Ukraine muốn đảm bảo an ninh nào từ NATO khi hạn chót cận kề?
Sẽ không có lời mời phù hợp nào về gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho Ukraine chừng nào nước này vẫn còn xung đột với Nga.
Ukraine đang tìm kiếm các đảm bảo an ninh có tính ràng buộc để đảm bảo sự tồn tại lâu dài của nước này. Tuy nhiên, các nước thành viên NATO vẫn chưa sẵn sàng để làm điều đó.
Bất chấp nhiều tháng thảo luận về chủ đề này, liên minh phương Tây vẫn bị chia rẽ về gần như mọi yếu tố liên quan đến “lời cầu xin” gia nhập NATO của Ukraine, trang Politico cho biết, dẫn nguồn 5 nhà ngoại giao châu Âu.
Còn tồn tại nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề này, chẳng hạn như NATO – liên minh quân sự mà Ukraine đang muốn gia nhập – có nên bắt đầu đàm phán về điều này hay không? Các cường quốc quân sự lớn nhất thế giới có nên “đánh lẻ” trong việc cung cấp các cam kết cho Kiev hay không? Và thậm chí nhiều người cũng tự hỏi thế nào mới được gọi là một “đảm bảo an ninh”?
Các nhà ngoại giao nói với Politico rằng tất cả những câu hỏi trên vẫn còn bỏ ngỏ, trong khi chỉ còn 5 tuần nữa là lãnh đạo cấp cao của các quốc gia thành viên NATO sẽ tề tựu ở thủ đô Vilnius của Litva.
Nga – vốn coi việc mở rộng về phía Đông của NATO là mối đe dọa an ninh lớn – đã chỉ ra rằng việc Kiev thúc đẩy gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt là một trong những lý do chính để họ phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine gần 16 tháng trước.
Hạn chót
Ukraine đã đặt Hội nghị Thượng đỉnh NATO, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới, như là một hạn chót, thúc đẩy các đồng minh đưa ra các cam kết rõ ràng tại cuộc họp về lời mời gia nhập cho Ukraine và đảm bảo an ninh trên đường Ukraine trở thành thành viên của liên minh này.
“Ukraine là quốc gia có kinh nghiệm nhất trên thế giới trong việc nghe từ Không từ NATO”, Phó Thủ tướng Ukraine về Hội nhập châu Âu Olha Stefanishyna than thở, đồng thời nói thẳng: “Chúng tôi cần sự rõ ràng rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine là tất yếu và sẽ không phải là một con bài mặc cả nào đó”.
Trên tinh thần trên, Ba Lan – láng giềng và đồng minh thân cận của Ukraine – thúc giục liên minh mà Warsaw đang là một thành viên mang lại “ánh sáng cuối đường hầm” cho Kiev.
“Ukraine đang chờ tín hiệu rõ ràng về viễn cảnh rõ ràng để trở thành thành viên của NATO, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết hôm 12/6. “Tôi hy vọng rằng Hội nghị Thượng đỉnh NATO sắp tới ở Vilnius sẽ mang lại tin tốt cho Kiev rằng tư cách thành viên NATO trong tương lai của Ukraine có thể nhìn thấy rõ ràng, rằng có ánh sáng cuối đường hầm”.
Phát biểu bên cạnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Hội nghị Thượng đỉnh Tam giác Weimar ở Paris, ông Duda nói thêm: “Đó là điều tôi đã nghe được ở Ukraine, điều mà người dân Ukraine muốn thấy sau cùng khi nói đến tư cách thành viên NATO. Và luồng ánh sáng này sẽ xuất hiện nhờ các quyết định mà chúng ta sẽ đưa ra ở Vilnius.
Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên NATO đều muốn Ukraine gia nhập khối quân sự do Mỹ dẫn dắt. Ông Igor Zhovkva, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết trên Facebook hôm 9/6 rằng đất nước ông đã nhận được cam kết ủng hộ bằng văn bản từ 20 trong tổng số 31 quốc gia thành viên NATO. Điều này có nghĩa là 11 quốc gia thành viên cho đến nay vẫn từ chối ủng hộ đơn xin gia nhập của Kiev.
Theo vị quan chức Ukraine, đó là “một giai đoạn chuẩn bị khác cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO thành công ở Vilnius vào tháng 7” đối với Ukraine.
Đầu tuần này, Đặc phái viên của Mỹ tại NATO Julianne Smith nói với Politico rằng “một lời mời phù hợp” về gia nhập NATO cho Ukraine là “khó xảy ra” chừng nào Kiev vẫn còn xung đột với Moscow.
