UNDP hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện Báo cáo giữa kỳ UPR
Bà Caitlin Wiesen đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc theo dõi tiến độ thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III.
Theo thông tin từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thể hiện cam kết thúc đẩy hợp tác đa phương và Nhà nước pháp quyền.
Bà Caitlin Wiesen đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc theo dõi tiến độ thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III, đồng thời nhấn mạnh việc Việt Nam quyết định thực hiện báo cáo giữa kỳ tự nguyện đã cho thấy cam kết mạnh mẽ và sự quyết tâm thực hiện các khuyến nghị đã được đề xuất và chấp thuận trong chu kỳ III. Cam kết này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Một trong số những lợi ích mà Báo cáo giữa kỳ UPR đem lại, đó là cơ hội để Việt Nam nhìn nhận lại tiến độ thực hiện, những gì đã đạt được cũng như những lĩnh vực cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc thực hiện các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa, được phản ánh qua những cải thiện trong Chỉ số nghèo đa chiều; tiến bộ trong quản trị công và nhà nước pháp quyền. Tất cả những chủ đề này đều được đề cập trong các khuyến nghị UPR chu kỳ III. Những tiến độ thực hiện các khuyến nghị trong tất cả các lĩnh vực giúp Việt Nam có thể chia sẻ những thành công của mình cũng như hỗ trợ các quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức tương tự và có thể vượt lên dẫn trước khi chu kỳ IV của UPR bắt đầu vào năm 2024.
Nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã đặt ra những thách thức chưa từng có đối với nỗ lực bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, bà Caitlin Wiesen kêu gọi các nước không nên để đại dịch làm trì hoãn việc thực hiện các khuyến nghị UPR. Thay vào đó, việc ngăn chặn virus và cải thiện quyền con người theo các khuyến nghị UPR phải được tiến hành song song. Các biện pháp ứng phó đại dịch tôn trọng quyền và nhân phẩm của con người sẽ đem lại các kết quả tốt hơn trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Những biện pháp như vậy cũng sẽ giúp đảm bảo chăm sóc sức khỏe của tất cả mọi người, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và bao trùm.
Cơ chế UPR được ra đời năm 2008 và là một trong những thành công nổi bật của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc do được xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, không phân biệt quốc gia lớn, nhỏ. Kể từ khi cơ chế UPR được thành lập, Việt Nam đã tham gia rà soát 3 chu kỳ UPR vào các năm 2009, 2014 và 2019. Hiện Việt Nam đang triển khai các khuyến nghị chấp thuận theo UPR chu kỳ III trên cơ sở Kế hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1975/QĐ-TTg, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện.