Ukraine siết cơ quan chống tham nhũng: Cuộc khủng hoảng niềm tin?

Luật mới do Tổng thống Zelensky ký ban hành hôm 22/7, trao quyền kiểm soát các cơ quan chống tham nhũng cho Tổng Công tố, đang gây ra làn sóng phản ứng dữ dội trong và ngoài Ukraine. Liệu đây có phải là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng niềm tin ở Ukraine giữa lúc chiến sự chưa có dấu hiệu hạ nhiệt?

Tính độc lập trong phòng chống tham nhũng ở Ukraine đã kết thúc?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/7 đã ký ban hành một đạo luật gây tranh cãi, trao cho Tổng Công tố quyền kiểm soát đối với hai cơ quan chống tham nhũng độc lập của Ukraine là Cục Chống tham nhũng Quốc gia (NABU) và Văn phòng Công tố viên Chuyên trách Chống tham nhũng (SAPO). Theo tờ Kiev Independent, động thái này ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội trong nước và gây lo ngại sâu sắc từ Liên minh châu Âu (EU).

Trước đó, Quốc hội Ukraine đã thông qua dự luật với 263 phiếu thuận, 13 phiếu chống và 13 phiếu trắng. Đáng chú ý, toàn bộ quá trình, từ khi dự luật được sửa đổi tại ủy ban đến lúc bỏ phiếu và ký ban hành, chỉ diễn ra trong vòng một ngày. Điều này khiến nhiều người chỉ trích là quá vội vàng và thiếu minh bạch, nhất là khi hàng trăm người dân đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Kiev và các thành phố lớn, kêu gọi tổng thống phủ quyết.

Quốc hội Ukraine bỏ phiếu thông qua dự luật chấm dứt sự độc lập của cơ quan chống tham nhũng Ukraine. Ảnh: AP /Vadym Sarakhan.

Quốc hội Ukraine bỏ phiếu thông qua dự luật chấm dứt sự độc lập của cơ quan chống tham nhũng Ukraine. Ảnh: AP /Vadym Sarakhan.

Ngay cả một số nghị sĩ thuộc Đảng Phụng sự Nhân dân của ông Zelensky cũng thừa nhận tốc độ thông qua luật là "bất thường", nhất là khi nhiều dự luật khác vẫn bị treo tại Quốc hội trong nhiều tháng.

Theo luật mới, Tổng Công tố Ukraine có quyền chỉ đạo hoặc chuyển giao các cuộc điều tra của Cục Chống tham nhũng Quốc gia (NABU); trao lại thẩm quyền của Văn phòng Công tố viên Chuyên trách Chống tham nhũng (SAPO) cho các công tố viên khác; và đóng hồ sơ điều tra của NABU theo đề nghị của bên bào chữa. Giới chuyên gia cho rằng các thay đổi này sẽ làm suy yếu tính độc lập của NABU và SAPO - hai cơ quan được thành lập sau cuộc Cách mạng Maidan 2014 nhằm đảm bảo Ukraine xây dựng được hệ thống tư pháp minh bạch.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk vẫn thúc đẩy bỏ phiếu thông qua, và sau đó đã trình ngay lên Tổng thống để ký ban hành.

Theo tờ Kiev Post, dự luật nhận được 263 phiếu thuận tại Quốc hội, trong đó Đảng cầm quyền Phụng sự Nhân dân đóng góp 185 phiếu; phần còn lại đến từ các đảng đối lập như "Cương lĩnh Đối lập - Vì Sự sống và Hòa bình", Đảng Batkivshchyna của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, và các nghị sĩ không liên kết. Thế nhưng, theo điều tra của trang ZN.UA công bố ngày 23/7, hơn một nửa số nghị sĩ đang bị NABU điều tra vì nghi ngờ tham nhũng lại nằm trong số những người ủng hộ đạo luật. Trong tổng số 31 nghị sĩ đương nhiệm hoặc cựu nghị sĩ bị nêu tên, có 18 người đã bỏ phiếu thuận, hai người bỏ phiếu trắng hoặc không tham gia, và 5 người vắng mặt hoặc đã rút thẻ trước giờ bỏ phiếu. Đáng chú ý, 15 trong số này là thành viên Đảng Phụng sự Nhân dân.

