Ukraine tung video phá hủy hai hệ thống phòng không Buk-M3 Nga ở Donetsk
Lực lượng vũ trang Ukraine được cho là đã phá hủy 2 hệ thống phòng không Buk-M3 và một cơ sở hạ tầng quân sự của Nga ở Svitlodarsk, thuộc Donetsk, vào cuối tuần qua.
Theo trang tin quân sự Army Recognition, việc trinh sát và tấn công hệ thống phòng không Nga do máy bay không người lái Shark thực hiện. Trong khi đó, Ukraine sử dụng bom dẫn đường có độ chính xác cao JDAM-ER tấn công cơ sở hạ tầng quân sự Nga ở Svitlodarsk.
Hiện, lực lượng Nga chưa bình luận về các thông tin trên.
Đầu tháng này, xuất hiện thông tin cho biết lực lượng vũ trang Ukraine đã phá hủy radar điều khiển hỏa lực 9S36M - một phần của hệ thống tên lửa đất đối không Buk-M3 của Nga.
Trong một diễn biến khác, Ukraine hôm 17/9 tuyên bố lực lượng của họ đã giành lại Klishchiivka, một ngôi làng quan trọng về chiến thuật ở phía nam thành phố Bakhmut, tỉnh Donetsk.
Buk-M3 là biến thể tiên tiến nhất của dòng hệ thống tên lửa Buk, do tập đoàn quốc phòng Almaz-Antey của Nga phát triển từ những năm 1990. Năm 2016 Buk-M3 được đưa vào phục vụ trong quân đội Nga.
Hệ thống này được thiết kế để chống lại vô số mối đe dọa trên không, bao gồm tên lửa hành trình, bom thông minh, máy bay trực thăng cũng như máy bay không người lái.
Hệ thống Buk-M3 đã trải qua những cải tiến đáng kể so với các hệ thống tiền nhiệm. Một trong những tính năng chính của Buk-M3 là các linh kiện điện tử tiên tiến và hệ thống hỏa lực mới có mức độ nguy hiểm cao hơn.
TELAR (Radar và bệ phóng thiết bị vận chuyển) của hệ thống đã được nâng cấp lên khung gầm bánh xích, mang theo 6 tên lửa sẵn sàng khai hỏa. Thiết kế này cho phép Buk-M3 đồng thời theo dõi và tấn công nhiều mục tiêu, mang lại khả năng phòng thủ vững chắc trước các cuộc tấn công phối hợp trên không.
Buk-M3 sử dụng tên lửa 9M317M mới với tầm bắn được tăng lên và hiệu suất tổng thể được nâng cao so với các phiên bản trước đó. Tên lửa có trọng lượng 795 kg với khối lượng đầu đạn nặng 62 kg, có khả năng tiêu diệt mọi loại mục tiêu trên không ở cự ly từ 2,5 đến 70 km, tốc độ 3.000 m/s ở độ cao từ 15 m đến 35 km.