực lượng Nga sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc cung cấp thiết bị quân sự từ phương Tây.
“Phòng không tầm ngắn hiện là chủ đề ngày càng được Ukraine quan tâm”, một quan chức châu Âu nói với Financial Times.
Cũng theo Financial Times, một tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị rò rỉ trên mạng xã hội đã đánh giá khả năng của Ukraine trong việc bảo vệ các lực lượng của mình khỏi những cuộc tấn công từ trên không sẽ bị “suy giảm hoàn toàn” vào ngày 23/5. Theo nội dung tài liệu, Ukraine có thể hết đạn dùng cho “5 hệ thống phòng không quan trọng”.
Trong khi đó, các quốc gia thành viên NATO đã nhận được thông tin tình báo cho biết Nga đang tập trung nhiều máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công dọc chiến tuyến với Ukraine.
Phương Tây đã gửi cho Ukraine nhiều hệ thống phòng không khác nhau gồm tên lửa vác vai Stringer. Trong tuần này, Đức thông báo một hệ thống Patriot tiên tiến hơn do Mỹ sản xuất cũng đã được chuyển giao cho Ukraine.
Đạn uranium nghèo là “điều khủng khiếp” với Ukraine
Chia sẻ với hãng tin RT hôm 19/4, Đại sứ Nga tại Anh Andrey Kelin nhận định quyết định của London cung cấp cho Kiev đạn uranium nghèo (DU) sẽ khiến người dân Ukraine chịu ảnh hưởng nhiều nhất, bởi họ sẽ phải sống với hậu quả của thứ kim loại độc hại này suốt nhiều thế hệ.
Ngoài viện trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine, chính phủ Anh đã hứa cung cấp đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo, và đã huấn luyện cho một số binh sĩ Ukraine cách sử dụng loại đạn này.
Đại sứ Kelin nói rằng, ông vẫn sẽ “tiếp tục giải thích” về tác hại của loại đạn này bao gồm sự gia tăng của tỷ lệ mắc bệnh ung thư, dị tật bẩm sinh, ô nhiễm nguồn nước và đất “trong ít nhất là 6 thế hệ”.
“Đây là một điều khủng khiếp, và nếu nó xảy ra ở Ukraine, nó sẽ gây rắc rối lớn cho ngành nông nghiệp, cho người dân đang sinh sống ở đó”, ông Kelin nói.
Ông Kelin cho rằng có rất ít khả năng London sẽ thay đổi quyết định, bởi điều này có nghĩa là Anh thừa nhận sai lầm.