Ùn tắc hàng hóa, lo thiếu tài xế... siêu thị kêu hụt nguồn đồ tươi sống
Đơn vị cung ứng hàng thiết yếu tới người dân tại Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển.
Vướng mắc trong việc xét nghiệm cho tài xế
Thông tin từ Bách Hóa Xanh, dù toàn bộ xe hàng của nhà cung cấp hàng hóa thiết yếu này ghi rõ “xe hàng thiết yếu”, có đơn hàng hoặc QR code thông hành theo quy định của Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) nhưng vẫn bị “làm khó” trong quá trình vận chuyển về kho Thốt Nốt, TP. Cần Thơ.
Kho Thốt Nốt hiện là điểm trung chuyển hàng tới khoảng 200 siêu thị thuộc chuỗi phân phối này tại 4 địa phương: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang và An Giang.
Theo phản ánh, xe đi từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương mặc dù tài xế đã có xét nghiệm âm tính nhưng khi đi qua các trạm kiểm soát Vàm Cống, Thốt Nốt và trạm dưới chân cầu Cần Thơ (bên cạnh siêu thị GO) đầu vào trung tâm Cần Thơ, quận Cái Răng vẫn phải dừng lại. Lực lượng tại chốt kiểm soát yêu cầu đổi tài xế là người Cần Thơ có giấy xét nghiệm âm tính ra lái thay mới được đưa xe vào; tài xế nơi khác không vào được địa bàn.
Tuy nhiên, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết, phương án bổ sung tài xế trong thành phố (có xét nghiệm âm tính) là khó khăn. Theo ghi nhận của các tài xế, việc xét nghiệm Covid-19 ở Cần Thơ phải chờ đợi lâu. Đồng thời, khó tìm và thuê được tài xế địa phương, việc mất thời gian tìm tài xế có thể dẫn đến tình trạng ùn tắc hàng hóa.
“Nhà cung ứng không thể chờ đợi vì sợ hàng hóa hư hỏng đã phải quay trở về, dẫn đến hàng thiết yếu không cung cấp được cho các siêu thị để phục vụ người dân”, đại diện Bách Hóa Xanh thông tin.
Ngoài ra, nếu các xe hàng chấp nhận chờ đợi, khiến hàng hóa hư hỏng, buộc đơn vị cung ứng phải hủy hàng tươi sống, gây thiệt hại lớn. Việc này góp phần làm giá đầu vào tăng cao, ảnh hưởng tới giá bán cho người dân.
Giấy xét nghiệm có giá trị 72 tiếng, lái xe từ Nam ra Bắc là hết hạn
Ngoài hệ thống của Bách Hóa Xanh, hệ thống MM Mega Market cũng thông tin việc các đơn vị chuyển đang gặp một số khó khăn nhất định, như tài xế phải chờ xét nghiệm hoặc tài xế đang trong khu vực phong tỏa dẫn đến không đủ tài xế để giao hàng.
“Hiện nay các điểm xét nghiệm quá tải, tài xế phải xếp hàng chờ lâu. Kết quả test thì từ 12 giờ đến 24 giờ mới có trong khi hiệu lực test chỉ có giá trị trong vòng 3 ngày. Các tỉnh, như Bắc Ninh, yêu cầu tài xế vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm PCR có giá trị trong vòng 72 tiếng. Tài xế giao hàng từ miền Nam ra tới Bắc Ninh thì giấy hết hạn, phải đi xét nghiệm lần nữa”, đại diện MM Mega Market phản ánh.
Cũng theo đơn vị này, khi giao hàng đến TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ, tỉnh Bạc Liêu, các chốt kiểm soát đều không cho xe vào giao hàng mặc dù tài xế có xét nghiệm PCR và có giấy đi đường của đơn vị cung ứng hàng.
Sở GTVT TP.HCM đang tiến hành cấp QR Code, lượng xe đăng ký của MM Mega Market là 309 nhưng chỉ có 133 xe có mã QR Code thông hành. Những yếu tố đó dẫn đến chi phí vận chuyển bị đẩy lên cao, thời gian giao hàng trễ so với dự kiến.
Tài xế từ vùng dịch về phải xét nghiệm lại, bị cách ly 14 ngày?
Phản hồi với VietNamNet về thông tin xe hàng hóa thiết yếu lưu thông bị chậm, Giám đốc Sở GTVT TP. Cần Thơ, ông Lê Tiến Dũng cho rằng, thời gian chờ test, quy trình ở các chốt kiểm soát chỉ từ 30-40 phút. Do vậy, hàng hóa cơ bản không bị hư hỏng.
“Rau, củ, quả, hàng lạnh thì đâu ảnh hưởng gì. Giờ tỉnh nào cũng phải lập chốt kiểm soát vấn đề đi vào thành phố của họ. Không có dịch Covid-19 thì chỉ khoảng 3 tiếng rưỡi từ TP.HCM về TP. Cần Thơ, phong tỏa thì phải chậm chứ sao nhanh như điều kiện bình thường được”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, tất cả tài xế ở các địa phương có dịch khi về địa phận TP. Cần Thơ đều phải xét nghiệm lại, khi qua các chốt kiểm soát dịch có 2 phương án lựa chọn. Phương án 1 là test nhanh, nếu tài xế âm tính thì được vận chuyển hàng hóa vào nội thành. Tuy nhiên, dù tài xế có âm tính thì sau đó vẫn phải đi cách ly theo quy định của Bộ Y tế đối với người đến từ TP.HCM là 14 ngày.
Phương án 2 là đổi tài xế, tức doanh nghiệp thuê tài xế từ TP. Cần Thơ ra đổi lái. Các lái xe này sẽ thay người của doanh nghiệp đưa hàng về địa điểm yêu cầu. Cả hai tài xế nói trên đều phải xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Sở GTVT đã chuyển danh sách gồm hơn 300 tài xế trong TP. Cần Thơ tới Sở Công Thương, nếu doanh nghiệp từ TP.HCM chuyển hàng về, có thể liên hệ đội vận chuyển để được hỗ trợ.
“Việc các xe có giấy QR Code thông hành theo quy định của Tổng cục Đường bộ chỉ giúp các xe được ưu tiên trong vấn đề kiểm dịch y tế, còn lại không có gì thay đổi trong khâu kiểm soát”, lãnh đạo Sở GTVT TP. Cần Thơ cho biết.
Trước đó, ngày 8/7, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chức năng có liên quan tạo điều kiện thuận lợi, tạo luồng xanh ưu tiên cho phương tiện vận chuyển đã có ‘Thẻ nhận diện phương tiện” được đi qua các chốt kiểm soát.
Các loại hình vận chuyển được cấp “Thẻ nhận diện phương tiện” gồm: xe ô tô từ các tỉnh khác vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, KCN được lưu thông đi đến, đi qua TP.HCM và ngược lại; xe ô tô từ các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ vận chuyển công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan được lưu thông đi đến, đi qua TP.HCM và ngược lại và xe ô tô vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua địa bàn TP.HCM.