Các hệ thống phòng không NASAMS theo thông báo đã đến lãnh thổ Ukraine, nhưng cho tới nay vẫn chưa có tên lửa đánh chặn đi kèm, điều này đặt ra khá nhiều câu hỏi cần được giải đáp.
Các nguồn tin tại Ukraine cho biết vào hôm 7/8, hệ thống phòng không NASAMS đầu tiên đã được đối tác NATO cung cấp cho quốc gia Đông Âu này. Tổ hợp bắt đầu được triển khai ở thủ đô Kyiv và một số khu vực khác.
Mỹ thông bado rằng các tên lửa dành cho hệ thống phòng không sẽ được chuyển giao trong tương lai gần, điều này ngụ ý rằng vũ khí trên thực sự đã đến Ukraine.
Theo thông báo, ban đầu Ukraine dự định sẽ triển khai hệ thống phòng không NASAMS dành riêng cho việc bảo vệ thủ đô Kyiv, tuy nhiên sau đó có tin tức cho rằng các tổ hợp sẽ còn bao phủ cả miền Trung và miền Tây.
Những khu vực triển khai cụ thể đối với NASAMS không được tiết lộ một cách rõ ràng. Đây là điều dễ hiểu bởi Ukraine cần đảm bảo tính bí mật nhằm gây bất ngờ cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
Trong cuộc họp báo mới nhất do người phát ngôn Lầu Năm Góc chủ trì, đã có thông báo lô hàng vũ khí mới cho Ukraine sẽ bao gồm nhiều tên lửa phòng không dẫn đường cho hệ thống NASAMS.
Điều này có nghĩa là vũ khí trên sẽ bắt đầu được sử dụng sớm nhất trong khoảng nửa sau tháng 8. Hiện tại các kíp chiến đấu của Ukraine đã hoàn thành quá trình huấn luyện, nghĩa là họ có thể lập tức làm nhiệm vụ chiến đấu sau khi nhận vũ khí.
Hiện tại đã có thông báo chính thức rằng 2 tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung NASAMS sẽ đến Ukraine, tùy thuộc vào biến thể của hệ thống mà số bệ phóng đi kèm sẽ là 6 đơn vị, hoặc nhiều hơn.
Theo phân công từ trước, bệ phóng cùng với radar dẫn bắn do Na Uy sản xuất sẽ được gửi trước tới Ukraine, còn Mỹ đảm nhiệm phần việc có giá trị lớn nhất, đó là cung cấp đạn tên lửa đánh chặn trong gói viện trợ trị giá 1 tỷ USD vừa công bố.
Trong lúc này, một câu hỏi được đặt ra đó là tại sao phần lớn khoản tiền viện trợ lên tới 1 tỷ USD lại chỉ đủ dùng để mua sắm các loại đạn tên lửa dành hệ thống NASAMS và chỉ còn dư một chút để phân bổ cho GMLRS của HIMARS?
Nhưng câu trả lời đã nhanh chóng được đưa ra, nếu xem xét giá trị các loại đạn tên lửa công nghệ cao và tần suất sử dụng chúng trong cuộc xung đột thì dễ dàng nhận thấy con số này không hề quá đáng.
Ví dụ, Ukraine đang chờ đợi 2 hệ thống NASAMS, nếu lấy thành phần tiêu chuẩn của một khẩu đội phòng không với 3 bệ phóng, mỗi bệ mang 6 tên lửa, thì cần tới 36 quả AIM-120 chỉ để trang bị đủ cho 2 tổ hợp.
Cơ số đạn bổ sung tối thiểu là 108 tên lửa để duy trì tác chiến lâu dài, như vậy tổng cộng Ukraine cần tới 144 quả AIM-120. Số lượng trên không quá lớn, nhưng thực tế là giá thành của loại đạn này không hề dễ chịu một chút nào.
Có thể tìm hiểu mức giá căn cứ hợp đồng nhà sản xuất ký với Hungary từ năm 2020, trong đó giá thành của những tên lửa công nghệ cao do Mỹ sản xuất đã được mô tả một cách rất chi tiết.
Theo đó, 60 tên lửa AIM-120C-7/C-8 AMRAAM-ER (2 tên lửa nữa để dự phòng) trị giá 230 triệu USD. Tức là 3,8 triệu USD cho một tên lửa chiến đấu. Như vậy 144 tên lửa phòng không cho NASAMS tiêu tốn tới 547 triệu USD, con số còn lớn hơn nữa nếu mỗi khẩu đội có nhiều hơn 3 bệ phóng.
Bạch Dương