Mặt khác, theo tờ Kiev Independent, luật này ban đầu do một số nghị sĩ thuộc Đảng Phụng sự Nhân dân của Tổng thống Zelensky đề xuất, nhằm sửa đổi Bộ luật Hình sự Ukraine liên quan đến các hoạt động điều tra tiền xét xử trong thời gian thiết quân luật. Tuy nhiên, những thay đổi vào phút chót lại nhắm vào các cơ quan chống tham nhũng, khiến dư luận trong nước bất ngờ và phản đối mạnh mẽ.

Một điểm gây tranh cãi khác là quy trình thông qua luật. Theo thông lệ, dự luật phải trải qua ít nhất hai vòng thảo luận và chỉnh sửa tại Quốc hội trước khi được trình ký. Nhưng trong trường hợp này, nội dung mới được gắn vào một dự luật hoàn toàn khác và đưa thẳng sang vòng đọc thứ hai, tức bỏ qua quy trình thông thường vốn kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.

Hiện đạo luật đã chính thức có hiệu lực từ ngày 23/7, sau khi được đăng tải trên công báo.

Phản ứng trong nước và quốc tế

Phản ứng trước diễn biến này, Giám đốc NABU Semen Kryvonos gọi đạo luật là “mối đe dọa đối với tiến trình hội nhập châu Âu của Ukraine”, còn lãnh đạo SAPO Oleksandr Klymenko tuyên bố đây là dấu chấm hết cho hai cơ quan độc lập. Liên minh châu Âu (EU) gọi đây là "bước thụt lùi nghiêm trọng” đối với con đường gia nhập EU của Ukraine.

Nghị sĩ đối lập Yaroslav Zhelezniak thuộc Đảng Tiếng nói đối lập cho biết Quốc hội đang thu thập chữ ký để đệ đơn phản đối lên Tòa án Hiến pháp Ukraine.

“Chúng tôi cần thời gian để xây dựng đơn kiến nghị thật vững chắc và chặt chẽ. Đã từng có tiền lệ các đạo luật bị hủy bỏ vì vi phạm thủ tục thông qua, và lần này cũng vậy – chính quyền đã thúc đẩy luật theo cách cực kỳ bất thường. Vì vậy, chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm”, ông Zhelezniak nói.

“Bước tiếp theo là thu thập đủ 45 chữ ký cần thiết. Tôi không nghĩ điều này sẽ dễ dàng, nhưng chúng tôi sẽ công khai danh tính những người từ chối ký tên. Quá trình xét xử có thể kéo dài, nhưng đây là một trong những con đường pháp lý đáng tin cậy nhất mà chúng tôi có.”

Các cuộc biểu tình phản đối luật siết cơ quan chống tham nhũng ở Ukraine. Ảnh: Vitalii Nosach, RBC-Ukraine

Các cuộc biểu tình phản đối luật siết cơ quan chống tham nhũng ở Ukraine. Ảnh: Vitalii Nosach, RBC-Ukraine

Liên minh châu Âu (EU) gọi đây là "bước thụt lùi nghiêm trọng” đối với con đường gia nhập EU của Ukraine. Thậm chí, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky giải thích về luật mới vừa được ban hành.

Các đồng minh phương Tây, bao gồm các nước G7 đã cảnh báo rằng việc làm suy yếu các nỗ lực chống tham nhũng của Ukraine có thể làm chậm tiến trình gia nhập EU của nước này và làm lung lay niềm tin của quốc tế vào chương trình cải cách của Kiev.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 23/7 khẳng định các cơ quan chống tham nhũng sẽ vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, bất chấp những thay đổi trong luật mới. Ông nhấn mạnh rằng hệ thống chống tham nhũng của Ukraine cần được “loại bỏ mọi ảnh hưởng từ Nga”.

Tổng thống Zelensky phát biểu: “Tôi đã đề xuất với Quốc hội một dự luật nhằm tăng cường sức mạnh cho hệ thống thực thi pháp luật. Sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng hay can thiệp nào của Nga vào hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật. Và điều quan trọng nhất là tất cả các tiêu chuẩn về tính độc lập của các cơ quan chống tham nhũng sẽ được áp dụng.”

