Ukraine nói sắp không trụ được nếu Nga tiếp tục tập kích tên lửa quy mô lớn

Phát ngôn viên không quân Ukraine kêu gọi phương Tây hỗ trợ đạn tên lửa phòng không với tần suất thường xuyên để có thể duy trì năng lực ngăn chặn các cuộc tập kích tên lửa tầm xa của Nga.

Patriot là hệ thống phòng không hiện đại nhất được Mỹ cung cấp cho Ukraine. Mỗi quả tên lửa đánh chặn của hệ thống này có giá lên tới 4,1 triệu USD.

Theo tờ Ukrainska Pravda, Yurii Ihnat, phát ngôn viên không quân Ukraine, hôm 4/1 nói Kiev chỉ còn đủ đạn tên lửa phòng không, đặc biệt đạn tên lửa cho các hệ thống Patriot để "chống đỡ thêm một vài cuộc tập kích quy mô lớn của Nga".

Đạn tên lửa phòng không tương đối khan hiếm ở Ukraine. Trong gần 2 năm xung đột, Ukraine gần như không thể sản xuất đạn tên lửa mà phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp từ phương Tây.

Ônig Ihnat giải thích, Kiev không thể trữ một lượng lớn đạn tên lửa do phương Tây cung cấp ở các nhà kho vì luôn có nguy cơ Nga phát hiện, giáng đòn tập kích.

Theo ông Ihnat, giải pháp khả dĩ là các đồng minh phương Tây cung cấp đạn tên lửa phòng không một cách liên tục mỗi ngày dựa trên mức độ sử dụng của không quân Ukraine.

"Đối phương đang thể hiện rõ ý đồ muốn làm kiệt quệ năng lực phòng không của Ukraine, khiến chúng tôi tiêu hao đạn dược bằng các cuộc tập kích quy mô lớn. Đối phương làm điều đó mỗi ngày, cả ngày lẫn đêm", ông Ihnat nói.

"Chúng tôi hiện vẫn đang chống đỡ tốt. Nhưng tôi muốn nhắc các đồng minh phương Tây rằng Kiev chỉ còn đủ tên lửa để chống đỡ thêm vài cuộc tấn công như vậy", ông Ihnat nhấn mạnh.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói Nga đã phóng ít nhất 500 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào nhiều thành phố ở Ukraine kể từ ngày 29/12/2023 - 3/1/2024. Đợt tập kích lớn nhất diễn ra hôm 29/12 với 158 tên lửa các loại và UAV.

Bộ Quốc phòng Nga nói mục tiêu trong các đợt tập kích là cơ sở quân sự, kho vũ khí, nhà máy sản xuất tên lửa và UAV ở Ukraine.

Yurii Ihnat, phát ngôn viên không quân Ukraine.

Theo các chuyên gia, mục đích thực sự trong loạt cuộc tập kích của Nga không đơn giản là như vậy. "Các cuộc tập kích nhằm thử sức mạng lưới phòng không mà Ukraine đã xây dựng trong nhiều tháng", Mick Ryan, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.

So với năm 2022, năng lực phòng không của Ukraine đã được cải thiện đáng kể nhờ các hệ thống phòng không phương Tây cung cấp như Patriot của Mỹ, Iris-T của Đức và NASAMS do Na Uy hợp tác phát triển cùng Mỹ.

Theo cựu tướng quân đội Úc Mick Ryan, ngoài việc thử khả năng đánh chặn, Nga cũng muốn "khiến năng lực phòng không của Ukraine kiệt quệ". Đây là lý do Nga sử dụng kết hợp UAV và nhiều mẫu tên lửa khác nhau trong các cuộc tập kích gần đây.

Các tên lửa đánh chặn mà phương Tây cung cấp cho Ukraine rất đắt đỏ và khó sản xuất hơn UAV và tên lửa Nga.

Nga vừa tấn công các nhà máy sản xuất vũ khí của Ukraine bằng tên lửa đắt tiền, vừa phóng các tên lửa giá rẻ nhằm dẫn dụ Ukraine sử dụng hệ thống phòng không đánh chặn, các chuyên gia nhận định, theo tờ France 24.

"Mục đích là các tên lửa tốt nhất sẽ ít bị cản trở hơn khi tập kích mục tiêu", Stephane Audrand, chuyên gia tư vấn người Pháp về rủi ro quốc tế, nhận định. "Cuộc tập kích của Nga phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ nhắm tới cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine như mùa đông năm ngoái".

Đăng Nguyễn - Tổng hợp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ukraine-noi-sap-khong-tru-uoc-neu-nga-tiep-tuc-tap-kich-ten-lua-quy-mo-lon-a644015.html