UNDP 'bắt tay' Everlearn giúp doanh nghiệp phục hồi kinh doanh hậu Covid -19
Các doanh nghiệp MSMEs đã phải đối mặt với sự gián đoạn về chuỗi cung ứng, kinh doanh giảm mạnh và chi phí hoạt động doanh nghiệp tăng.
Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) chính thức lựa chọn nền tảng học tập Everlearn để đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển kinh doanh hậu Covid – 19.
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển OECD vào tháng 4/2020, Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) chiếm 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, đóng góp hơn 50% tổng số việc làm và là nhân tố chính góp phần giảm nghèo và tăng trưởng bền vững. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19cùng các biện pháp an toàn bắt buộc như hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, kiểm dịch, đóng cửa biên giới…
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn này, UNDP sẽ cùng với Everlearn của Học viện Doanh Nhân MVV cung cấp 10 nội dung đào tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp MSMEs và hợp tác xã nhằm tăng cường khả năng đối phó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và thích ứng với nhu cầu của thị trường mới.
Học viên tham gia học trực tuyến sẽ được miễn phí. Mỗi bài giảng sẽ kéo dài khoảng 60-90 phút và học viên có thể tiếp cận với các bài giảng tương tác trên nền tảng học tập Everlearn
Cụ thể: Chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh; Sử dụng tư duy thiết kế để tăng hiệu quả kinh doanh; Đổi mới quy trình kinh doanh và thúc đẩy môi trường làm việc đổi mới; Tiếp thị kỹ thuật số; Xu hướng, kênh truyền thông và công cụ cho tiếp thị kỹ thuật số trong thời gian Covid – 19; Hiểu các kỹ thuật triển khai và tối ưu hóa Công cụ tìm kiếm để định vị trang web của doanh nghiệp trong kết quả xem hàng đầu của các công cụ tìm kiếm toàn cầu; Quản lý chuỗi cung ứng trong bối cảnh Covid – 19; Sản xuất tinh gọn (LEAN): Nền tảng Six Sigma; Tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh Covid – 19 để duy trì vận hành doanh nghiệp; Chiến lược thích ứng khách hàng trong bối cảnh Covid – 19.
Bên cạnh đó, Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cũng chọn Everlearn và Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (thuộc Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để số hóa các chuyên đề đào tạo nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nhân nữ, giám đốc và quản lý nữ.
Theo nghiên cứu mới đây của KPMG, khi được hỏi về những kỹ năng cần được đào tạo để phụ nữ phát huy vai trò lãnh đạo trong tương lai, kết quả cho thấy nhu cầu chủ yếu là về kỹ năng lãnh đạo (57%), sự tự tin (56%), đưa ra quyết định (48%), kết nối (47%) và kỹ năng tư duy phản biện (46%).
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, nhà sáng lập nền tảng học tập Everlearn, một trong những động lực tạo nên lợi thế cạnh tranh lâu dài cho các doanh nghiệp là năng lực của nguồn vốn con người. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường chịu thiệt thòi khi không có nguồn lực để đầu tư nâng cao năng lực nội tại.