UNESCO bầu lãnh đạo mới trong vô vàn khó khăn
Cuối tuần trước, ngày 13-10, cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp Audrey Azoulay đã được Hội đồng điều hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) bầu làm Tổng Giám đốc mới, kết thúc một tuần lễ tuyển chọn trong số 9 ứng cử viên qua nhiều vòng bỏ phiếu.
Bà Azoulay sẽ chính thức trở thành Tổng Giám đốc mới của UNESCO sau khi kết quả bầu chọn được 195 nước thành viên thông qua vào tháng 11 tới.
Tại cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào ngày 13-10, cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp Audrey Azoulay đã giành được 30 phiếu bầu, đánh bại đối thủ là ông Abdulaziz al-Kawari, một nhà ngoại giao người Qatar, giành 28 phiếu trên tổng số 58 phiếu Hội đồng điều hành UNESCO.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian đã chúc mừng bà Azoulay, đồng thời nhấn mạnh rằng, tổ chức UNESCO đang trải qua những “thách thức lịch sử”, nước Pháp sẽ cùng hợp tác để hướng đến “một tổ chức đa phương mạnh và có trách nhiệm hơn”.
Năm nay 45 tuổi, từng kinh qua chức vụ Bộ trưởng Văn hóa Pháp trong thời gian hơn một năm (tháng 2-2016 đến 5-2017), Azoulay sẽ phải dẫn dắt tổ chức UNESCO vượt qua giai đoạn đầy khó khăn hiện nay. Trước khi vòng bỏ phiếu diễn ra, Azoulay đã đưa ra lời hứa sẽ phấn đấu để khôi phục niềm tin và tính hiệu quả cho UNESCO thông qua việc tập trung mạnh vào những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức này.
UNESCO vốn được xem là một tổ chức đa phương uy tín bậc nhất của LHQ, là nơi vinh danh những giá trị về văn hóa của nhân loại, đặc biệt là tôn vinh những di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới. Từ năm 1972 đến nay, UNESCO đã công nhận hơn 1.000 di sản thế giới, trong đó có 7 kỳ quan thế giới mới được chính thức công nhận vào ngày 7-7-2007.
Bên cạnh đó, UNESCO còn phát động nhiều chương trình giáo dục toàn cầu dành cho phụ nữ, người dân yếu thế tại các quốc gia nghèo, đang phát triển, đặc biệt là các chương trình giáo dục giới tính, xóa mù chữ, chương trình nước sạch cho dân nghèo và nâng cao chất lượng sống cho phụ nữ.
Nhưng thời gian gần đây, UNESCO đã gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do những xung đột lợi ích, tranh chấp quyền lợi giữa các nước thành viên. Tiêu biểu cho những khó khăn của UNESCO là cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ xung quanh quyền sở hữu nguồn gốc bài thuốc cổ truyền Tây Tạng; tiếp đến là việc Nhật Bản ngưng đóng góp quỹ thành viên để phản đối việc UNESCO đưa các tài liệu về vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937 do quân Nhật gây ra ở Trung Quốc vào danh mục Ký ức thế giới của UNESCO; rồi đến việc Serbia đấu tranh quyết liệt để ngăn Kosovo gia nhập tổ chức này.
Cạnh tranh quyền lực trong phạm vi khu vực cũng được thể hiện sôi sục ngay trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới. Ai Cập, Liban và Qatar mỗi nước đều cử một ứng viên thay vì cùng nhau hợp lại đứng sau ủng hộ một ứng viên duy nhất.
Các quốc gia Arập gần đây liên tục lên tiếng đòi thay đổi lãnh đạo, yêu cầu đến lượt họ lãnh đạo UNESCO, vì “người phương Tây” đã lãnh đạo tổ chức này quá lâu, từ khi thành lập (năm 1945) cho đến nay. Nhưng việc nội bộ các nước Arập không đoàn kết, thống nhất trong cuộc bầu chọn lãnh đạo mới của UNESCO đã khiến cho các ứng viên Arập vuột mất cơ hội giành phiếu, như trường hợp ứng viên người Qatar Abdulaziz al-Kawari thất bại trước bà Azoulay là một ví dụ điển hình.
