Ứng dụng AI: Công thức tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp

Năm 2023, dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực xuất khẩu phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng doanh thu từ 10 - 40%.

Thông tin được đưa ra tại Lễ công bố và vinh danh Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2024 lần thứ 11 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam VINASA tổ chức sáng 21/9, tại Hà Nội.

Tại buổi lễ, 81 lượt doanh nghiệp tại 22 lĩnh vực đã được vinh danh Top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Theo thống kê, doanh thu của các doanh nghiệp được vinh danh TOP 10 năm nay đạt hơn 4,7 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 75.000 lao động. Ngoài duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam đã có doanh nghiệp đạt doanh thu trên một tỷ USD từ thị trường quốc tế. Đây là dấu mốc lớn bắt đầu cho làn sóng những đối tác lớn toàn cầu tìm đến Việt Nam để hoàn thiện và đa dạng chuỗi cung ứng.

Để đạt được mức tăng trưởng như vậy, các doanh nghiệp đã đồng hành cùng Vinasa trong các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối hợp tác ở Nhật, Mỹ, Hàn Quốc và các nước trong khu vực.

Theo đại diện Hiệp hội Phần mềm và CNTT Việt Nam, công thức tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong thời gian qua là đầu tư mạnh cho nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới. Trong đó, nhiều công ty đã có những sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI được cấp bằng sáng chế, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Xu hướng ứng dụng AI trong việc tăng năng suất cũng như chất lượng là ưu tiên hàng đầu, cũng là điểm đưa doanh nghiệp ngang tầm và có sự cạnh tranh với các công ty trên thế giới.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung nghiên cứu xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm hoàn thiện khung hành lang pháp lý, hỗ trợ và thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ số quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho ngành và lĩnh vực công nghiệp CNTT, công nghệ số Việt Nam thời gian tới.

Tiến Bình

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/ung-dung-ai-cong-thuc-tang-truong-ben-vung-cho-doanh-nghiep-267292.htm