Ukraine muốn sửa hiến pháp để nước ngoài đặt căn cứ, Mỹ phản ứng vụ cầu Crưm
Ukraine muốn sửa đổi hiến pháp để cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự. Mỹ từ chối bình luận liệu Ukraine có đứng sau vụ tập kích cầu Crưm hay không.
Theo RT, trong ngày 17/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov cho biết, điều khoản quy định trong hiến pháp về việc không cho phép triển khai các căn cứ quân sự nước ngoài ở nước này đã trở nên lỗi thời. Ông Reznikov đã đề nghị loại bỏ điều khoản này khỏi điều 17 của Hiến pháp Ukraine.
"Điều khoản không cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài đã lỗi thời. Dĩ nhiên, trong trường hợp cần thiết, chúng ta có thể sử dụng một số tên gọi phù hợp về mặt pháp lý như 'trung tâm hợp tác và trao đổi kinh nghiệm'. Nhưng tại sao phải làm như vậy? Cách tốt nhất là loại bỏ các hạn chế này", ông Reznikov nói.
Bên cạnh đó, ông Reznikov cũng muốn bổ sung điều khoản cho phép Ukraine "độc lập lựa chọn các cơ chế đảm bảo an ninh, bao gồm cả việc tham gia các hiệp ước và tổ chức quốc tế".
Mỹ phản ứng về vụ tập kích cầu Crưm
Theo Guardian, trong ngày 17/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington vẫn đang theo dõi sát sao vụ việc cầu Crưm bị tập kích. Tuy nhiên, ông Blinken từ chối bình luận liệu Kiev có đứng sau vụ việc hay không.
"Chúng tôi đang theo dõi tình hình, tôi không có thông tin cụ thể gì để cung cấp ở thời điểm này. Theo ý kiến của tôi, Ukraine phải tự quyết định cách bảo vệ lãnh thổ và người dân của mình", ông Blinken nói.
Trong tuyên bố được đưa ra cùng ngày, ông Blinken cũng chỉ trích việc Nga tạm thời rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen. Ngoại trưởng Mỹ cho biết, Washington và một số bên sẽ thảo luận về một số phương pháp thay thế, nhưng thừa nhận việc này không hề dễ dàng.
Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ nhanh chóng đáp trả vụ tập kích cầu Crưm. Chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh, vụ việc là một "hành động tàn ác nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự", bởi cầu Crưm từ lâu đã không còn được sử dụng cho mục đích quân sự.