Ukraine muốn đưa Chernobyl vào danh sách di sản thế giới

Một nhà máy điện hạt nhân được bao quanh bởi những đống đổ nát và các tòa nhà bỏ hoang không phải là hình ảnh về một di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận. Tuy nhiên, Ukraine đang cố gắng đưa Chernobyl vào danh sách bảo vệ của tổ chức này.

Khung cảnh hoang tàn gần nhà máy hạt nhân Chernobyl ở thị trấn Pripyat. Ảnh: Reuters

Theo Bộ trưởng Văn hóa Ukraine Oleksandr Tkachenko, việc đưa Chernobyl vào danh sách di sản của UNESCO là bước đầu tiên và quan trọng để địa điểm này trở thành một điểm đến độc đáo được cả nhân loại quan tâm. Tầm quan trọng của Chernobyl vượt xa biên giới Ukraine, không chỉ để tưởng nhớ mà còn liên quan đến lịch sử.

Bộ trưởng Oleksandr Tkachenko cho biết, trước khi gửi đơn lên Liên hợp quốc, các địa điểm mong muốn được UNESCO bảo vệ phải được đưa vào danh sách di sản lịch sử và văn hóa quốc gia. Do đó, Bộ Văn hóa Ukraine gần đây đã quyết định đưa một ra-đa quân sự được xây dựng gần thành phố Chernobyl trong những năm 1970 vào danh sách này và cũng đang thảo luận về kế hoạch tương tự đối với Chernobyl Exclusion Zone - vùng cấm có phạm vi bán kính 30km tính từ tâm là các lò phản ứng hạt nhân.

Phần lớn khu vực xung quanh nhà máy hạt nhân bị bỏ hoang với những tòa nhà đổ nát. Tất cả tòa nhà ở Pripyat, một thị trấn từng là nơi sinh sống của 50.000 người chủ yếu làm việc tại nhà máy, đang cần được sửa chữa.

Bộ trưởng Oleksandr Tkachenko đồng thời kỳ vọng, Chernobyl, nơi đã trở thành một địa điểm phổ biến đối với khách du lịch ưa mạo hiểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, sẽ bắt đầu thu hút du khách trở lại. Vào năm 2019, bộ phim truyền hình “Chernobyl” của HBO đã khiến du khách đến đây tăng vọt, lên đến 120.000 người.

Ngày 26-4 sắp tới, Ukraine sẽ kỷ niệm 35 năm thảm họa hạt nhân Chernobyl. Sự cố nghiêm trọng xảy ra năm 1986, khi một lò phản ứng tại nhà máy đã phát nổ, gây ra các đám mây phóng xạ lan rộng khắp châu Âu và buộc hàng chục nghìn người phải sơ tán.

Vụ việc làm 31 công nhân và lính cứu hỏa thiệt mạng, khiến hàng nghìn người khác phải chống chọi với những căn bệnh liên quan đến bức xạ, như ung thư. Đến nay, tổng số người thiệt mạng và bị ảnh hưởng sức khỏe lâu dài vẫn là chủ đề của những cuộc tranh luận gay gắt.

Thương Nguyệt

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chuyen-la/997089/ukraine-muon-dua-chernobyl-vao-danh-sach-di-san-the-gioi