Tổng thống Zelensky cũng cho biết chính quyền đã ghi nhận và xem xét kỹ những lo ngại của người dân:

“Tất nhiên, ai cũng đã nghe những gì người dân đang nói, trên mạng xã hội, trên đường phố, và với nhau. Không phải tất cả đều vô ích. Chúng tôi đã phân tích mọi lo ngại, mọi điều cần điều chỉnh và thực thi.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trấn an người dân sau khi ký ban hành luật siết cơ quan chống tham nhũng ở Ukraine ngày 23/7/2025. Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trấn an người dân sau khi ký ban hành luật siết cơ quan chống tham nhũng ở Ukraine ngày 23/7/2025. Ảnh: Reuters

Ông kêu gọi đoàn kết quốc gia và hướng tới mục tiêu lớn hơn - đó là chấm dứt chiến sự, thống nhất đất nước.

Chỉ một ngày trước khi luật được ban hành, các cơ quan thực thi pháp luật Ukraine đồng loạt tổ chức khám xét trụ sở của NABU và SAPO. Ít nhất 70 cuộc khám xét được tiến hành, nhắm vào 15 nhân viên NABU. Một người bị cáo buộc làm gián điệp cho Nga, người khác bị nghi buôn bán ma túy, và một số liên quan đến tai nạn giao thông.

Ngoài ra, người đứng đầu Trung tâm Hành động Chống Tham nhũng, Vitaliy Shabunin, đã bị buộc tội “trốn nghĩa vụ quân sự” và “gian lận”. Ông Shabunin gọi đây là hành động “trả thù chính trị” cho các hoạt động chống tham nhũng mà ông theo đuổi.

Giám đốc điều hành Trung tâm Hành động Chống Tham nhũng Daria Kaleniuk cảnh báo: “Chúng ta đang chứng kiến một thập kỷ nỗ lực chống tham nhũng ở Ukraine bị phá hủy. Đây là bước ngoặt 180 độ khỏi con đường hội nhập châu Âu.”

Cuộc khủng hoảng niềm tin?

Hai cơ quan chống tham nhũng chủ chốt của Ukraine là Cục Chống tham nhũng Quốc gia (NABU) và Văn phòng Công tố viên Chuyên trách Chống tham nhũng (SAPO), vốn được thành lập từ năm 2015 với mục tiêu độc lập hoàn toàn khỏi ảnh hưởng chính trị. Chính sự độc lập này đã cho phép họ điều tra các thành viên quốc hội, quan chức cấp cao và thậm chí cả các bộ trưởng, mà không cần chia sẻ thông tin hoặc phụ thuộc vào các cơ quan công tố truyền thống, nơi thường bị chỉ trích là "dễ dãi" với giới chức quyền lực.

Tuy nhiên, với luật mới vừa được Tổng thống Zelensky ký ban hành ngày 22/7, toàn bộ các cuộc điều tra và hoạt động trước đây vốn do NABU và SAPO tự quyết sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của Văn phòng Tổng Công tố, một cơ quan chịu sự điều hành của tổng thống. Điều này đồng nghĩa, về mặt kỹ thuật, Tổng Công tố viên có thể rút bất kỳ vụ án nhạy cảm nào khỏi NABU và giao cho một đơn vị khác trong hệ thống công tố - điều gây lo ngại sâu sắc về tính minh bạch và khả năng lạm quyền.

Công tố viên tối cao Ukraine gặp Tổng thống Zelensky, cam kết tăng cường hợp tác với các cơ quan chống tham nhũng. Ảnh: Reuters

Công tố viên tối cao Ukraine gặp Tổng thống Zelensky, cam kết tăng cường hợp tác với các cơ quan chống tham nhũng. Ảnh: Reuters

Ngoài nguy cơ can thiệp chính trị, nhiều chuyên gia cảnh báo về khả năng rò rỉ thông tin, bao gồm danh tính bị can và nội dung điều tra. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi biết rằng NABU từng phải mất nhiều năm mới xây dựng được uy tín và mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, chính là để khắc phục những bất cập của mô hình công tố kiểu cũ.

Một ví dụ tiêu biểu là vụ điều tra cựu Phó Thủ tướng Oleksiy Chernyshov - một trường hợp mà NABU kiên quyết theo đuổi bất chấp sức ép chính trị, và chỉ đến khi ông trở về từ nước ngoài, cơ quan này mới có thể chính thức thông báo nghi ngờ.

