Ukraine nói lực lượng Triều Tiên rút khỏi tiền tuyến ở Kursk vì chịu thương vong nặng nề
Một quan chức quân sự Ukraine cho biết, lực lượng Triều Tiên đã không xuất hiện trên tiền tuyến ở tỉnh Kursk của Nga suốt nhiều tuần sau khi có báo cáo về thương vong nặng nề.
“Sự hiện diện của quân đội Triều Tiên đã không được ghi nhận trong khoảng ba tuần. Họ có thể đã buộc phải rút lui sau khi chịu tổn thất nặng nề”, một phát ngôn viên của lực lượng tác chiến đặc biệt Ukraine - Đại tá Oleksandr Kindratenko - nói với CNN.
Theo cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak, tình trạng này được ghi nhận sau khi có báo cáo rằng một số đơn vị Triều Tiên đã được rút khỏi tiền tuyến vì hứng chịu tổn thất đáng kể.
Trước đó, truyền thông phương Tây cho biết, khoảng 12.000 binh sĩ Triều Tiên đã được điều đến Nga. Trong đó, khoảng 4.000 binh sĩ đã thiệt mạng hoặc bị thương.
Lực lượng Triều Tiên được cho là đã đến Kursk ít nhất từ tháng 11 để cùng quân đội Nga đối phó với lực lượng Ukraine.
“Chúng tôi vẫn ở tỉnh Kursk, lực lượng Nga không đủ để đẩy chúng tôi ra", Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu tuần trước tại Davos (Thụy Sĩ). Ông Zelensky lưu ý rằng có 60.000 binh sĩ Nga ở Kursk và 12.000 binh sĩ Triều Tiên. Ông Zelensky cũng cho biết, 1/3 số binh sĩ Triều Tiên đã thiệt mạng.
Một chỉ huy của trung đoàn đặc nhiệm số 6 nói với CNN rằng mặc dù những người lính Triều Tiên "đều là những binh sĩ trẻ, được huấn luyện và khỏe mạnh", nhưng trước đây họ chưa từng phải đối mặt với máy bay không người lái trong chiến đấu.
Dù vậy, một quân nhân Ukraine khác thừa nhận, quân đội Triều Tiên đã thể hiện khả năng bắn tỉa tốt khi bắn hạ máy bay không người lái từ khoảng cách 100 m, cho thấy trình độ huấn luyện cao ở Triều Tiên.
Ukraine gần đây đã có những tiến triển ở Kursk, theo bản cập nhật từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW). Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết vào đầu tuần này rằng các lực lượng Nga đã giành lại làng Nikolayevo-Daryino thuộc tỉnh Kursk, nằm trên biên giới Nga - Ukraine.
Cả Mátxcơva và Bình Nhưỡng đều chưa chính thức thừa nhận sự hiện diện của quân đội Triều Tiên tại Nga.
Năm ngoái, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một hiệp ước quốc phòng mang tính bước ngoặt, cam kết sử dụng mọi phương tiện có sẵn để cung cấp hỗ trợ quân sự ngay lập tức trong trường hợp bên kia bị tấn công.
Hiệp ước này là thỏa thuận quan trọng nhất của Nga và Triều Tiên trong nhiều thập kỷ, và được coi là sự hồi sinh cam kết phòng thủ chung thời Chiến tranh Lạnh năm 1961 của hai nước.