Ùn tắc, thu tiền mặt tại các trạm thu phí chưa có ETC, đại diện VEC nói gì?
Trước việc có tới 4 tuyến cao tốc quốc gia do đơn vị mình quản lý chưa triển khai thu phí không dừng (ETC) và mỗi khi ùn tắc đơn vị quản lý lại cho xe đi ở làn ngược chiều để thu tiền mặt, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã lên tiếng về việc này.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty cổ phần Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam - VEC O&M, Tổng Cty VEC cho biết, việc cho xe đi ở làn ngược chiều để phát vé giấy thu tiền mặt khi ùn ứ tại các trạm thu phí chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, VEC đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có lắp đặt đến 80% số làn thu phí ETC tại các trạm thu phí để tăng lưu thoát phương tiện và giảm việc dùng tiền mặt.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai có thu phí ETC dịp nghỉ lễ 2/9
Thưa ông, theo yêu cầu của Chính phủ từ năm 2019 tất cả các trạm thu phí trên quốc lộ và cao tốc phải áp dụng thu phí ETC, nhưng đến nay có đến 4/5 tuyến cao tốc quốc gia VEC đang quản lý chưa có làn thu phí ETC, đâu là nguyên nhân?
Ngay từ khi có chủ trương của Chính phủ, VEC đã thực hiện triển khai 23 làn thu phí ETC tại tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tại tuyến TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng đã được triển khai một số làn thu phí không dừng theo công nghệ Nhật Bản. Cùng với đó, VEC đã tổ chức nghiên cứu phương án đầu tư hệ thống ETC cho toàn bộ 5 tuyến cao tốc, gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn, việc triển khai chưa đáp ứng được tiến độ. Đến nay về cơ bản các khó khăn về thủ tục, nguồn vốn đã được tháo gỡ.
Sau khi được tháo gỡ về nguồn vốn, VEC đang quyết tâm triển khai hệ thống ETC cho 5 tuyến bằng một dự án tổng thể. Hiện nay VEC đã phát hành hồ sơ mời thầu, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn Nhà thầu trước tháng 6/2022. Công tác triển khai lắp đặt và đưa vào vận hành sẽ được VEC thực hiện trong thời gian sớm nhất, trong đó đặc biệt ưu tiên đưa vào khai thác sớm đối với các tuyến có lưu lượng giao thông cao như cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Theo kế hoạch đặt ra, VEC sẽ hoàn thành việc lắp đặt các làn thu phí ETC trên cả 5 tuyến cao tốc trước dịp cao điểm đi lại nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2022.
Việc chậm triển khai thu phí ETC đang là một trong những nguyên nhân chính của ùn tắc, khi ùn tắc VEC đã cho xe đi ở làn ngược chiều và thu tiền mặt, việc này có đúng quy định và đảm bảo tính minh bạch?
Trong thời gian vừa qua, vào các dịp cao điểm như các ngày Lễ, Tết... lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến nói chung, cũng như các tuyến cao tốc của VEC nói riêng đều tập trung vào đầu và cuối của các kỳ nghỉ dẫn đến tình trạng các phương tiện đổ dồn về các trạm thu phí tại đầu vào hoặc đầu ra cùng một thời điểm. Chỉ tính riêng trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, vào dịp cao điểm lượng phương tiện tăng đột biến tới 3,8 lần, tương ứng tăng gần 380% so với ngày thường (ngày bình thường 700 xe/giờ, ngày lễ 30/4 vừa qua là 2.700 xe/giờ).
Với mục đích giải phóng lưu lượng nhanh nhất, đảm bảo hiệu quả thu đúng thu đủ cho Nhà nước, việc tăng cường bố trí thêm làn thu phí MTC (thu phí tiền mặt một dừng) ở làn đường ngược chiều đối diện là phương án tổ chức mà đơn vị quản lý khai thác thực hiện để giải quyết tình trạng trên.
Việc bố trí thêm làn trên cùng mặt cắt là một trong các phương án tổ chức thu trong các trường hợp đặc biệt nhưng vẫn tuân thủ đầy đủ các quy định như: đảm bảo an toàn giao thông, quản lý thu phí được giám sát chặt, phương án bán vé in sẵn... mà không ảnh hưởng đến việc lưu thông của phương tiện chiều ngược lại.
Là một đơn vị thu phí để hoàn vốn cho các dự án có sử dụng vốn Nhà nước nên mục tiêu của việc mở thêm làn thu này là một trong các giải pháp để đảm bảo hiệu quả cao nhất cho công tác thu phí. Mặt khác, đơn vị thu phí vẫn tuân thủ đầy đủ các quy định mà lực lượng chức năng như C08 (Cục CSGT) hay Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu.
Với 2 tờ phiếu xe đi vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai được PV Tiền Phong gửi đại diện VEC dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, qua kiểm tra rà soát, chúng tôi đã xác định, trong đó có 1 tờ vé thu tiền xe ra tại trạm IC7 (Phú Thọ), hệ thống vẫn đang lưu trữ thông tin thời gian, biển số xe qua trạm. Với tờ phiếu còn lại là tờ thẻ kiểm soát đầu vào lái xe nhận khi vào cao tốc tại KM6 (Sóc Sơn, Hà Nội), do là tờ phiếu kiểm soát đầu vào nên không ghi biển số xe, trong trường hợp được cung cấp biển số xe đơn vị có thể tra soát ra ngay hình ảnh, thời gian xe đi và ra khỏi cao tốc.