“Với luật mới, các vụ điều tra cấp cao như vậy sẽ gần như bất khả thi”, NABU cảnh báo trong một tuyên bố công khai. Cơ quan này cho rằng: “Người đứng đầu SAPO sẽ chỉ còn là chức danh hình thức, còn NABU sẽ mất đi tính độc lập và bị biến thành một bộ phận trực thuộc Viện Công tố. Cơ sở hạ tầng chống tham nhũng được xây dựng suốt từ năm 2015 với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế sẽ bị phá bỏ.”

Tuy nhiên, không phải tất cả các ý kiến đều bi quan. Nhà phân tích chính trị Vitaliy Kulyk cho rằng dù đạo luật này gây nhiều tranh cãi, nhưng cũng mở ra cơ hội để tái cấu trúc hệ thống chống tham nhũng:

“Cơ cấu hiện tại đã bộc lộ nhiều hạn chế. Tôi không quá tiếc nuối cho NABU hay SAPO. Và tôi cũng không tin rằng điều này sẽ làm chệch hướng cuộc chiến chống tham nhũng hay tiến trình hội nhập châu Âu.”

Theo ông Kulyk, áp lực từ Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ buộc chính phủ Ukraine phải tiếp tục cải cách, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả sử dụng viện trợ. “Một mô hình mới sẽ xuất hiện, có thể hiệu quả hơn”, ông nói.

Cùng quan điểm, nhà báo và chuyên gia truyền thông Vadym Karpiak nhận định rằng: “Nhu cầu chống tham nhũng của công chúng là rất mạnh mẽ. Việc làm suy yếu NABU và SAPO chỉ mang tính tạm thời. Rồi sẽ đến lúc chúng ta phải khôi phục lại hệ thống độc lập như cách tổng thống đã từng khôi phục quân đội, ngôn ngữ và tôn giáo sau năm 2019. Tiến trình lịch sử là không thể đảo ngược. Chúng ta chỉ mất thêm vài năm nữa thôi.”

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Theo giới quan sát, Liên minh châu Âu và Mỹ đã đầu tư lớn vào hệ thống chống tham nhũng của Ukraine như một điều kiện then chốt để cung cấp viện trợ tài chính, quân sự và hỗ trợ tiến trình gia nhập EU. Bằng chứng là trong một bài phát biểu ở Nhà Trắng ngày 23/7, Tổng thống Trump một lần nữa nhấn mạnh nghi vấn Ukraine có thể đã sử dụng sai mục đích số viện trợ khổng lồ mà Mỹ cấp cho nước này dưới thời chính quyền tiền nhiệm Joe Biden.

Nếu Mỹ và châu Âu xem đạo luật mới là hành vi phá hoại nguyên tắc pháp quyền, họ có thể tạm hoãn giải ngân một phần viện trợ tài chính, nhất là các gói hỗ trợ ngân sách trực tiếp, yêu cầu Kiev sửa đổi hoặc thu hồi đạo luật, hoặc giám sát kỹ hơn các cơ chế chống tham nhũng bằng cách tăng cường hiện diện chuyên gia hoặc đưa ra nhiều điều kiện hơn với các khoản tài trợ.

Một kịch bản khả dĩ khác là sự phản kháng về mặt pháp lý hoặc xã hội trong nội bộ Ukraine. Tòa án Hiến pháp Ukraine có thể bị yêu cầu xem xét tính hợp hiến của đạo luật nếu có đơn kiện từ các nghị sĩ đối lập hoặc tổ chức xã hội dân sự. Biểu tình và sức ép công luận có thể tiếp diễn, đặc biệt nếu NABU và SAPO công khai bất đồng hoặc có hành động phản kháng như từ chức tập thể, từ chối bàn giao vụ án… Các nhà tài trợ NGO, tổ chức minh bạch quốc tế lên tiếng, tạo dư luận tiêu cực khiến chính quyền phải "hạ nhiệt".

Trong trường hợp chính quyền Tổng thống Zelensky tin rằng thời điểm hiện tại, với xung đột đang tiếp diễn và người dân tập trung vào chiến sự, họ có thể không điều chỉnh luật, hứa hẹn thiết lập một cơ quan mới "hiệu quả hơn”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây là hướng rủi ro nhất vì nó có thể làm sứt mẻ niềm tin của phương Tây vào quyết tâm cải cách của Zelensky, khiến Ukraine dễ rơi vào thế bị động trong đàm phán về viện trợ.

Ngọc Mai

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ukraine-siet-co-quan-chong-tham-nhung-cuoc-khung-hoang-niem-tin-348802.htm