Ukraine thừa nhận dùng Patriot đánh chặn tên lửa S-300 là không thực tế
Mặc dù hệ thống tên lửa đất đối không Patriot mà Mỹ cung cấp cho Ukraine có thể đánh chặn tên lửa S-300 của Nga, nhưng quan chức cấp cao Ukraine tin rằng làm như vậy sẽ không thực tế.
Ông Yuriy Ihnat, Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine, xác nhận, một tổ hợp Patriot đã được triển khai tại Ukraine, các tổ hợp còn lại sẽ sớm được chuyển cho Kiev.
Theo ông Ihnat, tổ hợp đầu tiên đã được triển khai tại Ukraine và bắt đầu hoạt động cách đây vài ngày. Một số tổ hợp khác đang trên đường đến các địa điểm được chỉ định. Ông hy vọng việc triển khai Patriot sẽ mang lại kết quả tích cực, đặc biệt là trong việc đối phó với máy bay Nga.
Khi được hỏi về khả năng Patriot đánh chặn tên lửa S-300 mà Nga nhắm vào Kharkiv hôm 22/4, ông Ihnat xác nhận “lá chắn thép” của Mỹ có thể bắn hạ tên lửa của Moscow. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, quân đội Nga sở hữu rất nhiều tên lửa S-300.
Ông Ihnat giải thích rằng, thách thức đối với việc bắn hạ tên lửa S-300 bằng hệ thống Patriot không phải là chi phí mà là số lượng tên lửa khổng lồ mà quân đội Nga sở hữu. Vài tháng trước, khoảng 6.000-7.000 tên lửa S-300 đã được đưa vào kho vũ khí của Moscow.
Theo ông Ihnat, việc phá hủy những tên lửa này trên mặt đất sẽ thực tế hơn. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đánh giá kỹ lưỡng số lượng tên lửa Patriot hiện có và so sánh với số lượng tên lửa S-300 mà quân đội Nga sở hữu.
Ông Vijainder K Thakur, một chuyên gia quốc phòng Ấn Độ theo dõi chặt chẽ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nhận định: “Xét đến đầu đạn tương đối nhỏ và độ chính xác hạn hế, việc cố gắng bắn hạ tên lửa S-300 bằng tên lửa của Patriot là vô nghĩa. Tên lửa S-300 không bao giờ được sử dụng để tấn công các mục tiêu có tầm quan trọng chiến lược”.
Nga có thể sử dụng tên lửa S-300 để áp đảo hệ thống phòng thủ Ukraine
Hệ thống phòng không Patriot mà Mỹ chuyển cho Ukraine sẽ hữu ích nhất trong việc giúp các lực lượng Kiev bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine, Tướng về hưu của Mỹ Mark Hertling nhận định.
“Đó là thệ thống phòng thủ điểm. Nó cần phải được đặt ở một vị trí có thể bảo vệ các mục tiêu quan trọng như thủ đô Kiev hay thành phố cảng như Odessa. Patriot không phải là một hệ thống vũ khí có thể di chuyển khắp chiến trường để đối phó với các mối đe dọa liên tục thay đổi”, ông Hertling, người từng là Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu cho biết.
Tuy nhiên, các quan chức quân sự Ukraine bày tỏ lo ngại về chiến lược tiềm năng mà Nga có thể sử dụng để phóng tên lửa S-300 vào Ukraine.
Ông Ihnat lo ngại Nga có thể sử dụng tên lửa S-300 tương tự như cách họ triển khai máy bay không người lái (UAV) Shahed, nhằm áp đảo và làm cạn kiệt hệ thống phòng không của Ukraine bằng các vụ phóng liên tiếp.
Theo ông Ihnat, quân đội Nga đã sử dụng UAV Shahed do Iran sản xuất để xác định vị trí các hệ thống phòng không của Ukraine và nhằm vào chúng để làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Kiev. Chi phí tài nguyên dành cho việc chống lại các cuộc tấn công như vậy là tiêu biểu cho một cuộc chiến tiêu hao, trong đó cả 2 bên đều nhắm đến việc làm cạn kiệt tài nguyên của nhau.
Mặt khác, ông Ihnat cho hay, Ukraine đã phá hủy thành công các khu vực tập trung thiết bị và tên lửa hành trình của đối phương.
Ngoài khả năng phòng thủ thực tế, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot còn mang một giá trị biểu tượng cho Kiev. Việc Kiev nhận được công nghệ quân sự tiên tiến như vậy sẽ báo hiệu rằng Mỹ vẫn cam kết hỗ trợ Ukraine.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot có tầm bắn lên tới 965km, có thể đánh chặn và tiêu diệt hiệu quả tên lửa đạn đạo tầm xa và máy bay từ một khoảng cách đáng kể.
Hệ thống Patriot có thể xác định và loại bỏ các mối đe dọa từ hàng trăm km. Ngoài ra, Patriot tự hào có radar mạnh vượt trội so với các hệ thống phòng không khác, cho phép nó dễ dàng phân biệt giữa các mục tiêu thân thiện và thù địch.
Một số người đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của tên lửa Patriot. Một bài báo của Foreign Policy năm 2018 cho rằng Patriot “thất bại ở mọi nơi”. Tuy nhiên, điều này đã bị các quan chức quân đội Mỹ bác bỏ vì cho rằng đó là lời nói quá.
Cũng có một số trường hợp thông tin về hiệu quả của hệ thống Patriot bị bóp méo. Ví dụ, trong Chiến tranh vùng Vịnh, các quan chức quân sự tuyên bố rằng hệ thống này đã đánh chặn thành công tất cả tên lửa, ngoại trừ 2 tên lửa Scud của Iraq.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc sau đó đã sửa lại con số này, nói rằng thành tỷ lệ thành công là 50%. Mặc dù tỷ lệ hiệu quả của Patriot ngày nay được cho là cao hơn, nhưng không dễ có được số liệu chính xác.