Tân Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay.
Sự tranh cãi giữa Ai Cập và Qatar bộc lộ sự chia rẽ của các nước Arập Trung Đông liên quan đến cuộc đối đầu giữa Arập Xêút và Qatar, trong đó Ai Cập ủng hộ Arập Xêút và các nước trong nhóm chống Qatar. Trong những năm gần đây, Qatar đã vận động hành lang quyết liệt cho chiếc ghế Tổng giám đốc UNESCO, nhưng công toi cũng vì sự chia rẽ nội bộ giữa các nước cùng khu vực.
Ngay khi cuộc bỏ phiếu bầu chọn lãnh đạo mới diễn ra, UNESCO đã gặp phải một cú sốc với việc Mỹ tuyên bố rút khỏi tổ chức này (theo sau Mỹ là Israel cũng tuyên bố rút lui). Lý do được phía Mỹ đưa ra là vì UNESCO gần đây có những quyết định, động thái chống Israel và thiên vị cho Palestine khi công nhận Palestine là nhà nước thành viên. Tuy nhiên, giới quan sát không tin đó là lý do chính, mà vấn đề nằm ở chuyện tiền bạc đóng góp quỹ hoạt động cho UNESCO.
Một số nhà bình luận cho rằng, chuyện Mỹ tuyên bố rút khỏi UNESCO không bất ngờ, chỉ là một cú sốc nhất thời cho tổ chức này mà thôi. Mỹ đã lên tiếng về chuyện đóng góp tiền bạc cho UNESCO từ nhiều năm trước, cho rằng mức đóng góp đến 20% cho ngân quỹ của tổ chức này là bất hợp lý. Vì thế, năm 2011 Washington đã quyết định ngưng đóng góp quỹ cho UNESCO. Từ đó đến nay, tổ chức này luôn trong tình trạng hoạt động khó khăn vì thiếu kinh phí. Việc những quốc gia giàu có như Mỹ, Nhật,... không chịu đóng tiền buộc UNESCO phải cắt giảm các chương trình hoạt động.
Cựu lục địa nhìn nhận quyết định rút lui của Mỹ là thêm một động thái của chính quyền Tổng thống Trump hướng đến thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Tờ Le Monde hôm 13-10 đã có bài xã luận trong đó nhận định “Tổng thống Trump và nước Mỹ đang tái khẳng định ý định quay lưng với các nỗ lực tìm kiếm các giải pháp chung” của thế giới.
Ở một hướng ý kiến khác, Mỹ cũng được đánh giá là không có lợi ích gì khi quyết định rút khỏi UNESCO. UNESCO là tổ chức đa phương có quy mô lớn nhất của LHQ, việc là thành viên của tổ chức này tạo cho Mỹ cơ hội mở rộng ảnh hưởng ra thế giới nhiều hơn. Cho nên, rút khỏi UNESCO đồng nghĩa với việc Mỹ chấp nhận đánh mất cơ hội duy trì và mở rộng ảnh hưởng trên thế giới, chấp nhận nhường sân chơi “quyền lực mềm” quan trọng này cho các đối thủ khác như Trung Quốc hay Nga.
Theo giới quan sát, Mỹ vẫn còn cơ hội rút lại quyết định rời khỏi UNESCO trước khi chính thức rút khỏi tổ chức này vào cuối năm 2018. Bởi, tân Tổng giám đốc UNESCO là một người gốc Do Thái, và điều này có ý nghĩa như một sự “vuốt ve lòng tự ái” đối với Mỹ và Israel, xét theo phương diện “thiên vị chống Israel” mà người Mỹ đưa ra.
Văn Trương (tổng hợp)