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có 28 làn thay vì 15 làn ETC
Việc triển khai các làn thu phí trên 5 tuyến cao tốc của VEC sẽ được thực hiện và sử dụng công nghệ của nhà cung cấp nào? Liệu có bao nhiêu làn ETC được lắp tại trạm thu phí của VEC?
Về phương án tổ chức thực hiện VEC sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi theo hình thức thuê dịch vụ thu phí trọn gói để triển khai thu phí ETC cho toàn bộ 5 tuyến cao tốc VEC đang quản lý, khai thác. Với hình thức này, đơn vị trúng thầu lắp đặt ETC tại các trạm thu phí của VEC đóng vai trò vừa là nhà cung cấp, lắp đặt thiết bị, vừa tổ chức vận hành, thu phí. Về công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ trúng thầu phải tuân thủ theo Quyết định số 2255/QĐ-BGTVT ngày 21/7/2016 của Bộ GTVT về việc ban hành yêu cầu kỹ thuật chung đối với hệ thống thu phí điện từ tự động không dừng sử dụng công nghệ RFID.
Hiện trên 5 tuyến cao tốc của VEC có tổng cộng 206 làn thu phí, trong đó tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình có 40 làn, Nội Bài - Lào Cai 81 làn; Đà Nẵng - Quảng Ngãi 44 làn; Bến Lức - Long Thành 41 làn… Trong phương án lắp đặt làn thu phí ETC thời gian tới, sẽ có 163 làn, chiếm 80% số làn thu phí tại các tuyến cao tốc này được lắp đặt làn thu phí ETC. Với tuyến cầu Giẽ - Ninh Bình hiện đang có 15/40 làn ETC (chiếm 32%) thì sau khi dự án trên hoàn thành, số làn thu phí tại đây sẽ tăng lên 28/40 làn, tương đương 70%.
Hiện tại nhiều trạm thu phí, trong đó có cả tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình có tình trạng xe dán thẻ của nhà cung cấp này qua được, còn xe của dán thẻ nhà cung cấp kia thì không, khi triển khai lắp đặt ETC trên các tuyến mình, VEC có giải pháp gì?
Hiện tại trên cả nước đang có hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC) và Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam VDTC (VDTC). Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tại nhiều trạm thu phí trên toàn quốc hiện nay xe dán thẻ của nhà cung cấp VETC qua được, còn xe dán thẻ của nhà cung cấp VDTC không qua được (hoặc ngược lại) là việc liên thông, kết nối, chia sẻ và đồng bộ giữa hai nhà cung cấp dịch vụ BackEnd trong thời gian qua chưa thực sự tốt và toàn diện. Cùng với đó, việc dán thẻ đầu cuối (Etag hoặc Epass) trên phương tiện trong một số ít trường hợp chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, như thẻ dán sai vị trí, dán nhiều thẻ cho 1 phương tiện, thẻ dán bị bong tróc hư hỏng,...
Hệ thống thu phí ETC trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình là hệ thống thu phí ETC đầu tiên thực hiện thu phí kín ETC liên thông, giữa hai chủ đầu tư khác nhau, hai nhà thầu cung cấp dịch vụ Front-End khác nhau, thu phí có bao gồm cả vé tháng, vé quý đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình VEC không áp dụng vé tháng/quý, các làn thu phí ra, vào có gồm cả thu phí MTC (một dừng) và ETC (không dừng). Việc này dẫn đến, có trường hợp phương tiện giao thông mua vé tháng/ quý của đơn vị Cty BOT đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ nhưng đến đầu ra trên đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình không có hoặc không đủ tiền trong tài khoản ETC để qua trạm, lái xe lại không chịu thanh toán tiền mặt. Có trường hợp lái xe vào làn MTC và ra làn ETC hoặc ngược lại; cũng có trường hợp lái xe vào ETC thành công tuy nhiên phương tiện không đủ tiền trong tài khoản để thanh toán tại làn ra... Các trường hợp này đều dẫn đến không hoàn thành đầy đủ một giao dịch thu phí kín ETC, và gây ra nhiều khó khăn trong công tác xử lý giao dịch thu phí.
Từ những khó khăn, vướng mắc ở trên và đối với mô hình thu phí kín ETC liên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, VEC đã có những kinh nghiệm và giải pháp để tháo gỡ, xử lý các vấn đề liên quan đến tồn tại của hệ thống thu phí kín ETC.
Cụ thể, thời gian qua, VEC đã nhiều lần làm việc với cả hai nhà cung cấp dịch vụ VETC, VDTC và báo cáo cấp có thẩm quyền về giải pháp xử lý triệt để. Đối với các trạm sắp tới VEC triển khai thu phí kín ETC, bên cạnh các phương án giải pháp xử lý vấn đề tồn tại trước đây của thu phí ETC, VEC sẽ có chế tài xử lý cụ thể trong Hợp đồng đối với đơn vị cung cấp dịch vụ.
Xin cảm ơn ông!