Ukraine tuyên bố sở hữu vũ khí laser có thể bắn hạ UAV

Hôm 19/12, Reuters dẫn lời chỉ huy Lực lượng vũ trang của Ukraine phụ trách hệ thống không người lái - Vadym Sukharevskyi tuyên bố nước này đã phát triển một loại vũ khí laser có khả năng bắn hạ mục tiêu từ khoảng cách hơn một dặm gọi là 'Tryzub'.

"Hôm nay, chúng tôi đã có thể bắn hạ máy bay bằng tia laser này ở độ cao hơn 2 km (1,2 dặm). Nó thực sự hiệu quả, nó thực sự tồn tại" - ông Sukharevskyi nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm rằng các nỗ lực đang được thực hiện để nâng cao quy mô và khả năng của vũ khí này.

Vũ khí sử dụng tia laser này được đặt tên là Tryzub, hay tiếng Ukraine có nghĩa là "chiếc đinh ba", ám chỉ đến biểu tượng quốc gia của Ukraine đại diện cho sự độc lập, sức mạnh và thống nhất.

Sukharevskyi không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào về vũ khí tia laser Tryzub, tuy nhiên, các chuyên gia nói với đài CNN rằng sự tồn tại của Tryzub là "khả thi".

Patrick Senft đến từ Armament Research Services, một công ty tư vấn tình báo kỹ thuật chuyên về nghiên cứu vũ khí trong đạn dược, nói với CNN rằng mặc dù biết rất ít về hệ thống Tryzub, nhưng "Ukraine hoàn toàn có thể phát triển một loại vũ khí năng lượng định hướng (DEW) có khả năng tiêu diệt một số mục tiêu trên không. Điều này đặc biệt khả thi khi sử dụng laser hàn thương mại, có sẵn kết hợp với các công nghệ khác có sẵn".

Senft đồng thời chỉ ra hệ thống vũ khí laser (LaWS) của Hải quân Mỹ đã hoạt động ở phạm vi tương đương kể từ năm 2014.

Chỉ huy Lực lượng vũ trang của Ukraine phụ trách hệ thống không người lái - Vadym Sukharevskyi

Chỉ huy Lực lượng vũ trang của Ukraine phụ trách hệ thống không người lái - Vadym Sukharevskyi

Senft giải thích rằng vũ khí năng lượng định hướng bằng laser (DEW) đặc biệt hiệu quả đối với máy bay không người lái (UAV) bay chậm và thấp do Nga triển khai, vì những máy bay không người lái này bao gồm các thành phần tương đối mỏng manh và dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt.

Senft cho biết, các UAV bay thấp, như UAV tấn công một chiều Shahed-136/Geran-2 có độ cao thấp và kiểu bay ổn định "khiến chúng đặc biệt dễ bị chiếu tia laser liên tục vì vũ khí có thể tập trung năng lượng vào một điểm cụ thể để phá hủy các thành phần quan trọng".

Senft cho biết thêm rằng những vũ khí như vậy có hai hạn chế chính, liên quan đến tốc độ di chuyển của mục tiêu và cách tia laser mất năng lượng khi di chuyển xa hơn. Ông cho biết các mục tiêu di chuyển nhanh hơn hoặc chịu nhiệt (ví dụ như đạn pháo, tên lửa đạn đạo) khó vô hiệu hóa hơn nhiều và đòi hỏi một hệ thống tiên tiến hơn.

Fabien Hoffmann thuộc Dự án hạt nhân Oslo (ONP) cho biết có một số thách thức kỹ thuật trong việc triển khai một hệ thống laser hiệu quả để chống lại máy bay không người lái hoặc tên lửa. “Những thách thức này bao gồm việc khắc phục các vấn đề liên quan đến cường độ chùm tia laser và quá trình làm mát của hệ thống, sự hấp thụ và phản xạ của chùm tia laser trong khí quyển (ví dụ, do mây hoặc mưa) và một hiện tượng được gọi là 'bùng nổ nhiệt'.

Hiện tượng bùng nổ nhiệt xảy ra khi chùm tia laser làm nóng không khí xung quanh, khiến không khí lan ra, làm giảm công suất và hiệu quả gây sát thương mục tiêu” - ông cho biết.

Chỉ một số ít quốc gia được cho là sở hữu vũ khí laser, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Israel. Vương quốc Anh hiện cũng đang phát triển hệ thống vũ khí laser của riêng mình, được gọi là DragonFire (Rồng lửa), dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2027.

Vào tháng 4, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh - Grant Shapps cho biết DragonFire có khả năng được sử dụng ở Ukraine để chống lại máy bay không người lái của Nga.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/quan-su/ukraine-tuyen-bo-so-huu-vu-khi-laser-co-the-ban-ha-uav-tu-khoang-cach-xa_171664.html