Tuy nhiên, bà Smith chỉ ra rằng trong cuộc họp sắp tới tại thủ đô của Litva, liên minh này vẫn muốn gửi thông điệp tới Kiev rằng họ quyết tâm tiếp tục giúp đỡ Ukraine trong dài hạn. Có một loạt các tùy chọn để NATO làm như vậy, nhà ngoại giao Mỹ bổ sung.
Các tùy chọn
Trong thời gian gần đây, một số nhà lãnh đạo phương Tây ít nhất đã đề cập đến nhu cầu đảm bảo an ninh, nhưng chưa đưa ra hành động cụ thể nào.
Ví dụ, Tổng thống Pháp Macron ủng hộ “điều gì đó giữa đảm bảo an ninh kiểu Israel và tư cách thành viên chính thức của NATO”, ám chỉ cách các đồng minh đã tận tình cung cấp viện trợ quân sự cho Israel trong nhiều năm. Còn Thủ tướng Anh Rishi Sunak tiếp tục tô đậm cam kết mơ hồ của mình bằng cách nói rằng các đồng minh “muốn đảm bảo đưa ra các thỏa thuận an ninh cho Ukraine trong dài hạn”.
Nhưng một số quan chức thừa nhận không có sự đồng thuận nào về việc đưa ra các đảm bảo an ninh, cũng như về những gì chúng sẽ mang lại và hình thức nào có thể được sử dụng.
“Một đầu là đảm bảo an ninh dành cho thành viên đầy đủ của NATO: Điều 5 – Điều khoản nổi tiếng nhất trong Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể, với việc một cuộc tấn công chống lại một đồng minh được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các đồng minh”, ông Camille Grand, cựu Phó Tổng thư ký NATO, cho biết.
Đầu còn lại là “đảm bảo trên giấy tờ”, ông Camille nói tiếp, chẳng hạn như Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 mang lại cho Ukraine những bảo đảm lỏng lẻo từ Nga, Mỹ và Anh.
Và ở giữa hai đầu này có rất nhiều “biến thể” – từ các hiệp ước song phương đến các cam kết chính trị trên thực tế, và thách thức là tìm ra tùy chọn phù hợp nhất.
Trong số các tùy chọn còn có “Hiệp ước An ninh Kiev” – một khái niệm mà Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phát triển cùng với cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen. Theo kế hoạch trên, một nhóm đồng minh cốt lõi sẽ đưa ra các cam kết ràng buộc nhằm củng cố hệ thống phòng thủ của Ukraine trong nhiều năm tới bằng cả viện trợ quân sự và phi quân sự.
Ngoài ra, một nhóm các cựu quan chức quốc phòng cấp cao phương Tây và các học giả cũng đã đưa ra một ý tưởng tập trung vào sự hợp tác lâu dài và giúp Ukraine nhanh chóng mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng của mình.
Nó sẽ “tương tự như cam kết quốc phòng của Mỹ đối với Israel”, ông Alexander Vershbow, một cựu quan chức cấp cao của Mỹ, người cũng từng là Phó Tổng thư ký NATO, cho biết. Và nó sẽ được coi như một thỏa thuận “tạm thời” cho đến khi Ukraine chính thức gia nhập NATO, ông Vershbow cho biết thêm tại một hội nghị ở Brussels hôm 6/6.
Tuy nhiên, các quan chức nói rằng khi các chính trị gia bây giờ nói về “các đảm bảo”, về cơ bản nghĩa là họ đang nói về những cam kết duy trì cung cấp vũ khí và đào tạo – chứ không phải những lời hứa cụ thể về phòng thủ cho Ukraine.
Tất nhiên, những hứa hẹn về nhiều vũ khí hơn không phải là điều chính chuyền ở Kiev mong muốn. Thay vào đó, Phó Thủ tướng Ukraine Stefanishyna chỉ rõ rằng Ukraine muốn một điều gì đó giống như các cam kết quân sự mà Phần Lan và Thụy Điển đã nhận được kể từ khi họ nộp hồ xin gia nhập NATO hồi tháng 5 năm ngoái.
“Chúng tôi cần đảm bảo an ninh rõ ràng như ví dụ của Phần Lan và Thụy Điển”, bà Stefanishyna nói. Và những đảm bảo đó, nên áp dụng “cho giai đoạn chuyển tiếp trước khi Ukraine thực sự gia nhập NATO, trước khi Điều 5 về phòng thủ tập thể được áp dụng cho chúng tôi”, bà Stefanishyna bổ sung.
Minh Đức (Theo Politico, TVN24, RT)