Ukraine trước và sau thảm họa vỡ đập Nova Kakhovka
Những hình ảnh trước và sau của khu vực hạ lưu con đập bị vỡ cho thấy mức độ tàn phá tại vùng rộng lớn bị ngập lụt ở miền Nam Ukraine.
Ảnh AP.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc thông tin, thảm họa vỡ đập Nova Kakhovka trên sông Dnieper hôm 6/6 ở Kherson, miền Nam Ukraine, có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết khi mực nước vẫn đang tăng, nhấn chìm nhiều làng mạc và thị trấn.
Trước khi đập Kakhovka trên sông Dnieper bị vỡ, những cánh đồng nông trại hiện ra xanh tươi và được cắt ngang bởi những con đường, điểm xuyết với cây cối. Sau đó, chỉ còn lại những mái nhà bằng kim loại và ngọn cây nhô lên trên mặt nước đục ngầu. Nhà kính và nhà cửa gần như hoàn toàn chìm trong nước.
Ảnh AP.
Các bức ảnh vệ tinh trước khi con đập bị vỡ được chụp vào tháng 5 và đầu tháng 6. Những bức ảnh về khu vực tương tự được chụp sau khi con đập bị vỡ cho thấy rõ mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
Ảnh AP.
Theo số liệu của giới chức Ukraine, khoảng 42.000 người nước này bị ảnh hưởng bởi lũ lụt do vỡ đập gây ra, hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp bị ngập úng và vụ việc có thể biến ít nhất 500.000ha đất không được tưới tiêu thành sa mạc.
Ảnh AP.
Hồ chứa Nova Kakhovka, được hình thành bởi con đập chính cao 30m và dài 3,2km, xây dựng vào năm 1956. Với sức chứa của hồ lên đến 18km3, đây là nguồn cung cấp nước quan trọng cho hàng triệu người, không chỉ ở Kherson mà còn ở các tỉnh Zaporizhzhia và Dnipro, đồng thời là nguồn tưới tiêu nông nghiệp chính cho các khu vực miền Nam Kherson và bán đảo Crimea.
Ảnh AP.
Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, 150 tấn dầu nhờn công nghiệp đã bị cuốn trôi khi phòng chứa động cơ tại nhà máy thủy điện Nova Kakhovka chìm trong nước. Ở khía cạnh vĩ mô hơn, theo giới quan sát, thiệt hại gây ra từ vụ vỡ đập cũng sẽ khiến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu càng thêm căng thẳng, bởi giá lúa mì hôm 6/6 đã tăng hơn 3%.